Có những khoảng trời mà ta tìm thấy ở đó những an yên, có những khoảng trời đưa ta về những bình lặng trong tâm tưởng. Miên man trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lạc bước trong những vườn cây xum xuê trái ngọt rồi trải lòng nơi chốn linh thiêng của chùa chiền. Sóc Trăng cứ tự nhiên mà đi hồn người như thế, dung dị, nên thơ, đủ để khiến người ta phải lạc lối đi về. Và đặc biệt khi mùa nước nổi về trên mảnh đất Miền Tây, Sóc Trăng lại trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình chu du miền sông nước.
Có những khoảnh trơi đưa ta về những an yên – Ảnh: PL
Có những nơi khiến người ta phải lạc lối đi về – Ảnh: Thành Nguyễn
1. HÁO HỨC TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG VỀ VỚI SÓC TRĂNG
Là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231km, Sóc Trăng vừa mang trong mình nét duyên thầm của sông nước miệt vườn Nam Bộ vừa khiến người ta phải ngất ngây bởi những tín ngưỡng văn hóa độc đáo với sự giao thoa của ba cộng đồng dân tộc Kinh – Khomer và người Hoa.
Sóc Trăng ẩn trong mình cái duyên thầm của sông nước Nam Bộ – Ảnh: Ger van Beek
Chính vì lẽ đó, mặc những con đường gập ghềnh phía trước, người ta vẫn chọn Sóc Trăng như một nơi chốn dừng chân vừa có thể thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp vừa chìm đắm trong bầu không khí đậm chất tâm linh.
Nơi dừng chân để hòa mình vào bầu không khí đậm nét tâm linh – Ảnh: Quoc Tran Le Bao
Đường tới Sóc Trăng cũng không xa lắm, từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể chọn mua vé ở bến xe Miền Tây với giá vé dao động từ 160.000đ – 200.000đ tùy thời điểm. Leo lên một chiếc xe khách chất lượng cao nào đó, và chỉ tầm 4 – 5 tiếng sau là ta đã đặt chân lên mảnh đất Sóc Trăng.
Chỉ sau tầm 4 – 5 tiếng ngồi xe là bạn đã tới thành phố Sóc Trăng – Ảnh: Sưu tầm
Còn nếu như, bạn thích cái cảm giác chạy xe xuyên những thị thành náo nhiệt, băng qua những cánh đồng xanh mơn mởn, nghe gió rít bên tai, nghe hương ruộng đồng vẩn vương bên cánh mũi, thì một chuyến du ngoạn bằng xe máy có lẽ sẽ khiến bạn phải xao lòng. Khi chọn xe máy làm phương tiện di chuyển, bạn có thể chạy từ Sài Gòn tới cầu Cần Thơ, qua cầu Cần Thơ rồi rẽ trái, chạy thêm khoảng 67km nữa sẽ tới địa phận Sóc Trăng.
Bình yên những cung đường về Sóc Trăng – Ảnh: Sưu tầm
Tại Sóc Trăng thì bạn chẳng lo thiếu phương tiện di chuyển, nào là taxi, nào là xe buýt, rồi tàu thuyền. Nếu bạn muốn tự do thì thuê xe máy nghe có vẻ rất hợp lý đấy. Bạn có thể liên hệ ngay với khách sạn mà bạn ở để có thể thuận tiện hơn, giá thuê xe máy cũng hợp lý, chỉ dao động từ 120.000đ – 200.000đ/ ngày.
Những chiếc thuyền là phương tiện tuyệt vời để thăm thú vùng sông nước – Ảnh: Michael Tannous
2. SÓC TRĂNG MÙA NÀO ĐẸP NHẤT?
Một vùng đất mà bất cứ thời điểm nào trong năm ta cũng bắt gặp nắng vàng, nắng dịu ngọt buổi đầu xuân, nắng vàng ươm vào những ngày hè và ánh nắng “lạnh” nhưng lúc cuối năm. Trong cái sắc nắng đong đầy đó, cảnh thiên nhiên Sóc Trăng cũng có hồn hơn, gọi mời người lữ khách xa gần tìm về thưởng ngoạn.
Sóc Trăng mùa nào cung đẹp, cũng khiến người ta phải ngất ngây – Ảnh: Quang Pierre
Nhưng người ta vẫn thích tới Sóc Trăng những lúc hè về. Hè là khi nắng ngập ruộng đồng, hè là khi những miệt vườn sum suê trái ngọt, kìa những vườn chôm chôm đỏ mọng một góc trời, kìa những vườn cam quýt vàng ươm và những vườn thanh dâu chi chít trái.
Những vườn cam quýt vàng ươm – Ảnh: Sưu tầm
Những vườn thanh dâu chi chít trái – Ảnh: Sưu tầm
Còn gì tuyệt vời hơn khi dạo bước giữa một thiên đường cây trái, lặng nhìn những chùm quả ngon ngọt treo lủng lẳng trên đầu hay e ấp trốn mình sau những tàng cây xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa thăm thú miệt vườn vừa đưa tay hai vài chùm trái cây bỏ vào miệng, thưởng thức trọn cái hương vị ngọt lành của thiên nhiên.
Tận tay hái và thưởng thức những chùm quả ngọt lành – Ảnh: Sưu tầm
Mùa hè ở Sóc Trăng còn là mùa diễn ra ngày hội sông nước miệt vườn với những hoạt động sôi nổi như triển lãm trái cây, hội thi trái ngon, hội thi nấu ăn vô cùng đặc sắc.
Náo nức chuẩn bị cho các phần thi trong lễ hội sông nước miệt vườn – Ảnh: Sưu tầm
Rồi khi vào mùa nước nổi, Sóc Trăng cũng như những vùng quê khác trên mảnh đất miền Tây được khoác lên mình một tấm áo choàng đặc biệt. Mùa nước nổi là lúc không ai có thể cưỡng lại được tiếng gọi thân thương của những cánh đồng ngập trong màn nước, của cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình.
Đẹp nao lòng Sóc Trăng mùa nước nổi – Ảnh: Tam Le
Và vào những tháng gần cuối năm, ghé Sóc Trăng là đến với mùa của lễ hội, điển hình như lễ hội lớn Ooc-Om-Bok – đua ghe ngọ diễn ra vào tối 14 và ngày 15 tháng 10 âm lịch. Những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư nơi đây.
Lễ đua ghe Ngọ diễn ra vào mỗi dịp cuối năm – Ảnh: Vũ Linh
3. CẨM NANG LƯU TRÚ TẠI MIỀN SÔNG NƯỚC SÓC TRĂNG
Được mệnh danh là một trong những thành phố thơ mộng nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long thu hút một lượng lớn khách mỗi năm, tuy nhiên dịch vụ du lịch ở Sóc Trăng còn khá đơn sơ. Do đó, trên hành trình thăm thú cái mảnh đất xinh đẹp này, du khách nên tìm hiểu và đặt phòng trước để đảm bảo nơi chốn nghỉ ngơi.
Nên đặt trước phòng để đảm bảo nơi chốn nghỉ ngơi ở Sóc Trăng – Ảnh: Sưu tầm
Một số khách sạn được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ ở Sóc Trăng phải kể đến:
– Que Toi Hotel: 278 Phú Lợi, Phường 2, Tp Sóc Trăng.
– Khanh Hung Hotel: 17 Trần Hưng Đạo, Phường 3, Tp Sóc Trăng.
– Công Đoàn Hotel: 90 Lê Hồng Phong, Tp Sóc Trăng.
– Phong Lan Hotel: 124 Đồng Khởi, Tp Sóc Trăng.
– Ngọc Thu Hotel: Km 2127 quốc lộ 1A, xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng.
– Minh Phuong Hotel: 294 Phú Lợi, Phường 2, Tp Sóc Trăng.
Lưu trú tiện nghi tại Minh Phuong Hotel – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Sóc Trăng
Ngoài ra, hình thức du lịch homestay cũng đã phát triển tại Sóc Trăng. Nếu bạn muốn trải nghiệm trọn vẹn hành trình về với miền sông nước, du lịch homestay sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm chẳng thể nào quên. Đó là những giây phút hòa mình vào cuộc sống của người dân miệt vườn, sáng sớm ra thăm đồng ruộng, chiều chiều tát mương bắt cá, đêm đêm ngồi nghe những âm điệu trữ tình của đờn ca tài tử.
Lưu trú tại nhà dân, loại hình du lịch đang phát triển tại miền Tây – Ảnh: Sưu tầm
4. DU LỊCH SÓC TRĂNG, THĂM THÚ NHỮNG CHỐN NÀO?
Không nổi danh bởi những khung cảnh tráng lệ, kiêu sa mà Sóc Trăng đẹp theo một cách khác đầy dung dị khiến tâm tình con người ta dịu lại. Tới Sóc Trăng là tới với vùng đất của những cánh đồng cò bay thẳng cánh, tới với những miệt vườn cây trái quanh năm và tới với cuộc sống hồn hậu của những người dân vùng Nam Bộ.
Sóc Trăng có nhiều nơi đẹp lắm, những cảnh đẹp tràn đầy hơi thở của cuộc sống muôn đời.
Những cảnh đẹp tràn đầy hơi thở muôn đời – Ảnh: Duy Black
– Chợ nổi Ngã Năm: Một địa danh nằm ở thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, cách thành phố Sóc Trăng chừng 60km, chợ nổi Ngã Năm là một trong những khu chợ nổi lâu đời và nhộn nhịp nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long. Chợ họp từ sáng sớm tinh mơ, những chiếc ghe thuyền đầy ắp hàng hóa từ khắp nơi đổ về, tiếng máy nổ xành xạch, tiếng cười nói râm ran tạo nên một bầu không khí mang đặc trưng văn hóa của vùng sông nước.
Một trong những khu chợ nhộn nhịp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: TRAN LIETHUNG
Hàng hóa nhiều như vậy nhưng thay vì những lời chào mời ồn ã, những người dân nơi đây lại chọn những chiếc Bẹo hàng như một hình thức quảng cáo độc đáo. Khách muốn mua gì cứ việc nhìn những mặt hàng tượng trưng trên cây bẹo và tìm tới.
Bẹo hàng, một nét đặc trưng của giao thương vùng sông nước – Ảnh: Quang Tran
Dù thời gian có chuyển dời, dù cuộc sống ngoài kia có đổi thay như thế nào thì chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được những nét văn hóa từ lâu đời ấy. Vậy nên, tới Sóc Trăng là người ta lại rủ nhau đi chợ nổi để hòa mình vào cuộc sống giao thương độc đáo nơi đây.
Nơi vẫn giữ được những nét văn hóa lâu đời của miền Nam Bộ – Ảnh: Phong Tran
– Cồn Mỹ Phước: Về Cồn Mỹ Phước là về với thiên nhiên ngọt lành, ấy là nơi quanh năm luôn có hoa thơm trái ngọt, khiến người lữ khách cứ thoải mái chìm trong cây trái sum suê, tận hưởng bầu không khí trong lành của miệt vườn Nam Bộ.
Sông nước hữu tình ở Cồn Mỹ Phước – Ảnh: Sưu tầm
Mùa nào thức nấy, bất cứ thời điểm nào trong năm Cồn Mỹ Phước cũng ngập tràn trong màu sắc của những cây chi chít trái, nào là hồng xiêm, nhãn, xoài, nào là mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nào là cam, quýt, bưởi, …khiến người ta như lạc vào một hội bàn đào chốn thiên đình.
Ghé Cồn Mỹ Phước, tham gia lễ hội sông nước miệt vườn – Ảnh: Sưu tầm
– Vườn cò Tân Long: Từ thành phố Sóc Trăng, đi khoảng 50km về hướng Tây Nam, ta tìm về vườn cò Tân Long đầy thơ mộng. Đất lành chim đậu, vườn cò Tân Long hiện là nơi trú ngụ của hàng nghìn giống Cò, Vạc, Còng cọc và những loài chim khác.
Đất lành chim đậu – Ảnh: Sưu tầm
Tới nơi này, đứng trên những chòi cao gần 10m, du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn khu vườn. Trong bạt ngàn màu xanh của dừa, của tre và của những hàng bình bát là những cánh cò trắng đang ung dung bay lượn như ở chốn không người.
Ung dung bay lượn như chốn không người – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn tại Sóc Trăng
Nhưng có lẽ khiến người ta ấn tượng nhất là khung cảnh ngập tràn sắc trắng khi những đàn cò quần tụ vào mỗi buổi sớm mai hay những lúc chiều buông bóng. Từng tốp từng tốp cò bay theo hàng ngang hàng dọc, ríu rít gọi bầy, quay về quây quần, đậu trắng cả những lùm cây. Một khung cảnh bình dị, khiến người ta như quên hết những mệt mỏi thường nhật, chỉ còn mình ta với trời đất bao la.
Những đàn cò gọi nhau về tổ lúc chiều buông bóng – Ảnh: Ciaoho
– Về Sóc Trăng không chỉ là về với sông nước miệt vườn mà cái mảnh đất nên thơ ấy còn mê hoặc người lữ khách bởi những chốn tâm linh huyền bí. Sóc Trắng nổi danh bởi hệ thống chùa chiền độc đáo có niên đại lâu đời mà ở đó ta có thể hiểu được phần nào phong tục tín ngưỡng của người địa phương. Những tín ngưỡng riêng biệt mang nét giao thoa của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khomer, Hoa cùng sinh sống.
Về Sóc Trăng, về với chốn tâm linh huyền bí – Ảnh: Pho24
Chùa Sà Lôn: Hay còn có tên gọi khác là chùa Chén Kiểu. Ngôi chùa sử dụng những mảnh bát, đĩa sứ với những họa tiết vô cùng bắt mắt, ốp lên tường để trang trí. Theo lời của những người bản địa thì kiểu kiến trúc ấy được tạo thành một cách rất ngẫu nhiên, khi trong quá trình xây dựng chùa, do thiếu vật liệu nên các nhà sư đã nảy ra sáng kiến quyên góp chén đĩa sứ từ bà con. Nhưng cũng chính điều đó lại tạo nên nét duyên thầm của ngôi chùa, khiến người thích thú, bị mê hoặc bởi đường nét nghệ thuật đầy ngộ nghĩnh.
Chùa Sà Lôn với kiểu kiến trúc vô cùng bắt mắt – Ảnh: Nam Hoang
Chùa Đất Sét: Ngôi chùa có niên đại 200 năm tuổi, nổi tiếng xa gần với hàng ngàn bức tượng Phật, linh thú bằng đất sét và đặc biệt hơn cả là những cây nến có thể cháy tới hàng chục năm.Chùa Đất Sét được xây dựng làm nơi thờ tự nhà họ Ngô ở Sóc Trăng nên mặc dù mang danh lại chùa nhưng ở đó lại không có bóng dáng các sư sãi mà chỉ có những người trong dòng họ trông nom và hương khôi.
Chùa Đất Sét nổi danh với những bức tượng Phật và linh thú được tạo thành bằng đất sét – Ảnh: Sưu tầm
Đến chùa Đất Sét, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là lòng cảm thán về tài hoa của ông Ngô Kim Tòng, người xây dựng ngôi chùa cũng là người đã dày công tạo nên những pho tượng có một không hai. Không những vậy, chùa còn có nhiều điều thú vị lắm nhé, ngoài những cây nến có thể thắp liên tục 80 năm còn là ba đỉnh đất set mỗi đỉnh cao 2m, tháp đa bảo 13 tầng, đèn lục long đăng có 3 chóp đỉnh với sáu con rồng lớn uốn cong và tòa sen 1000 cánh mà mỗi cánh đều có một vị Phật.
Ngôi chùa gây nhiều kinh ngạc với du khách tham quan – Ảnh: Sưu tầm
Thực là một công trình kiến trúc mới lạ, xứng danh độc nhất vô nhị, khiến du khách phải trầm trồ đầy kinh ngạc.
Chùa Kh’leang: Một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, nơi gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về buổi đầu hình thành mảnh đất này. Trong ngôi chùa cổ kính ấy hiện còn trưng bày các vật dụng của người Khomer xưavà những Kinh Phật được viết trên lá thốt nốt nhằm lưu truyền và gìn giữ những tín ngưỡng lâu đời trong văn hóa dân tộc bản địa.
Chùa Kh’leang, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng – Ảnh: Vu Linh
Chùa Kh’leang được xây dựng lộng lẫy, nghiêm trang với những đường nét được sơn son thiếp vàng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc đặc trưng của đồng bào Khomer, tinh tế, uy nghi và đầy bí ẩn.
Những đường nét sơn son thiếp vàng vô cùng lộng lẫy – Ảnh: Sưu tầm
Chùa Dơi: Còn được gọi với cái tên Chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup, một công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XVI với những nét đặc trưng cho văn hóa của Phật giáo Nam tông Khomer Nam Bộ.
Chùa Dơi đặc trưng cho văn hóa Phật giáo Nam Tông – Ảnh: Ngọc Viên Nguyễn
Nét đặc biệt khiến nhiều nhiều du khách cảm thấy lạ lẫm ở ngôi chùa này là hình ảnh một khuôn viên với hàng chục, hàng trăm cây cổ thụ, nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Vậy nên mới có những cảnh tượng vô cùng kỳ thú lúc chiều về khi những đàn dơi buông cánh đi kiếm ăn, tỏa về bốn phương tám hương, để rồi sáng hôm sau khi mặt trời thức giấc, chúng lại quay về, tụ tập dưới những tán cây cao.
Chùa Dơi kỳ bí với hàng nghìn con dơi về trú ngụ – Ảnh: Sưu tầm
Du lịch Sóc Trăng
Xem thêm: Các khách sạn 2 sao tại Sóc Trăng
Mời bạn xem: Về Sóc Trăng – Chu du qua những vùng đất bình yên – Kỳ 2
Dandelion – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments