Nhắc đến các công trình lịch sử của Sài Gòn, người ta thường nghĩ ngay đến dinh Độc Lập, song ít ai biết rằng có một công trình cũng mang đầy ý nghĩa như vậy chính là hồ Con Rùa Sài Gòn.
Giới thiệu về hồ Con Rùa Sài Gòn
Hồ Con Rùa Sài Gòn là một hồ phun nước nhân tạo nằm ở nơi giao nhau của 3 con đường là Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành một vòng xuyến giao thông.
Tên chính thức của khu vực này là Công trường Quốc Tế, song người ta thường gọi là hồ Con Rùa để gợi lên cái sự thân thương, gần gũi cho người Sài Gòn và sự thích thú cho những khách phương xa.
Lịch sử của hồ Con Rùa Sài Gòn
Ban đầu, vào năm 1790, hồ này được vua Gia Long yêu cầu xây tại cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Sau đó, khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (từ 1833-1835) bị dẹp tan, vua Minh Mạng đã hạ lệnh phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn tên là thành Phụng khiến cho vị trí của cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài vòng thành, nối thẳng con đường ngoài của mặt Tây thành xuống bến sông.
Đến khi Pháp chiếm được Sài Gòn năm 1859, họ đã phá hủy toàn bộ thành Gia Định và xây một tháp nước tại vị trí hồ Con Rùa này để cung cấp nước uống cho người dân trong vùng. Đến năm 1921, do không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước nữa nên tháp nước này bị phá bỏ và con đường xung quanh được mở rộng nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) rồi trở thành giao lộ của các tuyến đường cho đến ngày nay.
Cũng tại vị trí này, một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ đã được xây dựng để thể hiện biểu tượng của người Pháp làm chủ Đông Dương và được người dân địa phương gọi nó là Công trường Ba hình. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956 thì bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ và đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
Hồ Con Rùa Sài Gòn đươc xây trong khoảng từ năm 1965 đến 1967 dưới sự thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ và được trùng tu lại từ năm 1970 đến 1974 với một bức tượng con rùa bằng hợp kim đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước công nhận Việt Nam Cộng hòa nên mới có tên gọi thân thương này.
Mặc dù vào đầu năm 1976 (hay 1978), tấm bia và con rùa đã bị phá hủy trong một vụ nổ, nhưng người dân vẫn quen gọi là hồ Con Rùa thay cho tên gọi chính thức.
Thiết kế độc đáo của hồ Con Rùa Sài Gòn
Nếu như hồ Gươm và hồ Tây ở Hà Nội đều có kích thước vô cùng rộng lớn thì hồ Con Rùa tại Sài Gòn lại chỉ có đường kính khoảng gần 100 mét, được thiết kế theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ với 4 đường đi bộ tạo thành hình xoắn ốc. Tất cả các đường đều hướng tới trung tâm là đài tưởng niệm ở giữa.
Đài ở trung tâm được tạo nên bởi 5 cột bê tông cao 34 mét, có dạng năm bàn tay xòe ra đón đỡ giống như các cánh hoa đón đỡ nhụy hoa. Tuy nhiên, có một số người lại cho rằng kiến trúc của tòa tháp giống như chiếc đinh đóng vào đuôi rồng, ghim chặt nó lại, không cho nó quẫy đuôi, để sự nghiệp phát triển, ổn định.
Chính kiến trúc kỳ lạ ấy đã khiến hồ nước này được gắn với rất nhiều các giai thoại. Trong đó giai thoại nổi tiếng nhất là về tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Đó là vào năm 1967 khi lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông đã cho mời một vị thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại dinh Độc Lập.
Ông thầy phong thủy này đã khen ngợi dinh được xây trên long mạch với đầu rồng nằm ngay dinh Độc Lập (vì vậy Dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu Rồng) và đuôi nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ. Tuy phát hưng vượng nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, cần phải cúng yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy, mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Thiệu đã nghe theo và cho xây dựng hồ Con Rùa Sài Gòn có hình dạng độc đáo như hiện nay.
Những trải nghiệm thú vị tại hồ Con Rùa Sài Gòn
Đây chính là khu vực mà người dân cũng như du khách thường đến để tụ tập, nói chuyện và ngắm phố phường bởi có hồ nước và hàng cây xanh mát xung quanh nên không khí vô cùng mát mẻ.
Chỉ một cốc trà đá mát lạnh cùng một vài hộp cóc dầm, xoài dầm chua chua cay cay hay hộp bánh tráng trộn vàng ươm thơm lừng là bạn có thể ngồi “buôn chuyện” với nhau cả ngày luôn.
Bạn cũng có thể lên bậc thang trên hồ để ngồi uống nước, vừa có thể hóng gió lại còn được chiêm ngưỡng khung cảnh nhộn nhịp, năng động của phố phường, bao phê bao thích luôn nhé.
Cũng nhất định không được quên lưu lại những bức ảnh “so deep” ở đây đâu đấy, đảm bảo là lên hình cực lung linh luôn. Chả thế mà biết bao lớp sinh viên hay bao cặp vợ chồng đều chọn nơi này để lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời mình nữa đấy.
Và nếu có dịp đến hồ Con Rùa Sài Gòn vào buổi tối, đảm bảo bạn sẽ cực kỳ thích thú trước khung cảnh vui tươi và đông đúc ở đây: từ các cụ già đang ngồi tâm sự hóng gió, các bạn thanh niên đang cười nói, đàn hát cho đến các em nhỏ đang chạy nhảy, nô đùa. Tất cả đều mang đến một cảm giác bình yên và hạnh phúc đến lạ.
Cách di chuyển đến hồ Con Rùa Sài Gòn
Nằm ở vị trí khá đẹp là khá gần với trung tâm thành phố nên bạn có thể đến được hồ bằng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô.
Với những người không có xe riêng thì việc sử dụng các phương tiện công cộng cũng rất thuận lợi. Bạn có thể bắt taxi hoặc các tuyến buýt như: 05, 06, 30, 31, 36 để đến đây.
Một lựa chọn cực thú vị khác chính là đi xích lô, đây là phương tiện mà khách đến du lịch Sài Gòn, đặc biệt là du khách nước ngoài rất yêu thích luôn vì vừa có thể ngắm phố phường lại còn bảo vệ môi trường cực tốt nữa chứ.
Không chỉ mang tính lịch sử, hồ Con Rùa Sài Gòn còn là chỗ vui chơi không thể thiếu của rất nhiều người, vậy nên đến Sài Gòn du lịch mà không đến đây một lần là cực kỳ thiếu sót đấy nhé.
Leave a Reply
View Comments