Có những khoảng trời mà ta tìm thấy ở đó những an yên, có những khoảng trời đưa ta về những bình lặng trong tâm tưởng. Miên man trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lạc bước trong những vườn cây xum xuê trái ngọt rồi trải lòng nơi chốn linh thiêng của chùa chiền. Sóc Trăng cứ tự nhiên mà đi hồn người như thế, dung dị, nên thơ, đủ để khiến người ta phải lạc lối đi về. Và đặc biệt khi mùa nước nổi về trên mảnh đất Miền Tây, Sóc Trăng lại trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình chu du miền sông nước.
Có những khoảnh trơi đưa ta về những an yên – Ảnh: PL
Có những nơi khiến người ta phải lạc lối đi về – Ảnh: Thành Nguyễn
Mời bạn xem: Về Sóc Trăng – Chu du qua những vùng đất bình yên – Kỳ 1
5. ẨM THỰC SÓC TRĂNG HÚT HỒN LỮ KHÁCH
Một vùng đất có sự giao thoa lâu dời của những nền văn hóa từ ba dân tộc Kinh – Khomer và Hoa, do đó, ẩm thực Sóc Trăng cũng mang những phong vị không thể lẫn vào đâu được. Dường như trong từng món ăn dân dã, người ta cảm nhận được cái tinh túy của đất trời pha trộn trong cách chế biến mới lại của những ngư dân vùng sông nước.
Bún nước lèo, món ăn dân dã mà nồng ấm ân tình – Ảnh: Sưu tầm
Đến Sóc Trăng là không thể bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức bún nước lèo. Cái tên gọi không có gì đặc biệt nhưng nếm thử rồi lại khiến bất kỳ ai cũng phải ngất ngây, nước lèo ở đây trong vắt, không hề có chút cặn mà thơm vị của cá lóc đồng, sả và một vài loại gia vị khác.
Bánh ống thơm ngon, béo ngậy khiến người ta chẳng thể nào quên – Ảnh: Sưu tầm
Đến Sóc Trăng là phải ăn bánh ống, một món ăn vặt của người Khomer dẻo mịn, thơm mùi lá dứa và beo béo vị dừa nạo, hương bùi bùi của muối vừng, kích thích từng dây thần kinh vị giác nơi đầu lưỡi.
Bánh Pía ngọt bùi mang cái hồn của người Hoa – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn tại Sóc Trăng
Và rồi còn bánh Pía, một đặc sản của người Hoa, những chiếc bánh vàng ươm, thơm nồng nàn vị béo ngọt của sầu riêng. Còn cháo cá lóc lá đắng nữa, còn bún tiêu giò, bún gỏi dà, bánh cóng, lạp xưởng, bò nước thiếc.
Ẩm thực Sóc Trăng cũng đa dạng lắm – Ảnh: Sưu tầm
Ẩm thực Sóc Trăng cũng đa dạng lắm, mỗi món ăn mang một mùi vị rất riêng nhưng ẩn trong đó là hương của ruộng đồng, vị của sông nước và cái tình của người dân Nam Bộ thân thương.
6. MÙA GÌ LÀM QUÀ Ở SÓC TRĂNG?
Sóc Trăng là vùng đất nhiều đặc sản. Chỉ cần dạo một vòng quanh các khu chợ ở bất kỳ nơi nào, bạn cũng có thể chọn được món quà mang phong vị riêng của mảnh đất này.
Dạo một vòng quanh chợ là đã có đủ thức quà – Ảnh: Phạm Đình Quang
Nào là bánh Pía, bánh Mè Láo, nào là lạp xưởng, bánh ống. Thức nào cũng ngon, cũng hấp dẫn và ẩn trong mình cái tinh túy của văn hóa vùng miền. Vậy nên, nếu bạn muốn mang một chút hồn của Sóc Trăng về thị thành và chia sẻ với bạn bè thân thì những thức quà trên là lựa chọn hay ho nhất.
Đủ loại thức quà cho du khách lựa chọn – Ảnh: Sưu tầm
Không chỉ có thể, Sóc Trăng còn có vú sữa Đại Tâm, còn có bưởi Năm roi Kế Sách, những loại quả đặc trưng của miệt vườn, khiến bất kỳ ai thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.
Và nếu bạn muốn chọn những món quà lưu niệm để ghi dấu từng vùng đất đã đi qua thì khắp mọi địa danh ở xứ Sóc Trăng bạn đều có thể tìm được những món hàng thủ công mỹ nghệ được thiết kế vô cùng tinh xảo. Đó có thể là những đồ vật của người Hoa, đó cũng có thể là những món đồ mang dấu ấn của người Khomer xưa tới những đồ chơi vô cùng dung dị được chế tác từ dừa, thốt nốt, khiến người lữ khách phải thích mê.
Những đặc sản của miệt vườn cũng được nhiều người mua làm quà – Ảnh: Sưu tầm
7. NÉT VĂN TÂM LINH CỦA NHỮNG NGƯỜI DÂN VÙNG SÔNG NƯỚC
Theo những câu chuyện từ xa xưa truyền lại, một phần cư dân ở vùng đất Sóc Trăng ngày nay là hậu duệ của những thuyền tị nhân từ Campuchia theo dòng Cửu Long giang vượt biên và tìm nơi cư ngụ ở một vùng thiên nhiên hoang dã cách đây hàng thế kỷ. Vậy nên tới Sóc Trăng là tới với một vùng đất tụ họp nhiều bản sắc dân tộc nhất, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng pha trộn chủ yếu bởi ba dòng máu sắc dân.
Vùng đất của lễ hội với những nét giao thoa văn hóa giữa các sắc dân – Ảnh: Sưu tầm
Nói Sóc Trăng là vùng đất của lễ hội cũng chẳng ngoa khi vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đến với nơi này ta cũng được chào đón bởi những lễ hội đầy sôi động. Một lần chìm trong không gian lễ hội ở Sóc Trăng là người ta lại có cảm tưởng như mình đang chu du sang những nước láng giềng, mà ở đó ta có thể mục sở thị những vũ điệu đầy hấp dẫn mang cái hồn dân tộc.
Rộn ràng lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmay của người Khomer – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Sóc Trăng
Vào những ngày tháng 4 dương lịch ( tức là vào đầu tháng Chét của người Khomer) là Lễ Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, mang ý nghĩa mừng năm mới, khi mà nhà nhà, người người trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị các lễ vật thờ cũng ông bà tổ tiên và chào đón một mùa mới lại về.
Ngày hội sông nước miệt vườn tôn vinh cây trái và người làm vườn ở Mỹ Phước – Ảnh: Sưu tầm
Rồi tới tháng 4, tháng 5 âm lịch, về Cồn Mỹ Phước là được hòa mình vào bầu không khí hân hoan, náo nhiệt của lễ hội sông nước miệt vườn. Đó là ngày mà những người nông dân chân lấm tay bùn tôn vinh cây trái miệt vườn và người làm vườn Nam Bộ.
Bầu không khí thành kính trong lễ hội Dolta – Ảnh: Sưu tầm
Để rồi vào cuối những ngày tháng 8 âm lịch, khi lễ Vu Lan báo hiếu của người Kinh đã qua thì du khách lại được tham gia lễ Dolta của đồng bào Khomer ở Sóc Trăng. Đó cũng dịp những người dân nơi đây thể hiện lòng tưởng nhớ tới công bà tổ tiên. Đó còn là dịp để những người thân trong gia đình dù đang ở nơi đâu cũng cố gắng quay về quây quần, dành trọn những phút giây ở bên nhau.
Bầu không khí náo nhiệt trong lễ hội Óoc Om Bóc – Ảnh: Vu Linh
Nhưng nhắc tới Sóc Trăng chắc chắn rằng người ta sẽ nhớ ngay tới lễ hội Óoc Om Bóc – đua ghe Ngo hay còn gọi là lễ cúng trăng diễn ra vào mỗi tháng 10 âm lịch nhằm tiễn đưa mùa mưa và chào đón mà khô về. Trong lễ hội này, du khách sẽ được chứng kiến các tục lệ đút cốm dẹp cho trẻ em để cầu mong một mùa màng tươi tốt, bội thu hay hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa và thể thao ở lễ đua Ghe hoành tráng.
Dâng các vật dụng cho chư tăng trong lễ hội Kathina – Ảnh: Sưu tầm
Một vài ngày trước lễ hội Óoc Om Bóc là thời gian diễn ra lễ hội Kathina, môt nét đặc trưng trong văn hóa của đồng bào Khomer. Đây là thời điểm mà các đồng bào Khomer thành kính dâng những chiếc áo cà sa, những vật dụng dành cho chư tăng như thể hiện lòng sùng đạo của gia đình và quyết tâm gìn giữ những bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc.
Vùng đất của những công trình kiến trúc độc đáo – Ảnh: Le Quang
Không những vậy, Sóc Trăng còn khiến du khách phải ngỡ ngàng với một hệ thống chùa miếu mang phong cách kiến trúc đặc trưng của người Khomer xưa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi khi dân tộc này chiếm tới 28,9% và là một đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa Phật Giáo Tiểu Thừa. Đi xuyên suốt tỉnh thành này, ở nơi đâu bạn cũng có thể bắt gặp những ngôi chùa được trang trí với những đường nét nghệ thuật mang đậm văn hóa tâm linh cổ truyền, mà điển hình nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất phải kể đến chùa Kh’leang, chùa Dơi, chùa Đất Sét và chùa Sà Lôn.
Nơi thể hiện tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng dân tộc Sóc Trăng – Ảnh: Le Quang
Một nền văn hóa đa dạng, mang cái hồn riêng của từng dân tộc hòa lẫn trong bầu không khí chung của các sắc dân. Nhưng vượt lên trên tất cả, dường như những dấu ấn ấy vẫn giữ mãi những bản sắc thời xưa cũ, không hề bị bào mòn bởi dòng chảy vô hình của thời gian.
8. NHỮNG LƯU Ý KHI DU LỊCH SÓC TRĂNG
Một chuyến du lịch hoàn hảo chắc chắn không thể thiếu những sự chuẩn bị tươm tất nhất. Và đặc biệt khi du ngoạn tới những vùng sông nước miệt vườn như ở xứ Sóc Trăng. Vậy mang theo những hành trang nào nhỉ để chuyến chu du thêm trọn vẹn?
– Thuốc dị ứng, kem chống muỗi, thuốc diệt côn trùng chắc chắn là không thể thiếu khi du lịch đến những địa danh nhiều sông nhiều nước.
Chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến du ngoạn vùng sông nước hoàn hảo – Ảnh: Khac Qui Nguyen
– Sóc Trăng mùa nào cũng ấm nóng nên tốt nhất, bạn chỉ nên mang theo những bộ quần áo màu, dễ giặt, thoáng mát và dễ thấm hút mồ hôi nếu muốn thoải mái khi di chuyển.
– Nếu bạn đi du lịch vào mùa mưa, mùa nước nổi, nên mang theo những chiếc áo mưa nhé, sẽ rất hữu dụng bởi ở mảnh đất này, những cơn mưa bất chợt không hề hiếm gặp.
Trang phục nên thoải mái để di chuyển – Ảnh: Liêm Trần
– Tốt nhất bạn nên đặt trước phòng khách sạn nếu muốn đảm bảo nơi chốn nghỉ ngơi vào mùa du lịch cao điểm ở Sóc Trăng.
– Khi tham quan các chùa miếu ở Sóc Trăng, du khách nên ăn mặc chỉnh tề, trang nhã phù hợp với chốn tôn nghiêm.
Nhưng phải phù hợp khi viếng các chùa chiền – Ảnh: Thomas Cristofoletti
Du lịch Sóc Trăng
Xem thêm: Các khách sạn 2 sao tại Sóc Trăng
Sóc Trăng có nhiều điều đặc biệt như vậy đó. Không chỉ đẹp bởi cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, nơi chốn ấy còn cuốn hút con người ta bởi những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đã tồn tại từ thuở ngày xưa. Đến với Sóc Trăng là đến với thiên đường cây trái, đến với những chùa miếu tâm linh khiến người ta cảm thấy thật yên bình. Vậy nên, sau những mệt nhoài với cuộc sống ngoài kìa, người lữ khách thích tìm về nơi ấy, để sống trọn vẹn hơn trong ân tình thân thương của những người dân miền Nam Bộ, để chìm trong không khí thanh tịnh, từ bi và dành một phút giây nào đó trên chặng hành trình chiêm nghiệm lại cuộc đời bao phen chìm nổi.
Dandelion – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments