
Bạn hãy đến và hành hương – Ảnh: Sưu tầm
Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, quê ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương (nay là huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Ông là người giàu tài năng, đức độ, thủ lĩnh phủ Phú Lương phụng sự dưới triều 3 đời nhà Lý (Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông). Hai lần ông được phong làm phò mã, đó là vào năm Đinh Mùi (1127) và năm Giáp Tý (1144). Dưới thời cai quản của ông trong hơn 30 năm, Phủ Phú Lương thực sự trở thành một vùng phồn thịnh. Người dân làng Đuổm đời nọ nối đời kia thay mặt cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương thường trực phụng thờ Đền.
Sở dĩ lệ Đền được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng là bởi tương truyền rằng đây là ngày sinh của ông. Vào ngày này, cả làng đều dậy sớm, nhanh tay làm cỗ để rước ra lễ Đền. Ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn đều có đền thờ Dương Tự Minh, nhưng cổ kính và linh thiêng nhất là ngôi đền ở núi Đuổm của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Các cụ già trong vùng cho biết, Đền được dựng từ năm 1180 bao gồm 3 phần, phía dưới là Phủ Bà, nơi thờ hai phu nhân của ông, đền trung thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh, phía trên cùng của núi Đuổm là nơi thờ Mẫu, mẹ ông.

Cảnh nghi lễ – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Thái Nguyên
Hội Đuổm năm nay dường như đông hơn, vui hơn, bởi tiết trời khô ráo, nắng ấm xuất hiện ngay từ sáng sớm, các bà, các chị xúng xính trong những bộ quần áo dân tộc nhiều mầu sắc khiến cho không khí xuân càng thêm náo nức. Hội được tổ chức thành hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ do người dân trong huyện đảm nhiệm.
Đúng 7 giờ 30 phút sáng, đoàn dâng lễ khăn áo chỉnh tề đội cỗ, hương, hoa… dâng từ thủy Đền lên đến Đền chính. Cỗ dâng có 2 loại là cỗ chay và cỗ mặn. Cỗ chay là các loại bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ… và cỗ mặn gồm lợn quay, xôi tía… bày biện đẹp mắt. Đi đầu đoàn dâng lễ là các vị quan viên mặc áo thụng cầm cờ, đi sau là trống, chiêng, kèn, sáo, nhị…


Ngoài những nghi lễ và trò chơi dân gian, hội Đuổm năm nay còn có thêm các gian trưng bày sản vật của 16 xã, thị trấn trong huyện như: bánh chưng, gạo nếp, gạo tẻ, chè, nấm, mật ong… rất nhiều người dân và du khách thập phương đã đến tham quan và mua sắm tại các gian hàng. Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Ngay từ trước Tết Nguyên Đán, Ban tổ chức đã phân công cho các ngành chức năng lên kế hoạch tổ chức lễ hội với phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”, ngoài ra Ban tổ chức cũng yêu cầu các chủ cơ sở có quầy kinh doanh tại lễ hội ký cam kết về chất lượng sản phẩm, giá cả dịch vụ theo đúng quy định”.

Leave a Reply
View Comments