Sừng sững tọa lạc trên đồi Trầu qua bao năm tháng, tháp Po Klong Garai không chỉ là một minh chứng cho sự tồn tại của đất nước Chăm Pa trước kia mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. Hơn 600 năm nay, tháp Po Klong Garai vẫn luôn xứng danh ngôi vị tháp Chăm cổ hùng vĩ nhất và đẹp nhất đất Việt.
Tương truyền, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng để tỏ lòng biết ơn, tôn kính đối với vị vua Po Klong Garai (1151 – 1205) anh dũng, đóng góp nhiều công lao lớn cho đất nước Chăm và được xây dựng bởi vua Shihavaman (còn được gọi là Chế Mân) trong khoảng từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Trong đó, công trình tháp Po Klong Garai bao gồm 6 tháp, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 3 tháp nguyên vẹn là: tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính.
Cụm tháp Po Klong Garai nhuộm màu cổ xưa – Ảnh: Leo Ngô
Tháp Po Klong Garai sừng sững trên đồi cao – Ảnh: Leo Ngô
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bình Thuận
Từ những bước chân đầu tiên đặt trên đồi Trầu ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, sừng sững và hoài cổ của cụm tháp Po Klong Garai. Càng tiến gần đến các tháp, du khách sẽ được tận mắt quan sát những đường nét tinh tế, sắc sảo bởi nghệ thuật kiến trúc hoàn hảo, toàn mỹ nhất trong thời đại lúc bấy giờ. Hầu hết các tháp đều được xây dựng từ loại gạch nung đỏ sẫm, kết dính lại với nhau bằng chất keo thực vật địa phương gọi là dầu rái.
3 tháp Chăm còn nguyên vẹn trong cụm tháp Po Klong Garai – Ảnh: Maurice Koop
Trên đồi cao ấy đâu đâu du khách cũng cảm nhận được linh hồn cũ kỹ, xưa cũ, trầm mặc và cổ kính của các tháp Chăm trong chuyến du lịch Ninh Thuận. Ở mỗi tháp khác nhau, bạn sẽ lại được khám phá một hiện vật mới, hiểu thêm một giá trị truyền thống trong kiến trúc, văn hóa và tín ngưỡng Chăm Pa.
Tháp Cổng – nơi chào đón khách của vua Chăm thời xưa – Ảnh: Leo Ngô
Tháp có hai cửa thông nhau theo trục Đông – Tây gọi là tháp Cổng, có độ cao khoảng 8.56 m và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, công phu. Tháp Cổng được xây dựng theo nguyên tắc càng cao càng nhỏ dần, tạo thành đỉnh chóp ở phía trên cùng. Nơi đây cũng chính là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và đón tiếp khách của vua.
Những họa tiết nhỏ trên đỉnh tháp Cổng – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Phan Rang – Tháp Chàm
Sau khi tham quan tháp Cổng, du khách du lịch Ninh Thuận có thể tiến dần về phía Nam để khám phá kiến trúc độc đáo của tháp Lửa. Tháp Lửa có độ cao 9.31 m, dài 8.18 m và rộng khoảng 5 m. Tháp này được thiết kế theo tín ngưỡng Bà La Môn với hai mái cong hình chiếc thuyền đặc trưng, khá giống những mái nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.
Tháp Lửa độc đáo với mái cong mũi thuyền – Ảnh: Sưu tầm
Tháp có 2 cửa thông nhau, nằm ở hướng Đông – Bắc và phía Nam thì có một cửa sổ khá lớn. Theo như sử sách ghi chép, tháp Lửa là nơi cúng tế của các tu sĩ và cũng là nơi để long bào, đai mão, xiêm y và các vật dụng quan trọng của nhà vua Chăm Pa.
Tháp Chính là kiến trúc trọng tâm thời vua Po Klong Garai – Ảnh: Sưu tầm
Với điểm dừng chân tham quan cuối ở tháp Chính, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một trong những tháp Chăm đẹp nhất vẫn còn nguyên vẹn qua bao thăng trầm của dòng chảy thời gian. Tháp Chính là kiến trúc trọng tâm của công trình tháp Po Klong Garai và mang đậm sắc màu văn hóa kiến trúc Chăm Pa.
Màu gạch nung nổi bật giữa nền trời trong xanh – Ảnh: Tran Tan
Tháp Chính chỉ có 1 cửa chính mái vòm ở hướng Đông, được điêu khắc hình ảnh thần Siva và có hai trụ đá lớn đỡ lấy mái được khắc chữ Chăm cổ. Ngoài ra, tháp này còn có 3 cửa giả tỏa ra 3 hướng Tây – Nam – Bắc, trụ ốp gạch lồi, lõm được tạc tượng thần ở phía trong. Tháp Chính cao khoảng 20.5 m, được thiết kế theo nhiều tầng, quanh các góc tháp đều có các ụ ô vuông nhỏ gắn tượng đá thú và biểu tượng lửa. Bên trong tháp có thờ tượng vua Po Klong Garai với biểu tượng Mukha – Linga.
Kiệt tác kiến trúc độc đáo, hùng vĩ của dân tộc Chăm – Ảnh: Tran Tan
Bức tượng chân dung vua Po Klong Garai – Ảnh: Sưu tầm
Khi đến tham quan tháp Po Klong Garai trong tour du lịch Ninh Thuận, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ở bảo tàng văn hóa dân tộc Chăm. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và trưng bày sách ảnh, những vật dụng của người Chăm từ thuở sơ khai của mảnh đất này. Bạn cũng có thể chọn mua một vài món quà thổ cẩm nhỏ xinh làm quà lưu niệm trong tour du lịch Ninh Thuận đấy!
Nhà trưng bày các vật dụng của người Chăm – Ảnh: Leo Ngô
Xem thêm: Các tour du lịch Ninh Thuận giá rẻ
Những món quà lưu niệm xinh xắn – Ảnh: Sưu tầm
Trong những ngày lễ hội truyền thống, du khách còn được hòa vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp của các nghi thức lễ hội, hoạt động vui chơi thú vị cùng người dân địa phương. Trong đó, lễ đầu năm, lễ cầu mưa, lễ hội Kate, lễ Chabun,… đều là những ngày lễ quan trọng được tổ chức ở tháp Po Klong Garai.
Lễ hội Kate – dịp lễ truyền thống của người dân Chăm vào cuối tháng 10 hàng năm – Ảnh: Sưu tầm
Tưng bừng trẩy hội Kate – Ảnh: Nguyen Huu Thanh
Trải qua những biến cố lịch sử và những đổi thay của thời gian, tháp Po Klong Garai không chỉ còn vẹn nguyên về hiện vật mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống sắc màu văn hóa Chăm Pa ở mảnh đất Ninh Thuận. Giữa không gian đầy nắng và gió của mảnh đất miền Trung, tháp Po Klong Garai sừng sững tọa lạc trên đồi cao như một minh chứng hùng hồn cho đất nước Chăm Pa nhỏ bé đã từng tồn tại trong những thế kỷ trước.
Theo chân người phụ nữ Chăm khám phá tháp Po Klong Garai nhé! – Ảnh: Tran Tan
Tháp Po Klong Garai – Minh chứng của sự trường tồn
Xem thêm: Các khách sạn 3 sao tại Ninh Thuận
Đâu đó ở quanh vùng đất này, du khách còn được tận hưởng những khoảnh khắc yên bình, thanh thản và an nhiên, thoát khỏi cuộc sống đô thị nhộn nhịp và sầm uất, chỉ còn lưu giữ những nỗi niềm, những cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng khó tả giữa bầu không khí trầm mặc, hoài niệm về những điều xưa cũ.
Mỹ Phượng – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments