Du lịch miệt vườn sông nước từ lâu đã trở thành “thương hiệu” của Vĩnh Long.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung khai thác loại hình du lịch lịch sử văn hóa. 38 năm kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, những vùng căn cứ địa trong chiến tranh ngày nào trở thành điểm đến hấp dẫn của các tua du lịch trong tỉnh.
Tôi xuống tàu tại một bến khách ven sông trong lòng thành phố trẻ Vĩnh Long. Chiếc tàu du lịch không quá to nhưng được trang trí đẹp mắt, có hai hàng ghế ngồi vững chắc, mái che mưa nắng an toàn bắt đầu lướt sóng lao về phía bên kia sông. Cù lao An Bình gồm bốn xã: An Bình, Ðồng Phú, Hòa Ninh và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long dần hiện ra trước mắt.
Ðây là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long. Con tàu rẽ vào một đầu vàm, tiến vào trong con rạch nhỏ. Mọi người bắt đầu chỉ chỏ khi nhìn thấy hai bên bờ sông là những vườn cây sai trĩu quả đang vào mùa chín mọng.
Này là vườn bưởi nằm lúc lỉu trái như mời gọi khách dừng chân. Kia là vườn chôm chôm trái chín đỏ trên cành. Vào mùa chôm chôm chín rộ, nhìn từ xa như một tấm thảm đỏ giăng ngang bầu trời xanh với nắng vàng. Du khách trên tàu càng tỏ ra thích thú khi chứng kiến cảnh người dân đang vận chuyển chôm chôm bằng ghe máy đuôi tôm.
Mọi người thi nhau “chộp” ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời này. Anh “tài xế” lái tàu thể hiện tài năng làm “hướng dẫn viên” du lịch không chuyên của mình với khách. Theo hướng tay anh chỉ, đây là điểm du lịch sinh thái với vườn chuyên canh chôm chôm của ông Chín Hoán. Cạnh bên là vườn ông Chín Cần. Còn vườn nhãn tiêu kia là của ông Tám Hổ… những điểm du lịch sinh thái miệt vườn có tiếng ở xã Hòa Ninh.
“Thế nhưng, hôm nay còn có một “bức tranh” sông nước tuyệt đẹp ở miệt cù lao này”, anh ra chiều bí mật rồi tăng ga cho tầu chạy nhanh hơn. Tàu tiếp tục rẽ sóng lao về phía trước. Trước mắt tôi lúc này hiện ra một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Hàng chục chiếc xuồng chèo chở khách Tây xuôi ngược trên dòng kênh nhỏ để thưởng ngoạn sông nước miệt vườn. Hai bên bờ sông là những hàng dừa rủ bóng lung linh trên mặt nước.
Bầu trời hôm nay thật đẹp, nền xanh trong vắt, mây trắng bay ngang. Quả là một bức tranh thiên nhiên sông nước hữu tình. Anh bạn đi cùng với tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên không thể nào bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Hưởng cho biết, du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long từ lâu đã khẳng định được thương hiệu với du khách trong và ngoài nước. Bởi ngoài tiềm năng phong phú, sự quan tâm đầu tư của tỉnh cho phát triển du lịch, người dân xứ cù lao cây trái còn được khuyến khích và hỗ trợ khi đầu tư làm du lịch.
Hiện tuyến sông Tiền đi qua bốn xã cù lao An Bình đã hình thành tuyến du lịch truyền thống cho khách quốc tế và nội địa với hơn 30 điểm du lịch, 25 cơ sở thờ tự. Nơi đây có hệ thống kênh rạch, vườn cây trái đa dạng, sinh hoạt sông nước thích hợp để phát huy khai thác du lịch với nhiều loại hình như nghỉ dưỡng, dã ngoại, giải trí dân gian, thể thao sông nước, khám phá văn hóa ẩm thực, các loại hình văn hóa dân gian… Tuy nhiên, theo ông Hưởng, một loại hình du lịch mới là lịch sử văn hóa đang được tỉnh tập trung khai thác. Ðiểm đến là các khu di tích lịch sử, căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.
Vĩnh Long được mệnh danh là vùng “địa linh – nhân kiệt” và là một trong những nơi bị địch đánh phá ác liệt trong hai cuộc kháng chiến, đấu tranh cách mạng cứu nước. Một trong những địa chỉ du lịch lịch sử văn hóa nổi tiếng của Vĩnh Long là vùng căn cứ cách mạng Cái Ngang (thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) – khu căn cứ tiêu biểu của Tỉnh ủy Vĩnh Long gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nơi đây từng hứng chịu mưa bom, bão đạn của Mỹ – ngụy cày xới và là trọng tâm của những cuộc Bình Định. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, mầu xanh cây lúa, nương khoai đã đơm hoa, kết trái ngay trên mảnh đất mà bên dưới vẫn còn mảnh bom đạn cắm sâu trong lòng đất. Những hố bom năm xưa giờ đã liền mặt thành những mảnh ruộng, thành khoảnh, trải dài.
Cái Ngang đang trên đường trở thành một đô thị trẻ sầm uất, với cả hai khu chợ bách hóa tổng hợp và chợ nông sản nằm ngay ngã ba sông. Chiều về, tấp nập ghe xuồng tập kết hàng nông sản về bến chợ. Không khí mua bán sôi động làm chúng tôi liên tưởng đến một thương cảng Cái Ngang sầm uất trong một tương lai không xa lắm.
Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: tổng hợp
Leave a Reply
View Comments