Khi cái nóng thiêu đốt ngột ngạt của mùa hè đã đi qua, tiết trời ôn hòa tràn ngập Hà Nội, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm, báo hiệu sự bắt đầu của mùa thu – mùa lãng mạn – vẫn luôn được cho là thời gian tuyệt nhất để du lịch thăm thú Thủ đô. Thời điểm này Hà Nội lãng đãng lá vàng bay trong không gian mơ màng dịu nhẹ thoang thoảng hương cốm mới gói trong lá sen, và mùi hoa sữa nồng nàn đặc trưng. Mùa Thu Hà Nội có thời gian khá ngắn và trôi qua rất nhanh, mỹ mãn nhất là tới thăm thu Hà Nội dịp cuối tháng 9, tới hết tháng 11, vì thế nếu bạn có kế hoạch du lịch Hà Nội thì hãy nhanh chóng sắp xếp lịch trình và tham khảo những địa điểm gợi ý của Kinhnghiemditour dưới đây nhé.
Thu Hà nội đến trong tiết trời dịu nhẹ, cái nắng bớt oi nồng – Ảnh: flickr
THĂM HỒ GƯƠM VÀ KHÁM PHÁ PHỐ CỔ
Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới Hồ Gươm – trái tim xanh của thủ đô ngàn năm văn hiến. Mùa thu, những hàng cây lộc vừng xanh thắm, những hàng liễu rũ mờ ảo trong sương như bao phủ quanh Hồ Gươm những mơ màng tư lự. Khung cảnh thu dịu dàng ấy đã khiến Hà Nội đi vào thơ, ca, nhạc, họa làm say đắm lòng người.
Hồ Gươm là lựa chọn lý tưởng để cảm nhận một Hà Nội mùa thu bình yên, lãng mạn – Ảnh: vietnguyen
Trong không gian khoáng đạt, Cầu Thê Húc thắm đỏ nổi bật trên mặt nước biếc xanh của Hồ Gươm. Xuân qua, hạ tới, thu về, trước những bước chuyển dịch của thời gian, Tháp Rùa vẫn mang màu trầm mặc soi bóng nước mặt hồ.
Trong tiết trời dìu dịu của mùa thu, nhưng đôi bạn trẻ, những ông cụ bà cụ, bình thản ngồi bên ghế đá Hồ Gươm, nhìn phố phường, ngắm thời gian trôi qua. Những du khách cũng có dịp ngồi lại nơi đây để cảm nhận sự thư thái, yên bình bên cạnh những vội vã của dòng xe, dòng người.
Một đặc điểm của Hồ Gươm mỗi dịp cuối thu, hoa lộc vừng thường nở đỏ rực, rơi rụng khắp mặt hồ và trên con đường ven hồ tạo nên một khung cảnh nên thơ. Khi chiều đứng bóng, hoa lộc vừng bắt đầu tỏa hương thơm nồng nàn khắp phố, hoa nở cho đến đêm. Buổi sáng hôm sau hoa rơi rụng như mưa sao trải xuống mặt nước hoặc dưới gốc cây.
Hồ Gươm mùa thu cũng là địa điểm các đôi uyên ương lựa chọn để ghi lại những khoảng khắc hạnh phúc cho bộ ảnh cưới của mình.
Cô dâu chú rể hạnh phúc bên cầu Thê Húc – Ảnh: maizy
Sau khi lang thang một vòng quanh Hồ Gươm, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá 36 phố phường để cảm nhận thêm nét dịu dàng, trầm mặc của Hà Nội khi vào thu.
ĐẠP XE THĂM HỒ TÂY NGÀY THU
Một buổi sáng mùa thu, thức dậy bên Hồ Tây bảng lảng sương mờ. Hãy bắt đầu hành trình đạp xe bằng việc đến thăm chợ Hoa Quảng bá để đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa và các mùi hương. Hoa đủ sắc màu sẽ theo gánh hàng của những chiếc đạp nhỏ vào trong thành phố. Sau đó bạn hãy nạp đầy năng lượng ngày mới bằng một bát phở Bát Đàn, là một thương hiệu phở cổ truyền của Hà Nội.
Hồ Tây là một trong những hồ lớn nhất của Hà Nội, luôn có không khí thanh bình, cuộc sống không vội vã. Một vòng quanh Hồ Tây có lộ trình khoảng 16km, sẽ mang đến cho bạn nhiều khám phá thú vị về thiên nhiên, con người, và ẩm thực Hà Nội. Những con đường ven hồ khá thoáng mát, yên ả, được dân đạp xe rất ưa thích như đường Thanh Niên, đường ven hồ, bến Hàn Quốc, bến Nhật Bản…
Đường Thanh Niên nằm giữa Hồ Tây – Ảnh: Skyline
Đạp xe trên đường Thanh Niên giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch sẽ cho du khách cảm nhận rõ ràng nhất mùa thu đang hiện diện. Gần khu vực đường Thanh Niên, bạn có thể khám phá thêm các làng nghề đúc đồng, làng Yên Phụ và Nghi Tàm chuyên nuôi cá cảnh, cá chọi, các phố chuyên bán phở cuốn ngon tuyệt.
Khách sạn InterContinental Hà Nội nổi bật trên mặt hồ trong một chiều thu bảng lảng – Ảnh: Skyline
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hà Nội
Khi đạp xe dọc theo đường ven hồ, bạn có thể nghỉ chân ở ven đường trong không gian khoáng đạt, ngắm những người đánh cá, câu cá ven hồ và cảm nhận cuộc sống bình dị nơi đây. Một vài địa điểm không thể không ghé qua trong hành trình đạp xe như: đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Đền Quán Thánh, Chùa Tảo Sách
Hãy nhớ khám phá ẩm thực Hồ Tây trong suốt dọc đường đi với các món ăn đặc sản như bún ốc, bánh tôm,…Hãy kết thúc chuyến hành trình bằng một tour du thuyền chiêm ngưỡng Hồ Tây lúc hoàng hôn.
Buổi chiều trên bến thuyền Hồ Tây – Ảnh: Break away
Ngoài lựa chọn tự đạp xe thăm thú Hồ Tây, bạn có thể khám phá Hồ Tây bằng ôtô điện cũng có hành trình đi qua 20 điểm tham quan quanh Hồ Tây.
KHU HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Hoàng thành Thăng Long là quần thể kiến trức đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam. Đến thăm Hà Nội và ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long trong những ngày thu, sẽ cho bạn cảm nhận được những thăng trầm của lịch sử còn in dấu lên công trình kiến trúc đi qua thời gian này.
Trung tâm của khu di tích là Điện Kính Thiên. Trước điện Kính Thiên là Đoan Môn, phía sau có Hậu Lâu. Hiện nay điện Kính Thiên chỉ còn là khu nền cũ. Bạn có thể đi thăm Cột cờ Hà Nội, Cửa Bắc trước khi vào khu trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long.
Cột Cờ Hà Nội tại đường Điện Biên Phủ – Ảnh: sưu tầm
Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ năm 1812 còn được gọi với cái tên Kỳ Đài. Kỳ Đài cao gần 60m được xây trên bệ tam cấp trông khá đồ sộ. Kỳ Đài hiện đang nằm trên đường Điện Biên Phủ, vào sâu trong cột cờ bạn sẽ cảm nhận được một luồng không khí mát dịu.
Đoan Môn Là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành. Đoạn Môn được xây dựng theo chiều ngang, cấu trúc hình chữ U. Vật liệu chủ yếu là gạch vồ, loại gạch phổ biến của thời Lê và đá, cuốn vòm cửa.
Cổng Đoan Môn dẫn lối và Cấm thành – Ảnh: flickr
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM
Khuê Văn Các nằm trong quần thể Văn miếu quốc tử giám – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Là trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ năm 1076, Văn Miếu có một không gian yên tĩnh nằm gọn trong lòng Hà Nội. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử. Văn Miếu là địa điểm thu hút được nhiều khách nước ngoài ghé thăm bởi kiến trúc đặc biệt và khuôn viên rộng rãi khoáng đạt nơi đây. Đến đây ngoài tìm hiểu kiến thức văn hóa lịch sử và kiến trúc, bạn có thể tản bộ, ngồi bên một ghế đá hay trò chuyện với người dân hoặc du khách nước ngoài.
CẦU LONG BIÊN
Cầu Long Biên được xây dưng từ thời Pháp thuộc là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Thời gian qua đi, cây cầu vẫn đứng đó như một nhân chứng lịch sử. Bất kỳ ai yêu Hà Nội đều có những kỷ niệm đẹp với cây cầu Long Biên, những buổi chiều thu lên cầu ngắm hoàng hôn, thả hồn đâu đó xa xăm nơi bãi giữa, hay ngồi trà đá xem người qua lại giữa những cuộn nước dưới dòng. Các bạn trẻ thường chọn cầu Long Biên là địa điểm chụp ảnh, trong đó có cả các cặp đôi cô dâu chú rể.
Cầu Long Biên và con đường gốm sứ – Ảnh: sưu tầm
Nếu có dịp tới thăm Cầu Long Biên, bạn hãy thử theo những nhịp cầu thang dẫn xuống bãi giữa, ngắm sông Hồng giản dị và gần gũi nhất nhé.
Clip Cầu Long Biên nhìn từ trên cao
Xem thêm: Tour du lịch Hà Nội giá tốt
Hà Nội vào thu còn đẹp từ những điều bình dị nhất, từ một chiếc lá rơi, một nụ cười của thiếu nữ, những cái nắm tay giữa phố chuyển mùa. Hãy đặt chân trên những con đường, ngồi xuống nơi ghế đá, nhâm nhi ngụm trà đá và cảm nhận chân thật nhất vẻ đẹp Hà Nội phố mùa thu.
Nắng Mai – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Kinhnghiemditour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments