Theo bước chân về dải đất miền Trung, dừng ngay tại xứ Nẫu Bình Định, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh thơ tình của vùng biển xanh ngát, nép mình bên các vách núi dựng đứng đầy ma mị. Được trầm mình vào làn nước trong vắt và mát rượi, vẫy vùng cùng thế giới đại dương bao la hay thả đôi chân trần trên bờ cát trắng, tham quan các làng chài bình yên thoang thoảng mùi hương hải sản tươi rói. Không chỉ thế, các danh lam thắng cảnh mang dấu ấn lịch sử và tinh hoa của mảnh đất võ hào kiệt Tây Sơn như nét chấm phá hết sức quyến rũ làm khách du lịch ngây ngất lòng. Có một Tây Sơn dung dị mà hấp dẫn đến thế.
Mê mẩn vẻ đẹp của Tây Sơn – Ảnh: @tralujoonie
BẢO TÀNG QUANG TRUNG – ÙA VỀ KÝ ỨC TÂY SƠN HÀO KIỆT
Bảo tàng Quang Trung nằm tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, nơi còn lưu giữ rất nhiều di tích hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và ba anh em anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Quần thể bảo tàng Quang Trung – đền thờ Tây Sơn được xem là khu Bảo tàng danh nhân lớn nhất, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là một trong những điểm đến trau dồi học tập văn hóa lịch sử nổi tiếng ở nước ta.
Không gian rộng lớn ở bảo tàng Quang Trung – Ảnh: Đào Việt Dũng
Nơi lưu giữ ký ức về Tây Sơn hào kiệt năm nào – Ảnh: buidac_tayson
Xem thêm: Các khách sạn tại Bình Định
Đến đây, du khách có dịp ghé Tây Sơn điện – nơi thờ cúng ba anh em họ Nguyễn và các quân dân khác, để rồi ngang qua khuôn viên có giếng nước, cây me và cả bến sông mộc mạc, lòng bỗng lâng lâng những cảm xúc ngọt ngào. Hóa ra xứ sở Tây Sơn hào hùng năm ấy lại yên bình đến thế. Một trong những trải nghiệm mà du khách không thể bỏ qua tại bảo tàng Quang Trung chính là xem võ thuật và trống trận Tây Sơn. Hòa cùng các thế võ, lạc trong nhịp trống trận, du khách như đưa tâm hồn ngược dòng thời gian quay về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm nào.
Rộn ràng cùng võ thuật và trống trận Tây Sơn – Ảnh: danganhtuanhnvn
ĐÀN KÍNH THIÊN – LINH KHÍ NGẤT TRỜI
Được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ xung quanh, núi Ấn Sơn có độ cao thấp hơn như ‘lọt thỏm’ ở giữa nhưng đây lại là nơi hội tụ linh khí theo quan niệm của cha ông. Chính vì thế, đàn kính thiên – khu tâm linh đàn tế trời đất đã được xây dựng uy nghi trên đỉnh Ấn Sơn để hành lễ vào các dịp quan trọng và du khách gần xa tham quan. Nơi đây có nhiều công trình và kiến trúc để khách du lịch khám phá như đền Ấn, đàn tê, cổng trời, đường hành lễ, hồ bán nguyệt, nghi môn,…
Đàn kính thiên – nơi hội tụ linh khí của đất trời – Ảnh: thanhbinh073
NHỮNG NGÔI THÁP CHĂM KỲ BÍ
Không chỉ có tháp Đôi ở Quy Nhơn hay tháp Bánh Ít tại Tuy Phước mang dấu ấn Champa xưa mà Bình Định còn sở hữu nhiều ngôi tháp tương tự. Và tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện tại Tây Sơn chính là minh chứng lớn nhất về sự phồn vinh của đất nước Champa thuở trước trên xứ Nẫu. Tháp Thủ Thiện tọa lạc trên một vùng đồi khá thấp, cách bờ nam sông Kôn chưa đầy 1km. Tháp tuy nhỏ song lại mang nhiều nét đặc trưng của kiến trúc Chăm pha lẫn phong cách Bình Định như vòm cửa mũi lao cao vút, các cột để trơn mà không trang trí, các tháp gốc sít nhau và cứ thế xếp chồng lên trên. Bên trong lòng tháp có rất nhiều vết gắn phù điêu để đặt tượng. Nếu là người đam mê kiến trúc và thích tìm hiểu lịch sử thì tháp Thủ Thiện chắc chắn là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ khi du lịch Bình Định.
Tháp Thủ Thiện mang cả dấu ấn Champa và phong cách Bình Định – Ảnh: Che Trung Hieu
Ngọn đồi xanh mát ở tháp Thủ Thiện – Ảnh: Che Trung Hieu
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bình Định
Tháp Dương Long là quần thể gồm ba tháp cùng nằm theo trục Bắc Nam có cửa chính quay về hướng đông để đón ánh nắng ấm áp của mặt trời. Tháp nằm trên địa phận của hai thôn là Vân Tương (xã Bình Hòa) và An Chánh (xã Tây Bình), cách trung tâm huyện Tây Sơn chừng 12km. Dù nhiều phần của tháp đã không còn nguyên vẹn nhưng Dương Long vẫn là điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch bởi vẻ đẹp huyền bí và không gian thoáng đãng ở đây. Sau khi tham quan tháp Dương Long, du khách nhớ ghé trung tâm gốm Gò Hời và Gò Cây Ké để tìm hiểu làng nghề gốm cổ truyền.
Nắng chan hòa làm cụm tháp Dương Long thêm tỏa sáng – Ảnh: Đào Việt Dũng
Kiến trúc tinh xảo của tháp Dương Long – Ảnh: Đào Việt Dũng
HẦM HÔ – HANG ĐỘNG XANH MÁT LÀNH GIỮA ĐẠI NGÀN TÂY SƠN
Khu du lịch Hầm Hô nằm tại thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có diện tích lên đến 42,3ha, trải rộng trong một thung lũng xanh được bao phủ bởi núi non hùng vĩ. Vừa đặt chân đến Hầm Hô, du khách như bị choáng ngợp trước màu xanh mát rượi của rừng cây, tiếng chim hót líu lo văng vẳng, tiếng suối róc rách len qua vách đá và cả mặt hồ nước long lanh như tấm gương khổng lồ. Không ít người trầm trồ khen ngợi phong cảnh ở Hầm Hô hệt như tiên cảnh thật, từ mây trời sông nước đến rừng xanh núi đá đều hài hòa không khiếm khuyết, đẹp nao lòng người. Hầm Hô đi hoài mà chẳng chán, càng đi càng khám phá ra nhiều khung cảnh dễ thương, để trái tim cứ xao xuyến mà lỗi nhịp.
Hầm Hô đẹp như tranh vẽ – Ảnh: @mister.bank
Lang thang hoài chẳng chán – Ảnh: @tiencun
Xem thêm: Các tour du lịch giá rẻ tại Bình Định
Tự bao giờ, Tây Sơn đã trở thành niềm tự hào linh thiêng với mỗi người con đất võ Bình Định. Và tự bao giờ, Tây Sơn đã trở thành một trong những điểm du lịch lý tưởng, giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị với bức họa thiên nhiên hữu tình và cả các danh thắng, di tích đặc biệt. Có lẽ, chỉ ai đã đến Tây Sơn, đã lỡ ‘thương’ Tây Sơn mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp nhẹ nhàng mà đằm thắm, yêu kiều mà quyến rũ ấy. Tin tôi đi, về Tây Sơn một lần, bạn sẽ không hối hận đâu. Nào, nhanh chân lên, đi ngay kẻo lỡ.
Scodaisym – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn
Leave a Reply
View Comments