Gỏi cá, gỏi mít non… là những món gỏi bình dị của người miền Trung rất được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon. Gỏi là món dễ ăn, phù hợp với khẩu vị và sở thích của nhiều người.
1. GỎI MÍT NON
Từ những nguyên liệu bình dị như mít non, các loại rau, bánh tráng…. – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch hấp dẫn đến với Miền Trung
Đây là món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân miền Trung. Món gỏi đơn giản với mít non, lạc, các loại rau thơm ăn kèm với bánh đa rất đậm đà và ngon miệng.
Gỏi mít rất dễ làm và không mất nhiều thời gian. Người dân thường lựa chọn những trái mít gai mịn đều, da nhẵn, bổ trái mít ra thành nhiều phần nhỏ, gọt vỏ, bỏ cùi, ngâm vào nước lạnh để mít ra bớt mủ và không bị thâm vì gió.
Hương vị thanh thoát từ những nguyên liệu đơn giản – Ảnh: sưu tầm
Sau khi ngâm, mít được rửa sạch, đem luộc cho vừa chín tới, vớt ra để ráo và thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo thớ mít. Tôm rửa sạch, bỏ vỏ, ướp với một ít gia vị sau đó xào nhanh cho tôm chín.
Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc chín và thái sợi vừa ăn. Cho mít non, tôm, thịt vào thố trộn chung với rau răm, húng quế, húng lủi, lạc giã dập, nêm gia vị vừa ăn.
Ăn gỏi mít non không thề thiếu bánh tráng nướng cùng chén nước mắm chanh tỏi ớt. Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức, món ăn thơm ngon, bánh tráng giòn rụm, mít non ngọt, bùi như thịt gà, các vị cay, mặn, ngọt hòa lẫn vào nhau làm cho món ăn thêm phần đậm đà và thi vị.
2. GỎI SỨA
Gỏi sứa bổ dưỡng trong những ngày nắng nóng – Ảnh: sưu tầm
Gỏi sứa là món ăn bình dân, thích hợp trong thời tiết nắng nóng của miền Trung. Tùy theo khẩu vị mà có thể chế biến gỏi sứa thành nhiều cách khác nhau.
Gỏi sứa trộn với khế, chuối chát, cũng có thể trộn với xoài chua bằm sợi, hoặc bóp gỏi không với các loại rau như: rau răm, hành tây, hành lá…
Món ăn rất dễ chế biến và không mất nhiều thời gian. Sứa là một loài thân mềm, rất dễ tan chảy thành nước nên khi mua về, bạn cần ngâm sứa vào trong nước có pha lá ổi để sứa săn lại.
Thịt sứa trong suốt giòn giòn – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn giá ưu đãi tại Đà Nẵng
Bên cạnh đó, cái vị chát của lá ổi cũng giúp loại bỏ mùi tanh của sứa. Sau khi ngâm xong, rửa sứa thật sạch, thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chần qua nước ấm để sứa săn lại, vớt ra rổ và để ráo.
Các nguyên liệu bóp gỏi như xoài, khế… rửa sạch, thái sợi. Trộn đều các nguyên liệu với sứa, hành tây, hành lá thái nhỏ, tiếp đến là nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt.
Sau cùng là các loại rau húng quế, húng thơm, rau răm thái nhỏ, bày ra đĩa, rắc lên bên trên một ít đậu phụng rang. Món gỏi sứa được ăn kèm với bánh tráng nướng.
Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức, món ăn thơm ngon, hấp dẫn bởi cái giòn rụm của bánh tráng, thịt sứa dai, giòn. Cùng với đó là vị chua của xoài, thơm ngon của các loại rau hòa quyện trong nước mắm đậm đà làm cho người ăn ngon miệng mà không cảm thấy ngấy.
3. GỎI CÁ CHUỒN
Gỏi cá chuồn là một đặc sản của người miền Trung – Ảnh: sưu tầm
Gỏi cá chuồn là một đặc sản của người dân ven biển. Cá chuồn được làm sạch, dùng dao lóc lấy phần thịt phi lê, bằm nhỏ hoặc thái mỏng. Tiếp đến là cho thịt cá vào nước cốt chanh để tái chín rồi vớt ra ngoài, vắt sơ cho ráo nước và ướp với gia vị: muối tiêu, đường… và hành tím thái mỏng.
Khi bóp gỏi, người ta trộn thịt cá với các loại nguyên liệu như: chuối chát cây bóc vỏ, thái nhỏ, ngâm trong nước để không bị thâm. Khế chua thái mỏng, rau húng quê, húng thơm, húng lủi, ngò gai, diếp cá… được rửa sạch, thái nhỏ.
Gỏi cá chuồn đậm đà hương vị xứ Quảng – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Nam
Trộn đều thịt cá với các nguyên liệu, nêm thêm ít gia vị cho vừa ăn, rắc lên bề mặt một ít lạc rang giã nhỏ để món gỏi cá thêm thơm ngon. Nước chấm của món gỏi này rất đặc biệt, lấy một ít thịt cá, bằm thật nhuyễn, trộn đều với nước cốt chanh rồi vắt lấy nước, pha thêm nước mắt, các loại gia vị đường, tiêu, ớt, tỏi cùng đậu phụng giã nhuyễn.
Người miền Trung thường ăn món gỏi này bằng cách cuốn bánh tráng. Bánh tráng được nhúng sơ qua nước, cho các loại rau như xà lách, húng quế, húng lủi, ngò gai… cuối cùng là một ít gỏi, cuốn tròn lại, chấm vào chén nước chấm và thưởng thức.
Vị ngọt của thịt cá, dẻo mềm của bánh tráng hòa trong mùi thơm của các loại rau cùng nước chấm đậm đà nhưng cay xé lưỡi làm nên một món ngon khiến người ăn nhớ mãi.
Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: Tổng hợp
Leave a Reply
View Comments