Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Sau khi Gia Long mất, Minh Mạng lên nối ngôi, năm 1821 ông đã cho dời miếu Hoàng Khảo lui về phía sau vài chục mét, đổi thành Hưng Miếu, xây Thế Miếu lên vị trí ấy vào năm 1821 – 1822 để thờ vua Gia Long và các vua kế vị.
Nền Thế Miếu cao, ngày xưa lát gạch men Bát Tràng màu vàng và lục. Qua các lần tu sửa trước năm 1975, nền tiền doanh được lát lại bằng gạch hoa tráng men vàng, nền chính doanh tráng xi măng. Các cột kèo, đòn tay, liên ba, đố bản, khám thờ, án thờ đều sơn thếp vàng.
Trước mỗi khám thờ đều treo một bức sáo để che… Bộ mái trước kia lợp ngói men vàng (hoàng lưu ly) nay đã thay bằng ngói thường. Trên nóc nhà trước chắp bầu rượu bằng pháp lam ngũ sắc. các bờ nóc, bờ quyết đều đắp hình rồng nhưng đơn giản.
Nội thất Thế Miếu, cho đến năm 1954 chỉ có 7 án thờ, mỗi án một gian, các gian thừa để trống.
– Án chánh trung (giữa) thờ vua Gia Long (1802 – 1819).
– Án tả nhất thờ vua Minh Mạng (1820 – 1840)
– Án hữu nhất thờ vua Thiệu Trị (1841 – 1847)
– Án tả nhị thờ vua Tự Đức (1848 – 1883)
– Án hữu nhị thờ vua Kiến Phúc (1883 – 1884)
– Án tả tam thờ vua Đồng khánh (1886 – 1888)
– Án hữu tam thờ vua Khải Định (1916 – 1925)
Bàn thờ ở miếu
Ba vua Hàm nghi (1884 – 1885), Thành Thái (1889 – 1907) và Duy Tân (1907 – 1916) có tinh thần chống Pháp bị triều đình Huế liệt vào hạng “xuất đế” nên không được thờ ở đây. Tháng 10/1958, ba án thờ của ba vị vua ấy mới được đưa vào thờ chung ở Thế Miếu.
Sân Thế Miếu rộng, lát gạch Bát Tràng, riêng Thần đạo chạy chính giữa lát đá thanh. Gần thềm Miếu có hàng chân lớn 14 cái… Trong sân đặt hai hàng đế bằng đá thanh dùng để cắm tàn mỗi khi tế lễ. Hai góc sân phía trước có hai con kỳ lân bằng đồng đứng trong thiết đình.
Xung quanh sân và hai bên đều xây bồn gạch để trồng các loại hoa, cây cảnh quý trong đó có một cây tùng hình dáng cổ kính, tương truyền được vua Minh Mạng trồng khi vừa xây xong Thế Miếu vào năm 1822.
Leave a Reply
View Comments