Đất nước ta có hàng nghìn năm lịch sử với nền văn hóa đa dạng mang bản sắc riêng. Và trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là một nét văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội của nước ta diễn ra ở khắp mọi miền đất nước và nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì.
Ngày nay nhiều lễ hội dân gian ta vẫn được gìn giữ và lưu truyền – Ảnh: sưu tầm
Không chỉ là văn hóa, tín ngưỡng, những lễ hội này còn mang đến trải nghiệm khó quên cho những ai có dịp tham gia.
Cùng Kinhnghiemditour tìm hiểu về một số lễ hội độc đáo ở nước ta nhé.
1. LỄ HỘI CỔ LOA
Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội tiêu biểu của nước ta nhằm tưởng nhớ công lao của vua An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 5 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch.
Di tích Cổ Loa là nơi diễn ra lễ hội Cổ Loa truyền thống – Ảnh: sưu tầm
Lễ chính của lễ hội Cổ Loa sẽ diễn ra trong ba ngày đầu, gồm các nghi lễ truyền thống và rước kiệu thần của Bát Xã. Đám rước thần có đông đảo dân làng tham gia với cờ quạt, long đình, tự khí, bát bửu, phường bát âm, quan viên lễ phục chỉnh tề cùng tuần hành từ sân đền Cổ Loa ra đến đầu làng.
Các nghi lễ trong lễ hội – Ảnh: sưu tầm
Lễ rước bắt đầu từ đền Cổ Loa – Ảnh: Huynh Mai Mai
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hà Nội
Trong ngày hội người dân địa phương và rất nhiều du khách thập phương cùng tề tựu về đây dự lễ và vui chơi hội. Lễ hội Cổ Loa tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát ca trù, hát tuồng, chơi cờ người, thổi cơm thi…
Chơi cờ người và thi thổi cơm trong lễ hội Cổ Loa – Ảnh: Ingt
Lễ hội Cổ Loa khép lại vào ngày 16 tháng Giêng với phần nghi thức tế tạ trời đất. Hết hội, mọi người đều phấn khởi về một chuyến du xuân thú vị và mong cầu một năm an lành vui vẻ.
Lễ hội Cổ Loa là nơi du xuân đặc biệt cho mọi người – Ảnh: Sưu tầm
2. LỄ CÚNG BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ
Sinh sống trên dải đất Tây Nguyên, người dân tộc Ê Đê cũng có đời sống tín ngưỡng tâm linh phong phú. Và một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Ê Đê được lưu truyền đến nay là lễ cúng bến nước tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Bến nước là không gian sinh hoạt quan trọng của người Ê Đê – Ảnh: baodaklak
Xem thêm: Các tour du lịch Tây Nguyên
Lễ cúng bến nước diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất là ngày sửa lại đường lên xuống bến nước, sửa lại cầu tắm giặt, thay ống dẫn nước và máy nước. Trong ngày lễ chính, sáng sớm chủ bến nước sai con cháu làm ba con heo (một con cúng tổ tiên ông bà, một con cúng thần bến nước, một con cúng sức khỏe cho chủ bến nước); đồng thời buộc 7 ché rượu tại gian khách của nhà dài để làm lễ cúng các vị thần linh. Sau đó, mọi người mang lễ mời thần linh, ông bà về dự lễ cúng bến nước.
Dân làng tập trung tại bến nước trước giờ làm lễ – ảnh: trungtamvanhoadaklak
Thầy cúng và gia chủ mang lễ vật ra cúng – Ảnh: Hữu Thanh
Đoàn người đi ra bến nước để làm lễ cúng, sau khi thầy cúng cúng xong ở bến nước, cả đoàn trở về nhà chủ bến nước làm lễ cúng thần đất. Cúng xong mọi người lên nhà dài làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước và mọi người trong buôn. Sau đó, mọi người cùng ăn uống, nổi chiêng trống hát ca… Những người đến tham dự lễ mỗi lúc một đông. Ai cũng say sưa trong tiếng chiêng trong men say của rượu.
Nghi lễ cúng trong nhà – Ảnh: baodaklak
Sau lễ cúng ở nhà, nữ gia chủ là người đầu tiên uống rượu cần – Ảnh: baodaklak
Các chàng trai cô gái Ê Đê say trong điệu múa – Ảnh: baodaklak
3. HỘI RƯỚC PHÁO LÀNG ĐÔNG KỴ
Hội rước pháo làng Đông Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh được tổ chức từ mùng 4-6 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ thánh Thiên Cương, vị tướng được dân tôn lên làm thành hoàng làng.
Đây là nét đặc sắc trong văn hóa lễ hội của xứ Kinh Bắc – Ảnh: Le Quang Photography
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Bắc Ninh
Tâm điểm của lễ hội là màn rước pháo. Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sáng sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, mới bắt đầu. Pháo được rước là hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì. Khi hai quả pháo lớn được các thanh niên trai tráng mặc lễ phục trong làng rước ra từ nhà trưởng ban khánh tiết ra đình cùng đoàn tế hàng trăm người, cả dân làng háo hức cùng hòa vào đoàn rước.
Quả pháo trong lễ hội – Ảnh: Thethaovanhoa
Mọi người cùng hòa vào đám rước pháo – Ảnh: Internet
Ngoài màn rước pháo, các hoạt động văn hóa thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội rước pháo làng Đông Kỵ cũng không kém phần sôi nổi như hát quan họ, cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…
Mọi người cùng náo nức tham gia trò chơi trong lễ hội – Ảnh: Sưu tầm
Hát quan họ trong hội làng – Ảnh: sưu tầm
4. HỘI CHỌI TRÂU HẢI LỰU
Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, được mở hàng năm vào ngày 16, 17 tháng Giêng. Đây là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam, có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên.
Quang cảnh lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam – Ảnh: Sưu tầm
Ngay từ đầu năm, dân làng đã đi tìm mua trâu đem về nuôi với chế độ đặc biệt. Đến ngày mở hội, trâu được rước ra đình làng để làm lễ, sau đó được nhốt riêng. Những “ông trâu” to béo được đưa vào đấu trường. Hai “ông trâu” gặp nhau, sau một hồi gầm ghè thì bắt đầu “hăng tiết”, lao vào húc nhau những đòn trí mạng.
Một con trâu được chọn làm lễ – Ảnh: Sưu tầm
Hàng ngàn người đến xem hội chọi trâu Hải Lựu – Ảnh: Sưu tầm
Nhiều cặp trâu tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu thi đấu nảy lửa, gay cấn. Có trận chỉ diễn ra khoảng vài phút là kết thúc, song cũng có những trận kéo dài tới tận 30 phút hoặc bất phân thắng bại, khiến người xem hồi hộp háo hức vô cùng.
Những cuộc thi đấu nảy lửa trong ngày hội – Ảnh: Phuc Hung
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Vĩnh Phúc
Mời các bạn xem tiếp: Những lễ hội độc đáo ở Việt Nam (phần 2)
Tùy Phong – Kinhnghiemditour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour..
Leave a Reply
View Comments