Nhìn lại 5 địa điểm gắn liền với sự kiện 30-4 lịch sử

41 năm – khoảng thời gian cũng đủ để người ta vơi đi phần nào những hồi ức đau buồn mà chiến tranh đã gây ra trong quá khứ. Nhưng lịch sử vẫn còn đó, những ký ức về một ngày 30 tháng 4 lịch sử năm nào vẫn còn đó, nó không chỉ hiển hiện trong những câu chuyện, những tư liệu lịch sử, mà nó còn chính là những chứng nhân “sống” của Sài Gòn – những địa điểm đã gắn liền mình với sự kiện 30 tháng 4 năm nào. Hãy cũng Kinhnghiemditour nhìn lại lịch sử và khám phá “những ký ức còn sót lại” của sự kiện 30 tháng 4 với những địa điểm đã gắn liền mình với sự kiện lịch sử đặc biệt này nhé!

 

Hồi ức về ngày 30 tháng 4 lịch sử

Hồi ức về ngày 30 tháng 4 lịch sử – Ảnh minh họa: sưu tầm

 

1. CỦ CHI

 

Nằm ở phía Tây Bắc Sài Gòn, Củ Chi từng được xem như là một tử huyệt ngay giữa lòng đô thành của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Nơi đây được xem là tử huyệt của chính quyền Sài Gòn bởi lẽ ngay phía bên dưới vùng quê tưởng chừng yên bình này có một “đội quân từ lòng đất” đang hằng ngày sinh hoạt và chiến đấu. Trong sự kiện 30 tháng 4 thì Củ Chi, được xem như là một điểm tập kết lực lượng, vũ khí quan trọng của cánh quân Tây Bắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

 

Củ Chi  thành đồng đất thép

Củ Chi – thành đồng đất thép – Ảnh minh họa: sưu tầm

 

Không còn là một vùng chiến sự ác liệt, Củ Chi ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến du lịch tuyệt vời của thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những điểm đến hấp dẫn và thú vị nhất của Củ Chi đó chính là khu vực địa đạo Củ Chi – một công trình ngầm mang đầy sự quyết tâm, ý chí của quân giải phóng và nhân dân miền Nam lúc bấy giờ. Đến với khu di tích địa đạo Củ Chi, bên cạnh những hoạt động tham quan khám phá, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm chui hầm ngầm – một hoạt động cực kỳ đặc sắc và thú vị tại nơi đây.

 

Ngày nay Củ Chi hiện lên với hình ảnh của một vùng quê yên bình

Ngày nay Củ Chi hiện lên với hình ảnh của một vùng quê yên bình – Ảnh: Craig Sexton

 

2. SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

 

Sân bay Tân Sơn Nhất (tên gọi cũ là Sân bay Tân Sơn Nhứt) là một trong những sân quân sự – dân sự quan trọng và lớn bậc nhất miền Nam Việt Nam lúc bây giờ. Bên cạnh mục đích dân sự, thì sân bay Tân Sơn Nhất còn được xem như là một căn cứ không quân quan trọng không chỉ của quân đội Sài Gòn lúc bây giờ, mà nơi đây còn là một cứ điểm không quân quan trọng của không quân Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á. Trong sự kiện 30 tháng 4, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cánh quân giải phóng từ phía Tây Bắc, bởi lẽ đánh chiếm được Tân Sơn Nhất cũng chính là tiêu diệt được lực lượng không quân của quân đội Sài Gòn.

 

Toàn cảnh căn cứ không quân Tân Sơn Nhất trước năm 1975

Toàn cảnh căn cứ không quân Tân Sơn Nhất trước năm 1975 – Ảnh: sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh

 

Ngày nay, mặc dù không còn đóng vai trò là sân bay quân sự quan trọng nhất cả nước, nhưng Tân Sơn Nhất vẫn là Sân bay dân sự lớn nhất và quan trọng nhất không chỉ của khu vực miền Nam mà còn của cả nước. So với Tân Sơn Nhất cách đây 41 năm, Tân Sơn Nhất ngày nay đã hiện đại và quy mô hơn rất nhiều, từ chỉ là có một ga hàng không hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã được xây dựng thêm một ga hàng không thứ hai hiện đại và quy mô hơn rất nhiều so với ga cũ – trong đó ga mới đóng vai trò là ga quốc tế còn ga cũ là ga quốc nội.

 

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đại ngày nay

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đại ngày nay – Ảnh: Dũng Huỳnh

 

3. ĐÀI TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với cột thu phát sóng cao vút đã dường như trở thành một hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với người dân Sài Gòn mỗi khi chạy qua trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng ngày nay. Nhưng không nhiều người biết rằng nơi đây đã từng chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là vào thời khắc 30 tháng 4 lịch sử.

 

Khu vực Đài truyền hình Sài Gòn nay là Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh

Khu vực Đài truyền hình Sài Gòn (nay là Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh) – Ảnh: sưu tầm

 

Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là Đài truyền hình Việt Nam của chính quyền Sài Gòn (người dân thời đó còn gọi là Đài truyền hình Sài Gòn hay là đài số 9). Được lên sóng lần đầu tiên vào năm 1966, Đài số 9 được xem như là đài truyền hình đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong sự kiện 30 tháng 4 thì chính nơi đây đã phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh (Tổng thống đương nhiệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa), và cũng chính từ giây phút đó chính thể Việt Nam Cộng Hòa chính thức hoàn toàn sụp đổ.

 

Tổng thống đương nhiệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa  Dương Văn Minh chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài truyền hình Sài Gòn

Tổng thống đương nhiệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa – Dương Văn Minh chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài truyền hình Sài Gòn – Ảnh: sưu tầm

 

Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 62% tại Hồ Chí Minh

 

4. TRỤ SỞ TỔNG LÃNH SỰ QUÁN HOA KỲ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Đối với không ít người dân Sài Gòn thì hình ảnh tòa nhả Bạch Ốc (trước đây Tòa đại sứ Hòa Kỳ tại Sài Gòn thường được người dân gọi là Tòa Bạch Ốc) to lớn nằm trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) và đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) xưa kia dường như chỉ còn là một ký ức trong quá khứ khi mà Tòa Bạch ốc ngày nào đã bị phá bỏ một cách hoàn toàn vào năm 1998. Thay vào hình ảnh của một Tòa Bạch ốc cao lớn xưa kia, trụ sở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng lại ngay tại khu đất cũ, tòa nhà mới này thấp hơn, “kín cổng cao tường” hơn so với Tòa Bạch ốc ngày xưa.

 

Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước năm 1975

Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước năm 1975 – Ảnh: sưu tầm

 

Nhắc đến sự kiện 30 tháng 4, ắt hẳn sẽ không ít người sẽ nhớ lại những hình ảnh tháo chạy nhốn nháo, hỗn loạn ngay trên nóc Tòa đại sứ năm xưa – những hình ảnh ghi dấu, báo hiệu một cách chính xác cho sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam cách đây 41 năm.

 

Những thời khắc cuối cùng của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4

Những thời khắc cuối cùng của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4 – Ảnh: sưu tầm

 

5. DINH ĐỘC LẬP

 

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 – Ảnh: sưu tầm

 

Nhắc đến sự kiện 30 tháng 4 chẳn hẳn ta không thể không nhắc đến hình ảnh đã đi vào lịch sử của dân tộc – hình ảnh chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng tông đổ cánh cửa thép tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Không như những “dấu tích” khác đã có sự thay đổi qua thời gian, Dinh Độc Lập ngày nào vẫn sừng sững ngay giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ như là một dấu ấn không thể nào phai mờ về một dấu mốc lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 đã qua.

 

Dù trải qua vô vàn thử thách của thời gian nhưng Dinh Độc Lập vẫn đứng vững

Dù trải qua vô vàn thử thách của thời gian nhưng Dinh Độc Lập vẫn đứng vững – Ảnh minh họa: Viet D. Nguyen

 

Ngày giải phóng Miền Nam 30/04/1975

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh giá rẻ

 

Dù đã trải qua hơn 40 năm nhưng hình ảnh về một ngày 30 tháng 4 lịch sử năm nào vẫn sẽ luôn là một dấu mốc lịch sử không thể nào quên trong tâm trí của mỗi người con đất Việt. Nếu 30 thang 4 này bạn chưa có bất kỳ lịch trình nào và bạn cũng không muốn đi đâu xa thì hành trình tìm lại những “chứng nhân” xưa của sự kiện 30 tháng 4 quanh Sài Gòn sẽ là một ý tưởng cực “độc” và hay dành cho bạn đấy!

 

Đình Tùng – Kinhnghiemditour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.