Một ngày ngược lòng hồ sông Đà

Chúng tôi đã chọn một ngày đẹp trời để cùng nhau đi ngược lòng hồ sông Đà, đi với mục đích chiêm ngưỡng và thư giãn. Có lẽ, trong tất cả những loại hình thư giãn trên sông thì ngồi trên thuyền chạy dọc sông giữa nắng thu và gió thu là thú vị nhất. Đây cũng là một mô hình du lịch sinh thái đang rất được ưa chuộng hiện nay.

 

Một ngày ngược lòng hồ sông Đà

Ngược lòng hồ sông Đà – Ảnh: Sưu tầm

 

HÀNH TRÌNH NGƯỢC LÒNG HỒ SÔNG ĐÀ

Lòng hồ sông Đà đây rồi, con tàu chở chúng tôi có tên “Một thoáng sông Đà” đã sẵn sàng. Chủ tàu là một nhà thơ nên mới đặt tên cho con tàu của mình mơ mộng như vậy. Con tàu này gia đình anh mới mua, giá 1 tỷ đồng,  có thể chở được 60 khách du lịch, có máy lạnh, dàn karaoke, bếp ăn trưa phục vụ món ăn dân tộc Mường. Cơm nếp lam, thịt lợn cắp nách bày trên lá chuối, uống rượu cần là những thứ đặc sản ẩm thực của người Mường, du khách miền xuôi lên đây đều rất thích. 

 

Một ngày ngược lòng hồ sông ĐàHồ sông Đà – Ảnh: Sưu tầm

Đúng 9 giờ sáng tàu nhổ neo. Hồ sông Đà là một trong những hồ tích nước lớn nhất Đông Nam Á, với  trên 9 tỷ m3 nước quanh năm. Đập chắn nước được chuyên gia Liên Xô thiết kế và chỉ đạo thi công có độ an toàn gấp 3 lần cần thiết, luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho vùng hạ lưu. Con tàu chạy ngược lên thượng nguồn. Hồ rộng quá, nước xanh biếc, hai bên bờ núi nhấp nhô một màu xanh của cây cối, tạo lên một thế giới xanh tuyệt đẹp. Mặt hồ buổi sớm khá phẳng lặng, những cơn gió thu thổi nhẹ tạo những con sóng lăn tăn nối tiếp nhau. Xa xa, tầm nhìn trước mũi con tàu chừng vài trăm mét, mây trắng là xuống sát mặt nước mơ mơ, thực thực, như thể sự hư vô, tinh khiết ở cõi Niết Bàn. Tàu chạy chậm, chúng tôi thi nhau chụp ảnh hai bên bờ. Những quả đồi thấp đứng dìm chân dưới nước xanh ngát, bên trên là rừng măng lang nhọn tua tủa đâm lên trời, trông như những ngọn giáo. Măng lang là một loại đặc sản tự nhiên trong rừng dọc theo sông Đà, chỉ nhỏ như chiếc sáo, luộc chấm muối vừng thì rất ngọt, vừa ăn măng lang vừa uống rượu thì rất khó bị say. Hình như trong thân cây măng lang có chất gì đó trung hoà cồn trong rượu…

 

Một ngày ngược lòng hồ sông ĐàBến thuyền – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hòa Bình

Trên lòng hồ thi thoảng lại xuất hiện những hòn đảo nhỏ nhấp nhô. Đây chính là những quả đồi bị nhấn chìm một phần dưới lòng hồ, xung quanh là nước nên biến thành đảo. Có những hòn đảo xanh mướt cây keo tai tượng, được trồng theo chương trình xoá đói giảm nghèo của Chính phủ.

 

Một ngày ngược lòng hồ sông ĐàMột góc hồ – Ảnh: Sưu tầm

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hoà Bình

 

THĂM ĐỀN BÀ CHÚA THÁC BỜ

Sau gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi tới đền Bà Chúa Thác Bờ. Đây là một địa danh nổi tiếng trên dòng sông Đà, được nhân dân cả nước tới viếng thăm. 

Tương truyền, vào mùa xuân năm 1431, vua Lê mang quân lên thác Bờ dẹp loạn, tiêu diệt giặc Đèo Cát Hãn. Khi quân nhà vua tới thác Bờ thì bà Đinh Thị Vân (người dân tộc Mường) đã vận động bà con quanh vùng mang lương thực, thực phẩm tới tiếp tế cho quân vua Lê. Đích thân bà đã chèo thuyền chở quân đi đánh giặc trên dòng sông Đà. Khi thắng giặc rồi thì bà lại dạy dân làm lễ hội, múa xoè, ném còn… mừng chiến công. Đất Mường yên bình, giặc đã bị tiêu diệt hết, bà Vân lại vận động nhân dân vào rừng chặt nứa làm bè cho quân nhà Lê về xuôi. Ghi nhận công lao của bà, vua Lê đã truyền chỉ cho dân xây dựng đền thờ bà bên cạnh thác Bờ hung dữ và huyền thoại, và gọi là đền thờ Bà Chúa Thác Bờ. 

 

THÁC BỜđền thờ Bà Chúa Thác Bờ – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hòa Bình

Khi nước trong hồ dâng lên nhấn chìm hàng vạn ha núi rừng, nhấn chìm cả thác Bờ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hoà Bình đã phải 9 lần di chuyển đền thờ Bà Chúa lên cao như ngày nay. Những quán hàng mã trong đền Bà Chúa Thác Bờ đều bán rất nhiều thuyền buồm bằng giấy để nhớ tới bà Đinh Thị Vân đã dùng thuyền chở quân vua Lê đi đánh trận. Du khách tới thăm đền mua thuyền đốt gửi xuống cho bà như một sự tri ân người đàn bà có công với nước, với xứ Mường. 

Du khách tới đền Bà Chúa Thác Bờ không thể đi bằng đường bộ mà phải đi tour du lịch theo các tuyến đường thủy. Những người trông coi đền Bà Chúa rất vui mỗi khi có con tàu ghé lại cho du khách lên bờ thắp hương.

 

VƯƠNG VẤN THÁC BỜ

Chúng tôi đứng trên đền Bà Chúa Thác Bờ nhìn xuống lòng hồ sâu thẳm trong xanh, nơi đây từng là thác Bờ hung dữ và thơ mộng. Những ai đã một lần qua thác Bờ khi chưa có hồ chứa nước Hoà Bình này thì sẽ còn nhớ cảnh thác Bờ đẹp tới mức nào. Những dòng nước trắng xoá đổ xuống những ngọn núi đá nhô lên giữa dòng, những chú cá măng sông lao theo dòng thác đẹp như những vận động viên vô địch môn nhảy cầu. 

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, dòng sông Đà nhiều nước lắm nhưng ruộng đồng của bà con người Mường lại khô cạn. Thế là vợ chồng ông Đùng, bà Đùng đã vác đá ném xuống sông chặn dòng nước lại, cho dâng lên và chảy vào ruộng đồng phục vụ trồng cây, cấy lúa. Những tảng đá to như quả núi đã tạo thành thác Bờ hung dữ trên dòng sông Đà. Trong thời gian chỉ huy chiến dịch tiêu diệt giặc Đèo Cát Hãn, vua Lê Thái Tổ đã đọc cho quân lính khắc một bài thơ bằng chữ Hán lên vách đá thác Bờ. Bài thơ dịch như sau: “Gian nan nào ngại cảnh non sông/ Già cả mà ta vẫn vững lòng/ Nghĩa khí dẹp tan mù mấy lớp/ Tráng tâm san phẳng núi muôn trùng/ Phòng ngừa bờ cõi cần ra sức/ Gữi vững cơ đồ phải gắng công/ Thác suối ba trăm dù hiểm trở/ Nay xem muôn thủa phải xuôi dòng”. Khi hồ Hoà Bình tích nước thì tảng đá có bài thơ này đã được cưa mang về cất tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Hoà Bình.

Đã có hàng nghìn gia đình rời bỏ quê hương yêu dấu để nhường đất cho hồ tích nước thuỷ điện Hoà Bình. Mấy chục năm đã đi qua rồi nhưng nhiều người vẫn cứ ngẩn ngơ nhớ về quê mẹ chìm sâu dưới làn nước xanh kia. Bà Bàn Thị Xuân (người Dao) ngồi ở một góc đền nhìn xuống hồ mà nhớ: “Ngày xưa gia đình tôi, cả bản tôi sống bên suối Rút, bây giờ đã chìm dưới lòng hồ rồi. Có những đêm nhớ quê hương khiến tôi không sao ngủ được, thi thoảng tôi lại ra bờ hồ nhìn xuống dòng nước xanh trong cho đỡ nhớ quê. Thác Bờ đẹp lắm, nhiều khi tôi vẫn nằm mơ thấy thác Bờ”. Vâng, một sự hy sinh rất lớn, hy sinh vì dòng điện cho đất nước thân yêu.

Đi dọc lòng hồ, mỗi khi ghé bờ tiếp xúc với những khu dân cư mới thấy còn bao điều kỳ diệu. Hồ chứa nước mênh mông đã đem lại cho người dân nhiều thứ quý giá cho cuộc sống thường ngày. Cá dấp dầu là một trong những đặc sản của hồ Hoà Bình. Cá chỉ nhỏ như cá linh nhưng ăn rất ngon, bà con đánh bắt được khá nhiều, đem phơi khô rồi kho với khế chiêu đãi khách đường xa. Đi tới bất cứ điểm dân cư nào trên bờ hồ đều thấy những người Dao bán cây thuốc rừng. Thuốc của bà con người Dao chữa được nhiều loại bệnh, nhất là bệnh đường ruột, gan, thận, mỡ nhiễm máu, đặc biệt là thuốc hồi sức cho phụ nữ mới sinh…

Chiều muộn, con tàu “Một thoáng sông Đà” quay về bến. Ai trong mỗi chúng tôi cũng mang trong lòng cảm giác bâng khuâng…

 

Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: tổng hợp

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.