Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọt

Không biết tự bao giờ cây quýt hồng đã bám rễ ăn sâu vào lòng đất bên bờ con sông Hậu hiền hòa! Cũng không ai nhớ rõ người đầu tiên nhân giống cây quý cho vùng đất này! Chỉ biết, bao thế hệ con người nơi đây từ khi chào đời đã chạm mắt với màu vàng hực của mùa trái chín. 

 

Lai Vung ơi, một lần về để nhớ!

Hương phù sa châu thổ quê mình

Mùa nước bạc hạt phù sa đọng lại

Cho quýt hồng giữ mãi hương thơm…

 

Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọtVề Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọt – Ảnh: Sưu tầm

 

Ai đó có dịp về Lai Vung vào những ngày cuối xuân, đầu hạ sẽ bắt gặp một màu trắng và hương thơm ngào ngạt của mùa quýt trỗ hoa. Hàng triệu gốc quýt trên vuông đất hơn 1 ngàn ha chạy dọc bên bờ sông Hậu thuộc 3 xã: Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành đồng loạt đơm bông. Những chùm hoa lặng lẽ ấy được dưỡng nuôi bằng vị ngọt phù sa từ những ngày tháng ba, tháng tư để rồi 10 tháng sau đó cho những cành quýt đong đưa trĩu quả. 

 

Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọtHoa Quýt – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Đồng Tháp

 

Dường như ở miệt châu thổ này không có loài cây nào sai trái bằng quýt hồng. Cứ đến độ chớm đông là nhà vườn chuẩn bị những cây nạn để chõi cành. Những liếp vườn lúc này trông như những giàn giáo của một công trình xây dựng. Người xưa đã truyền lại kinh nghiệm trồng quýt hồng bằng mấy câu ca dao:

 

Quýt tơ để trái trên cành

Quýt già phải đở bằng nhành cây khô

Muốn cho tốt trái đấp mô

Vun gốc đất sét ruộng khô quê mình.

 

Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọtTrẻ em vui chơi dưới cây Quýt – Ảnh: Sưu tầm

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Đồng Tháp

 

Người làm vườn nơi đây ví cây quýt hồng như một cô gái đẹp và thích được cưng chìu. Lên liếp, lập vườn trồng quýt hồng tốn công sức, tiền của nhiều hơn trồng các loài cây khác. Đất bên trên của liếp vườn phải lấy từ lớp đất mặt trên ruộng ở chính vùng này thì mới trồng được. Mỗi năm phải vun gốc một lần cũng bằng loại đất ấy được phơi thật khô. Suốt quá trình dưỡng nuôi, chăm sóc từ lúc ra hoa, kết trái đến khi thu hoạch mất 10 tháng ròng. Nhà vườn đã đổ biết bao công sức và mồ hôi từ tưới nước, bón phân, làm cỏ, vun gốc… mới có được mùa vàng!

 

Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọtThu hoạch – Ảnh: Sưu tầm
 
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Đồng Tháp

 

Cuộc hành trình của cây quýt hồng ngót gần 100 năm đã trải qua nhiều thăng trầm, lắm lúc nhà vườn nơi đây tưởng chừng không giữ được loài cây quý này! Hồi trước, khi chưa có đường xá, đê bao thì mỗi mùa lũ lụt đi qua, nhất là những năm lũ lớn làng xóm, ruộng vườn chìm trong biển nước. Có một chặng dài bị ngăn sông, cấm chợ, nên trái quýt hồng dẫu có đẹp, có ngọt thơm nhưng cũng khó có thể vượt qua khỏi cỗng làng! Những năm thời tiết, khí hậu thay đổi, mấy đợt dịch bệnh vàng lá trên cây có múi cũng làm cho vườn quýt hồng Lai Vung thêm mấy bận lao đao. Trải qua mấy cuộc bể bể dâu nhưng cây quýt hồng không phụ tình đất, tình người Lai  Vung mà biết gượng dậy và luôn giữ được nét thanh xuân của mình. 

 

Trong ký ức của những nhà vườn trồng quýt hồng chắc không quên hình ảnh mỗi mùa quýt phải phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 đến 25 lần để không có sâu bệnh và cho trái sáng đẹp. Giờ đây, nhà vườn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nên giảm được số lần phun thuốc vừa đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cho cả người tiêu dùng. Chứng tỏ sự thay đổi đáng kể trong cách thực hành sản xuất trái cây sạch, được người trồng quýt áp dụng triệt để. Đặc biệt ở Lai Vung, các nhà vườn còn liên kết với nhau trong qui trình sản xuất từ đầu đến cuối vụ. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung.

 

Trái quýt hồng được củng cố vị thế, tiếng tăm vang xa hơn và đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Hội thi trái ngon trong khu vực. Không chỉ thế, vườn quýt hồng trĩu quả còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ, nhà thơ… Mới biết, loài trái thơm thảo này đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ trong cuộc hành trình đầy sóng gió của mình!

 

Mỗi độ xuân về, quýt hồng trĩu quả, chín mọng, đất Lai Vung lại thêm phần nhộn nhịp khách phương xa muốn tìm được cảm giác thú vị đi trong vườn quýt hồng thơ mộng, nhìn trái vàng óng ả. Đến đây, khách tham quan vô cùng thích thú khi được tận tay bẻ những chùm trái sai oằn… Quýt hồng có vị ngọt thanh pha một chút vị chua dịu; đặc biệt là mùi thơm của vỏ quýt khó có thể lẫn với loại trái có múi khác. Và, biết đâu cây quýt hồng đã làm chứng nhân cho biết bao mối tình nên thơ của những mùa xuân đã đi qua trên đất này!

 

Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận Tết là lúc bận rộn nhất của nhà vườn trong mùa thu hoạch chính vụ. Rằm tháng Chạp thì tuyển lựa quýt chín đầu mùa, đóng vào thùng để chuyển xuống tàu hoặc lên xe để đưa ra miền Trung, miền Bắc. Đến khoảng đưa Ông Táo về trời thì đến lúc thu hoạch đông ken để kịp bán cho các chợ trong vùng hoặc chuyển lên Sài Gòn hay đưa vào các siêu thị. Công việc của nhà vườn tất bật lắm! Người hái, kẻ cân, rồi phân loại trái thật nhanh tay… Lẫn khuất trong từng giọt mồ hôi là nụ cười rạng rỡ như quên đi bao nỗi nhọc nhằn và như thấy mùa xuân đang về trước ngõ!

 

Về Lai Vung ăn Quýt hồng thơm ngọtSản phẩm tươi ngon – Ảnh: Sưu tầm
 
Xem thêm: Các tour du lịch

 

Quýt hồng Lai Vung, từ lâu đã được nhiều nơi biết đến bởi màu sắc và chất lượng không đâu sánh bằng. Và đặc biệt vào những ngày Tết, mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu trái quýt có màu sắc vàng óng, thể hiện lộc xuân đến với muôn nhà! Lai Vung mùa này bừng sáng hẳn lên không chỉ bởi nắng xuân mà còn rợp một màu vàng óng ả từ những chùm quýt hồng trĩu quả. Và cứ như thế, mỗi mùa xuân sang lại réo gọi bước chân của biết bao lữ khách tìm về để mà mến, mà yêu!

 

Lai Vung ơi cho tôi về lần nữa

Thăm lại vườn xưa hoa nở trưa hè

Mùa xuân đến cho môi em chúm chím

Trái chín đầu mùa ngọt lịm hồn quê!

 

Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: tổng hợp

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.