Nằm trong Khu BTTN Pù Luông, cách thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) khoảng 25km, Thác Hươu nổi bật giữa đại ngàn. Ai đã có dịp đặt chân đến mảnh đất Cổ Lũng vùng cao Bá Thước đều có chung nhận xét: Thác Hươu là một trong những dòng thác đẹp bậc nhất xứ Thanh.
Men theo những con đường mòn, đất đá lởm chởm từ trung tâm xã Cổ Lũng vào bản Hươu, bản xa nhất của Cổ Lũng cũng là nơi dòng thác ẩn mình. Bà con nơi đây đã đặt cho thác cái tên thân thuộc, gần gũi: Thác Hươu.
Thác Hươu – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Thanh Hóa
Thác quanh năm nước đổ ầm ào, bà con không biết nước bắt nguồn từ đâu, có người bảo nước từ Mai Châu (Hòa Bình) đổ xuống. Có người bảo nước từ mạch núi đá vôi chảy ra. Dòng nước trong vắt, mát rượi vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Chiều dài dòng thác khoảng 800m, du khách muốn lên đến đỉnh thác phải mất 1 giờ đồng hồ, vừa leo núi, vừa lội thác. Độc đáo biết bao, từ đỉnh thác nhìn xuống, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, tạo thành 2 thác đổ về 2 hướng khác nhau, và cùng gặp lại nhau ở cuối dòng. Những vách đá tạo ra hàng chục tầng thác nước, đổ bọt trắng xóa.
Sự hùng vĩ của thác Hươu – Ảnh: Sưu tầm
Ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên từ đỉnh thác mới thấy hết sự hùng vĩ của núi non, với hình ảnh “núi ấp ôm mây, mây ấp núi”, những ngôi nhà sàn người dân tộc Thái nằm ẩn mình, thấp thoáng dưới chân núi, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, tiếng thác nước ào ào chảy, rồi những cây cầu treo vắt vẻo, những guồng nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay, vừa đưa nước lên đồng ruộng phục vụ sinh hoạt, vừa tô điểm cho núi rừng thêm đẹp, thêm say… Tất cả tạo nên cho Thác Hươu nét độc đáo mà ít nơi nào có được. Đặc biệt, giữa dòng nước trắng lần lượt có 3 hang động thiên nhiên ăn sâu vào lòng núi. Du khách muốn khám phá chỉ cần băng qua dòng nước là sẽ vào được hang. Trong 3 hang có lẽ đẹp nhất là hang Tình yêu, rộng khoảng 3m, sâu 10m, với nhũ đá long lanh đủ màu sắc, mát rượi.
“Vòi” tắm tự nhiên – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Thanh Hóa
Đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hòa mình giữa dòng nước mát rượi, khi trở lên nhà sàn đã thấy bày sẵn vò rượu cần, ấm ấm, thơm nồng, ngọt dịu mà bà con nơi đây đã dùng chính nguồn nước từ các mó nước làm nên vị rượu cần đặc trưng. Thưởng thức món canh măng bương được bà con hái từ núi xuống. Không hiểu do chất đất, khí trời hay vì điều gì mà ít vùng nào có thể có thứ măng ngọt ấy. Đặc sản của vùng còn phải kể đến món vịt Cổ Lũng nổi tiếng từ xưa, thịt vừa mềm, vừa ngọt.
Du lịch Thanh Hóa – Ảnh: Sưu tầm
Thiên nhiên đã ưu ái, ban tặng cho Cổ Lũng tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lại nằm trong Khu BTTN Pù Luông, là những điều kiện thuận lợi để có thể mở rộng các tour du lịch cộng đồng, phục vụ không chỉ khách bản địa mà còn cho khách nước ngoài.
Khách du lịch có thể đi từ Mai Châu (Hòa Bình) đến bản Kịt, Lũng Cao (Bá Thước) qua Thác Hươu, Cổ Lũng đến hang Ma (bản Cốc, Hồi Xuân, Quan Hóa) và một số điểm du lịch khác trong vùng.
Bạn hãy đến và vui chơi – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Thanh Hóa
Để khai thác tiềm năng của thác Hươu và những điểm đến khác trong vùng, huyện Bá Thước cần phối hợp với các ngành chức năng có chiến lược phát triển du lịch, trong đó ưu tiên hàng đầu là công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp đó nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo ra các loại hình dịch vụ để khách du lịch hứng thú hơn, đến nhiều hơn.
Kinhnghiemditour.vn – theo thethaovietnam
Leave a Reply
View Comments