“Mênh mênh mang mang phù vân Yên Tự”, bạn đã nghe câu hát này rất nhiều lần nhưng chưa có dịp đến Yên Tử. Hoặc bạn đã từng đến Yên Tử, nhưng là vào những ngày đầu xuân lễ hội, giá rét và sương mù dày đặc khiến bạn chưa được một lần ngắm mây trời trong xanh ở một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước này. Mùa thu đi Yên Tử, bạn vừa tránh được sự đông đúc của lễ hội vừa có dịp du ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, hưởng sự khoáng đạt của sơn thủy hữu tình trên đỉnh núi. Mời bạn một lần du lịch Yên Tử qua những hình ảnh dưới đây nhé. Bên cạnh đó, Kinhnghiemditour cũng sẽ cung cấp một số hướng dẫn giúp bạn đến Yên Tử thuận lợi hơn để bạn có thêm thông tin làm hành trang trước khi lên đường.
Mênh mang Yên Tử ngày thu – Ảnh: Sưu tầm
MÙA THU HÀNH HƯƠNG VỀ YÊN TỬ
Ngọn Yên Tử sừng sững, uy nghi có những cái tên mỹ miều như Bạch Vân Sơn, Phù Vân Sơn. Cảnh trí thiên nhiên toàn vùng Yên Tử cũng đẹp tuyệt vời với nhiều cảnh quan kỳ vĩ như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc… với nhiều cây cối cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.
Cáp treo lên Yên Tử – Ảnh: Thang Nguyen
Cây Đại 700 tuổi trên non Yên Tử – Ảnh: Dung Phan Tien
Xem thêm: Khách sạn giá tốt tại Quảng Ninh
Tiết trời mùa thu, mây trắng trôi bồng bềnh, cây rừng khoác chiếc áo mới dệt từ muôn tia nắng của trời thu. Ngồi trên cabin của cáp treo, bạn có thể tận dụng độ cao từ vị trí của mình để nhìn ngắm bạt ngàn rừng trúc xanh rì, những cây tùng trăm tuổi cao vút và muôn hoa khoe sắc bên dưới. Rừng trúc là hình ảnh độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Nếu ví khung cảnh ấy là một bức tranh, thì đây chính là bức tranh tuyệt mỹ của danh họa đại tài là tạo hóa tự nhiên.
Ánh nắng len lỏi trên con đường Tùng huyền thoại ở Yên Tử – Ảnh: d.l.h
Lối lên Yên Tử hai bên là bạt ngàn trúc xanh – Ảnh: d.l.h
Mùa này, du khách lên Yên Tử không đông đúc, nên không có sự ồn ã, chen lấn vội vàng. Bạn có thể cứ thong thả dạo chân trên từng bậc thang đá đến với những ngôi chùa cổ kính như chùa Yên Hoa la đà mây trắng trôi trước thềm, khi ẩn khi hiện trong mây, chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Giải Oan, vườn tháp Huệ Quang lừng lững vươn cao trước màu xanh thẫm của cây cổ thụ, chùa Đồng trên đỉnh núi cao nhất của Yên Tử… lòng thành tế Phật.
Chùa Đồng giữa trời thu xanh vời vợi – Ảnh: Nguyen Luan
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Quảng Ninh
Chùa Vân Tiêu Yên Tử – Ảnh: Thai Hoa Tran
Xem thêm: Khách sạn giá tốt tại Bắc Giang
Sau khi lễ Phật, bạn dạo cảnh thiên nhiên trong tiếng chuông chùa văng vẳng hư không, thoang thoảng mùi hương trầm trong gió. Cảm giác thanh tịnh, nhẹ nhàng đẩy tan mọi ưu phiền trong cuộc sống.
Có lẽ chỉ đến Yên Tử vào mùa thu, bạn mới thấy hết khung cảnh những cây tùng cổ thụ vươn cao, vòm lá xanh thẫm khi mờ khi hiện trong màn mây trắng. Cũng có thể bạn sẽ nghe văng vẳng tiếng vài chú ve kêu muộn nơi tán cây nào đó. Và trong không khí se se lạnh của núi cao, trong mây phủ bốn bề tưởng như đưa tay ra là với được, bạn thấy mình như đang trong không gian của tiên cảnh.
Đưa tay chạm tới mây trời – Ảnh: Lâm Tặc
Đến Yên Tử mùa thu, thỉnh thoảng bạn còn bắt gặp những cơn mưa rào vội vã. Mưa nhanh. Khi những hạt mưa ngừng rơi, gió thổi mây bồng bềnh tứ tán là lúc bạn ngẩng đầu nhìn lên sẽ một khoảng trời xanh ngắt. Cũng rất nhanh thôi những tia nắng lại xiên qua mây, qua từng kẽ lá.
Trên đỉnh Yên Tử, tiếng chuông chùa Đồng vang vọng như xuyên qua mây núi. Đứng từ trên cao này nhìn xuống, bạn sẽ thấy mây trắng bồng bềnh trôi trên lưng núi, mây trắng phủ kín dưới vực sâu thăm thẳm phía sau chùa, vạn vật cứ mờ mờ ảo ảo làm ta ngỡ lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Kiếm một phiến đá ngồi lặng thinh trong tiếng gió reo, mây bay bao phủ quên đi tất cả những bon chen trong cuộc sống đời thường, bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Đẹp nao lòng nơi non thiêng Yên Tử tiết trời thu – Ảnh: vietanhhp
Nếu có thời gian, bạn có thể nghỉ đêm trên Yên Tử, chọn đi vào tuần trăng, bạn sẽ có cơ hội ngắm trăng Yên Tử trải khắp núi rừng mờ sương, không gian như một dòng sông bạc cuốn hút. Rồi đêm trăng thu qua đi, bạn lại có dịp đón hừng đông khi những tia mặt trời tỏa ánh sáng xuống muôn loài.
Hoàng hôn dần buông – Ảnh: hoangkimvietnam
Rồi ánh trăng bạc xuất hiện – Ảnh: Sưu tầm
Đêm đi qua, bình minh thức giấc – Ảnh: Nguyễn Quang
Ánh nắng rọi mái chùa đẩy mây dần tan – Ảnh: Thanh Pham Ngoc
Xem thêm: Các tour du lịch đến Yên Tử
Khi nắng lên, bạn thư thả theo từng bậc thang xuống núi, vừa đi vừa ngắm cảnh núi rừng khoáng đạt tươi mát đầu ngày. Trong không khí ấy, đường có dài, có dốc, bạn cũng có thể nhẹ nhàng vượt qua.
THÔNG TIN CHO BẠN
1. Từ Hà Nội đi Yên Tử, bạn có thể đến bến xe Mỹ Đình bắt các tuyến xe đi Hạ Long, chạy ngang qua Yên Tử. Bạn nhớ nhắc tài xế xe cho xuống đền Trình. Từ đền Trình vào Yên Tử bạn có thể đi xe ôm giá khoảng 35.000 đồng/người hoặc đi taxi vào.
2. Nếu muốn được hòa mình vào không khí lễ hội ở Yên Tử, thì bạn chọn đến đây vào khoảng từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Đi vào mùa lễ hội nhất là những ngày đầu khai hội sẽ rất đông, bạn cần chú ý tư trang tránh kẻ gian chà trộn. Còn nếu đi vãn cảnh thì có lẽ mùa thu là thời điểm ngắm cảnh Yên Tử đẹp nhất trong năm.
3. Ở chặng đường lên, để giữ sức, bạn nên đi cáp treo. Lượt về, để vãn cảnh chùa và thăm thú thiên nhiên, bạn đi bộ xuống núi sẽ tiện hơn.
4. Bạn nên mang theo thức ăn nhẹ dọc đường để không phải mua đồ với giá đắt đỏ trong những ngày lễ, còn ngày thường ít bán. Nhớ giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định để Yên Tử mãi giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, bạn nhé!
Hải Yến – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Kinhnghiemditour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments