Vào dịp cuối tháng Chín, đầu tháng Mười hàng năm, khi những triền ruộng bậc thang trải một màu vàng óng như dát vàng trên lưng núi, là thời điểm người dân Mù Cang Chải bắt đầu vào vụ thu hoạch mới. Trước khi bước vào vụ thu hoạch, đồng bào Mông thường gặt trước một mảnh nhỏ trên thửa ruộng nhà mình để lấy gạo nấu trong lễ mừng cơm mới, thể hiện sự thành kính và hiếu lễ với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ để vụ mùa tiếp theo được no đủ…
Mù Căng Chải không chỉ nổi tiếng bởi nhiều cảnh đẹp mà còn có nhiều lễ hội độc đáo
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Yên Bái
Công đoạn đầu tiên của lễ mừng cơm mới là phải có lúa – gạo mới, được giao cho những người phụ nữ trong gia đình. Chúng tôi theo chân những người phụ nữ trong gia đình ông Thào Chứ Ly ra mảnh ruộng gần nhà. Họ diện bộ trang phục truyền thống mới nhất, chọn ở chỗ lúa chín vàng nhất, gặt đủ một Lù Cở (dụng cụ gùi đồ của người Mông) rồi mang về nhà. Công đoạn tuốt lúa thật lạ lẫm, không giống với bất kỳ kiểu tuốt lúa thông thường nào. Những người phụ nữ trải lúa trên một cái Nia, lấy những chiếc bát ăn cơm để tuốt thay vì dùng máy tuốt. Lúa tiếp tục được đem sàng, sảy, chọn ra những hạt vàng nhất, mẩy nhất cho vào chảo rang. Quá trình rang lúa cũng công phu không kém, lửa đun phải vừa, không to quá cũng không nhỏ quá, gạo sẽ không được thơm ngon; tay phải đảo đều cho lúa khô đều, cứ như vậy cho đến khi lúa khô là được. Lúa lại phải trải qua một lượt sàng sảy chọn lọc, những hạt vàng nhất, mẩy nhất mới được mang đi xay. Lúa được xay bằng cối đá ngay tại gia đình và phải xay hai lần; người đẩy càng cối, người bỏ lúa vào cối, lần lượt cho ra những hạt gạo mới còn thơm mùi cốm. Gạo được mang đi thổi cơm. Cơm chín được xới đầy ra một chiếc bát to, hoặc chậu con sạch, cắm mười cái thìa xung quanh rồi dâng lên mâm cúng.
Chọn những cây lúa chín vàng, tốt nhất
Công đoạn thứ hai là chuẩn bị cỗ cúng, được thực hiện đồng thời với quá trình chuẩn bị cơm mới. Mâm cỗ cúng ngoài bát cơm mới lớn, còn có nhiều thức ăn chín khác như: Thịt lợn lửng luộc, cá suối hoặc cá ruộng nướng, một bát canh, ít muối trắng, rượu và một vài gia vị khác. Tùy điều kiện của mỗi gia đình, mùa màng mà mâm cỗ được bày có thể có thêm món thịt bê, thịt gà… Món ăn đặc biệt nhất trên mâm cỗ theo những người địa phương nơi đây có lẽ là chả lợn. Khác với chả của người Kinh được làm từ thịt nạc cuốn lá lốt, chả của người Mông rất đặc trưng: Chả được làm từ thịt, sụn, tim, gan… mỗi thứ một ít băm nhuyễn, ướp những gia vị đặc trưng sau đó cuốn vào trong lá mỡ của chính con lợn đó rồi rán. Một điều đặc biệt nữa của mâm cỗ cúng cơm mới là nguyên liệu làm cỗ phải do chính gia đình làm ra, không được mua ở ngoài, sẽ mất đi lòng thành với tổ tiên.
Sao thóc
Mâm cỗ được bày tại gian giữa của nhà, trước ban thờ, lúc này phần việc thuộc về người đàn ông – người chủ gia đình. Chủ nhà bắt đầu cầu khấn, cảm ơn tổ tiên, đất trời đã cho một mùa vàng bội thu. Vừa cầu khấn, ông vừa dùng thìa xúc cơm, canh, các thức ăn có trên mâm cỗ, mỗi thứ một ít đổ ra bàn, chắt một ít rượu với ý nghĩa tượng trưng ông bà tổ tiên về chứng giám và cùng ăn cơm mới với gia đình. Sau chừng 15 – 20 phút, cầu khấn trươc ban thờ, chủ nhà xúc một thìa cơm và thức ăn tiến ra phía cửa chính, dừng lại bên trong khấn vái rồi hất thìa cơm ra vườn. Hoàn tất công đoạn cúng, chủ nhà ngồi ăn mỗi món một miếng, uống một chén rượu ngay tại mâm cúng với ý nghĩa tưởng nhớ và cùng ăn với ông bà tổ tiên. Sau đó gia chủ cho dọn cỗ bàn mời khách, tất cả bà con họ hàng thân thuộc, bàn bè gia chủ đều được mời dự lễ mừng cơm mới thể hiện sự hiếu khách của gia chủ.
Mâm cúng cảm tạ tổ tiên
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Yên Bái
Bát cơm cúng là những hạt lúa thu hoạch đầu tiên và để cảm tạ tổ tiên, trời đất đã mang lại những mùa vàng bội thu, thóc lúa đầy nhà, từ đó đã hình thành nghi thức, tín ngưỡng đậm bản sắc dân tộc – lễ cúng cơm mới. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Mông.
Hãy đến với Mù Cang Chải xem lễ mừng cơm mới nhé
Xem thêm: Các tour du lịch Yên Bái
Leave a Reply
View Comments