Vàng da là bệnh dễ gặp ở trẻ sơ sinh và nhất là với các em bé sinh non thiếu tháng thường dễ gặp hơn. Thông thường trẻ sinh non có sức khỏe yếu và phát triển chậm hơn so với trẻ sinh thường. Vậy trẻ sinh non bị vàng da là do đâu? Xuất hiện trong bao lâu và cách điều trị như thế nào mới trị dứt điểm?
Tại sao trẻ sinh non bị vàng da?
Nguyên nhân chính dẫn đến vàng da ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non do trẻ sơ sinh có lượng hồng cầu nhiều hơn nhưng tuổi thọ của hồng cầu lại ngắn hơn hồng cầu của người trưởng thành. Một lượng lớn hồng cầu già và bị thoái hóa sẽ biến đổi thành chất gây vàng da hay còn gọi là bilirubin lưu hành trong máu.
Thông thường chất gây vàng da bilirubin này sẽ được chuyển hóa ở gan và thải qua mật, xuống ruột rồi bài tiết qua phân. Tuy nhiên với trẻ sơ sinh và đặc biệt là trẻ sinh non, chức năng gan, mật chưa hoàn chỉnh như người trưởng thành vậy nên không thể đào thải hết bilirubin ra khỏi cơ thể. Đây là lý do vì sao mẹ thường thấy trẻ sơ sinh rất dễ gặp phải tình trạng vàng da.
Vì sao trẻ sinh non dễ bị vàng da hơn trẻ đủ tháng?
– Do chức năng gan chưa hoàn thiện bằng trẻ sinh đủ tháng
– Do hệ tiêu hóa chưa trưởng thành nên lượng sữa ăn cũng ít hơn, nhu động ruột kém nên quá trình đào thải bilirubin chậm hơn trẻ sinh đủ tháng
Trẻ sinh non bị vàng da có sao không?
Vàng da là biểu hiện thường thấy ở trẻ sinh non và cả trẻ sơ sinh đủ tháng, sau khoảng vài ngày điều trị sắc tố da của bé sẽ trở lại bình thường. Vậy nên mẹ không cần quá lo lắng khi trẻ sinh non bị vàng da. Tuy nhiên với một số trường hợp, tình trạng vàng da kéo dài thì có thể là vàng da bệnh lý và dẫn đến những nguy hại:
– Bệnh não do bilirubin cấp tính: chất gây vàng da này nếu hàm lượng cao có thể gây độc cho tế bào não, nếu bilirubin nhiễm vào não thì gọi là bệnh não cấp tính bilirubin. Biểu hiện của bệnh này là bé ngủ li bì, khó đánh thức, khóc thét, lười bú và dễ sốt
– Vàng da nhãn: là hội chứng xảy ra khi bệnh não cấp tính do bilirubin gây tổn thương vĩnh viễn cho não và có thể dẫn đến bại não, mất thính lực thậm chí suy giảm trí tuệ
Một số trường hợp trẻ sinh non bị vàng da sau đây mẹ cần cho bé đến cơ sở y tế để kiểm tra:
– Vàng da xuất hiện trước 48h sau khi sinh
– Vàng da toàn thân, lòng bàn tay, lòng bàn chân cũng có hiện tượng vàng da
– Vàng da kéo dài trên 2 tuần với trẻ sinh non
– Trẻ bị vàng da kèm theo sốt, co giật, bú ít, đi ngoài phân bạc màu, …
Điều trị vàng da ở trẻ sinh non
Với trẻ sinh non nếu tình trạng vàng da nhẹ thì có thể tự khỏi sau vài ngày, cùng lắm là kéo dài đến 2 tuần. Còn với các trường hợp trẻ gặp chứng vàng da kéo dài hơn thì cần can thiệp bằng các phương pháp y khoa. Có 3 phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh rất phổ biến:
– Chiếu đèn thông thường: phương pháp này sẽ sử dụng tia cực tím để chiếu sáng khi trẻ nằm trên giường hay trong lồng ấp. Ánh sáng này có tác dụng xuyên qua da làm phá vỡ cấu trúc bilirubin tự do trong máu thành các chất không độc hại cho cơ thể bé và dễ bị đào thải ra ngoài qua phân, nước tiểu. Trong quá trình chiếu đèn, bé sẽ được cởi bỏ hoàn toàn quần áo và chỉ che lại bộ phận sinh dục, đôi mắt, xoay trở cơ thể để phần da được tiếp xúc tối đa với ánh sáng đèn. Sau khoảng 3 – 4 tiếng sẽ ngừng 1 lần để mẹ cho bé bú
– Điều trị sợi quang: với phương pháp này trẻ sẽ được bọc trong chiếc chăn có chứa sợi quang học đặc biệt, các sợi quang này sẽ chiếu ánh sáng lên da bé trong khi mẹ vẫn bế và cho bé bú được bình thường
– Thay máu: nếu điều trị bằng phương pháp chiếu đèn thất bại, đây sẽ là phương pháp được chỉ định để cải thiện tình trạng vàng da ở trẻ. Trẻ sẽ được truyền vào 1 lượng máu có hồng cầu khỏe mạnh từ người hiến nhằm thay thế lượng máu bị tổn thương.
Chăm sóc trẻ sinh non bị vàng da
Với các em bé sinh non bị vàng da, mẹ cần chăm sóc bé đặc biệt hơn chút:
– Cho trẻ bú mẹ thường xuyên, đây là cách giúp làm sáng sắc tố da của trẻ nhanh hơn với những em bé bị vàng da nhẹ. Mẹ không cần dùng đến nước hay sữa công thức để tăng cữ bú, mỗi ngày cho con bú từ 8 – 12 cữ, nên đánh thức con dậy để bú ngay cả khi con đang ngủ
– Nếu chưa có sữa về, mẹ có thể xin lời khuyên từ bác sĩ để lựa chọn sữa cho trẻ sinh non phù hợp.
– Thường xuyên quan sát biểu hiện của trẻ, nếu trẻ sốt và đi ngoài phân bạc, ngủ li bì hay vàng da kéo dài quá 2 tuần thì nên đến gặp bác sĩ.
Trẻ sinh non bị vàng da không phải điều hiếm gặp, mẹ lưu ý khi bé có dấu hiệu vàng da nên theo dõi thường xuyên các biểu hiện và tiến triển bệnh của con. Nhiều mẹ cho rằng cho trẻ phơi nắng là có thể hết vàng da, điều này không đúng do cường độ của ánh sáng lúc sớm không đủ để phá vỡ cấu trúc bilirubin.