Tết, chỉ với một từ thôi cũng đủ để người ta cảm thấy lòng nôn nao xúc cảm khó tả. Tết, nghe đâu đó trên khắp con đường, từ thành thị đến làng quê đều ngân nga bản nhạc xuân vui tươi, rộn rã. Tết, ai cũng tất bật cất lại những bộn bề để về bên gia đình, vui vẻ bên mâm cơm đoàn viên. Tết, người người tay bắt mặt mừng, chúc nhau nhừng lời tốt lành để năm mới được vạn sự như ý. Tết, là lúc những mùi hương đặc trưng lan tỏa mọi ngóc ngách, làm ta bất giác một nụ cười an nhiên vô cùng. Có một cái Tết Việt vẫn đậm đà bản sắc dân tộc theo thời gian trên ba miền đất nước. Để dù người có đi xa thật xa, bôn ba với bận rộn cuộc sống thì mỗi khi nhắc đến Tết, trái tim vẫn vang lên khúc nhạc ấm lòng, mong chờ khoảnh khắc được thả mình vào không gian chứa chan sắc màu Tết ấy.
Sắc xuân lan tỏa, Tết cận kề – Ảnh: Max Ho
Để những sắc màu truyền thống lại một lần nữa làm lay lòng người – Ảnh: Sưu tầm
TRẨY HỘI HOA XUÂN DỌC BA MIỀN ĐẤT NƯỚC
Tết về lộc biếc chồi non
Thi nhau đua nở ngàn hoa thắm nồng.
Xuân đến làm đất trời khẽ “cựa mình” thức giấc sau một cơn ngủ dài cùng mùa đông lạnh. Nắng ấm hơn, gió dịu nhẹ hơn, mưa cũng thôi nặng hạt mà chỉ lất phất như bụi sương, khiến người ta yêu chứ không nỡ ghét. Xuân thức tỉnh, muôn hoa cũng bắt đầu vươn mình khoe sắc thắm. “Đẹp làm sao dáng xuân in trong lòng người – Đẹp làm sao lá hoa mượt mà thắm tươi – Xuân đến đây tô màu rạng ngời – Như bức tranh xinh đẹp tuyệt vời”. Khiến lòng người ngây ngất cùng xuân.
Hoa Tết đua nhau nở rộ – Ảnh: Frank Fischbach
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Thời tiết lạnh đặc trưng của mùa đông và những ngày cận Tết ở miền Bắc là điều kiện lý tưởng để sắc hồng của đào sinh sôi và nảy nở. Cứ mỗi độ Tết về, đường phố lại ngợp màu đào hồng. Có người xuống phố mua đào về trưng Tết, có người lại thích cảm giác hòa mình vào dòng chợ hoa, để cảm chút không khí của Tết, của xuân. Tất cả tô vẽ nên bức tranh hài hòa và đẹp mắt giữa người và cảnh. Mê lòng.
Miền Bắc thắm hồng cánh đào – Ảnh: Andy Ng
Bức tranh dung dị của cái Tết truyền thống – Ảnh: Giang Pham
Còn ở miền Trung và phương Nam có tiết trời hanh khô, nóng hơn thì sắc mai vàng chính là loài hoa báo hiệu Tết về. Mai dễ sống, dễ ra hoa và thời gian nở kéo dài cả tháng Giêng. Hầu như nhà nào cũng có mai, để khi Tết về, từ ngoài ngõ đến trong phòng khách, đâu đâu cũng có màu vàng tươi làm chủ đạo, sáng bừng cả không gian, để căn nhà thêm ấm cúng.
Phương Nam rực rỡ sắc mai vàng – Ảnh: Andy Le
Ngoài hoa mai, hoa đào thì người Việt ta còn trưng quất và nhiều loài hoa khác nữa như ly, hướng dương, lay ơn, cúc,… vào dịp Tết. Mọi nơi ngập tràn sắc hương của hoa xuân. Đẹp vô cùng.
Muôn hoa cùng nở rộ dịp Tết – Ảnh: Duong Phat Minh
ĐỘC ĐÁO HƯƠNG VỊ ẨM THỰC TẾT BA MIỀN
Dù đón cùng một cái Tết cổ truyền song mỗi vùng miền lại giữ cho mình những món ăn đặc trưng, chỉ cần nhắc tên thôi đã biết ở nơi nào rồi. Người miền Bắc thường rất cầu kỳ ăn uống, ấy thế nên mâm cỗ Tết luôn được chăm chút sao cho đẹp mắt và thơm ngon, đủ đầy nhất. Tết với người miền Bắc không thể thiếu chiếc bánh chưng được gói vuông vức từ lá dong, bên trong là nếp thơm nhân đậu xanh, thịt mỡ. Để câu đối xưa cứ vang lên bên bếp lửa bập bùng của nồi bánh chưng đêm 30 Tết. “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Cả nhà quây quần gói bánh chưng – Ảnh: Sưu tầm
Tết, người miền Bắc còn có món thịt đông là món ăn nguội, khi đưa vào miệng có vị lạnh tê tê, thường ăn kèm với dưa hành và bánh chưng. Xôi gấc và nem rán cũng là những món ăn thường thấy trong dịp Tết. Trong mâm cơm Tết của người miền Bắc luôn có 4 bát 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, 4 phương, 4 mùa. Mâm lớn thì 6 hoặc 8 biểu thị cho phát tài, phát lộc. Mâm ngũ quả nhất định không thể thiếu 3 loại quả là chuối, bưởi và cam hay quýt.
Những loại trái không thể thiếu trong mâm cỗ người miền Bắc – Ảnh: Duc Pham
Các món ăn ngày Tết của người miền Trung không cầu kỳ như miền Bắc nhưng lại rất phong phú, do giao thoa giữa hai miền Bắc – Nam. Người miền Trung có thể làm bánh chưng hoặc bánh tét ăn kèm với dưa món tùy theo vùng. Dưa món được làm từ rất nhiều loại khác nhau như cà rốt, củ hành, củ kiệu, dưa leo, đu đủ,… Tết của người miền Trung còn có bánh in, bánh tổ, bánh lá răng dừa,… cho món ăn ngày Tết đầy đủ hương vị mặn ngọt.
Mâm cỗ Tết tinh tế của người Huế – Ảnh: Hoàng Thụy
Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 60% tại Huế
Miền Nam được xem là vùng đất màu mỡ, trù phú, ấy thế nên ẩm thực ngày Tết cũng vì thế mà đa dạng chẳng kém. Giống như người miền Trung, người miền Nam không gói bánh chưng mà làm bánh tét, ăn với thịt kho tàu và củ kiệu. Trong quan niệm của người miền Nam, dịp đầu năm mới cần xả hết xui của năm cũ để chuẩn bị đón chờ những điều tốt lành, ấy thế nên trong mâm cỗ lúc nào cũng có khổ qua, ăn khổ qua cho qua hết khổ, được no ấm, hạnh phúc hơn.
Người miền Nam tất bật gói bánh tét – Ảnh: Sưu tầm
Món thịt kho tàu nước cốt dừa cho ngày Tết thêm trọn vẹn – Ảnh: Sưu tầm
Dù là Bắc, Trung hay Nam thì cũng không thể thiếu mứt Tết trong nhà. Từ mứt dừa ngọt lịm đủ màu sắc đến mứt gừng cay cay, từ mứt bí dòn dòn đến mứt táo dai đều được bày biện một cách cẩn thận, làm bàn cỗ ngày Tết thêm phần trọn vẹn.
Mứt Tết đẹp mắt – Ảnh: Sưu tầm
PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT Ở BA MIỀN
Tết là khoảng thời gian nghỉ dài nhất năm, thế nên ai cũng muốn nó được hoàn hảo, tinh tươm nhất. Những ngày giáp Tết, ai cũng bận rộn mua sắm, quét dọn, tân trang lại nhà cửa. Họ hàng rủ nhau đi sửa sang lại mồ mả ông bà, tổ tiên. Đến ngày 23 bắt đầu làm lễ tiễn ông Táo về Trời. Đấy là lúc không khí Tết bắt đầu rộn ràng nhất.
Rộn ràng chợ hoa Tết – Ảnh: Đăng Văn Trân
Người miền Bắc quây quần bên nhau trong đêm giao thừa, để cùng nhau chờ đón khoảnh khắc quý giá ấy, sau đó chuyện trò về một năm đã qua, nói điều tốt đẹp chúc nhau cho năm mới an khang, thịnh vượng hơn. Mùng 1 Tết, người miền Bắc thường đi lễ chùa, hái lộc cầu may, xin chữ ông đồ và xông đất. Gia chủ sẽ nhờ người hợp tuổi, “nhẹ vía” trước đó để đến sáng Mùng 1 đến xông đất cho gia đình, hy vọng một năm mới sẽ toàn những điều an lành cho gia đình.
Đi chùa cầu may – Ảnh: Trần Minh Quý
Xin chữ ông đồ – Ảnh: Scryer Photograph
Người miền Trung cũng có tục xông đất như người miền Bắc. Sáng Mùng 1, các gia đình ở miền Trung còn lên mộ để viếng thăm người đã khuất, để cầu bình an. Những ngày sau đó, mọi người sẽ chúc Tết bà con họ hàng, láng giềng lối xóm và bạn bè.
Đi chúc Tết ông bà – Ảnh: Sưu tầm
Người miền Nam có tinh thần phóng khoáng và nó cũng thể hiện rõ rệt trong nét phong tục ngày Tết. Tết, là dịp không chỉ có gia đình mà cả láng giềng cùng tụ tập bên nhau để cùng chơi các trò chơi, chuyện trò tâm sự, ca hát để cùng đón giao thừa. Suốt những ngày Tết, người miền Nam tổ chức rất nhiều trò chơi như lô tô, xóc đĩa, đua ghe, thi cây kiểng, đu tiên, đá gà,… để vui chơi hết mình, đón chờ năm mới thêm nhiều niềm vui hơn.
Sắc màu lễ hội tươi vui dịp Tết – Ảnh: Minh Mẫn
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ
Xuân thì thầm ghé ổ cửa nhỏ
Vui lên đi Tết sắp đến rồi đó
Tết yêu thương, Tết sum vầy hạnh phúc
Để nụ cười luôn tươi thắm trên môi.
Đẹp lắm những sắc màu Tết trên khắp ba miền của dải đất hình chữ S. Để năm tháng có qua đi, lòng người vẫn nôn nao những xúc cảm vẹn nguyên khi khoảnh khắc giao thời sắp gõ cửa. Tết đang đến thật gần, cùng đợi và cùng chờ.
Scodaisym – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments