Năm nay kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 rất được mong đợi vì kết hợp với ngày giỗ Tổ 10/3 Âm lịch làm thành một kỳ nghỉ dài 6 ngày. Thật hiếm hoi có được một kỳ nghỉ dài như thế mà không phải là ngày Tết cổ truyền. Thế nên mọi người đều nô nức lên kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng dài hơi cho dịp này. Sau đây Kinhnghiemditour sẽ tặng các bạn một lịch trình gợi ý cho những điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung: Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn.
Đà Nẵng – Quảng Nam là điểm đến tuyệt vời cho kỳ nghỉ dài ngày sắp tới – Ảnh: Sưu tầm
Mời bạn xem Lễ 30-4 phượt dọc miền đất biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam – Kỳ 1
NGÀY 2: CÙ LAO CHÀM – HỘI AN
1. Cù Lao Chàm đẹp hoang sơ
Sở dĩ chọn đi Cù Lao Chàm trước vì đến đảo Cù Lao Chàm chỉ có thể đi bằng thuyền hoặc cano cao tốc. Cả hai loại phương tiện này đều xuất phát từ buổi sáng và trở về vào buổi trưa. Vào dịp lễ 30/4 và 1/ 5 thì bạn nên đặt vé trước vì cháy vé là hiện tượng thường thấy đối với khách muốn đi du lịch Cù Lao Chàm vào những ngày lễ lớn trong năm.
Tàu đi Cù Lao Chàm không có nhiều lựa chọn – Ảnh: Sưu tầm
Là một cụm đảo nhỏ cách Hội An chừng 15km, Cù Lao Chàm có hệ động thực vật hết sức phong phú, đặc biệt nổi tiếng với đặc sản yến sào. Cù Lao Chàm được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh đẹp, các bãi tắm phẳng mịn, làn nước trong xanh. Đặc biệt, Cù Lao Chàm có bãi san hô đẹp và quý hiếm đối với trong nước lẫn khu vực.
Cá và san hô ở Cù Lao Chàm – Ảnh: Amk3
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hội An
Sang đến Cù Lao Chàm, nếu bạn quá mê mẩn với cảnh sắc nơi đây thì không nhất thiết trở về ngay trên chuyến tàu buổi trưa mà có thể ở lại một đêm trên đảo. Cù Lao Chàm chưa có các dịch vụ lưu trú, bạn có thể xin ở homestay. Vào dịp lễ 30/4 và 1/ 5 thì chắc chắn sẽ có đông khách du lịch, bạn nên liên hệ với các nhà tour của Hội An để đặt chỗ homestay trước để chủ động hơn.
2. Những điểm tham quan nổi tiếng của Hội An
Sau khi trở về từ Cù Lao Chàm thì bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá Hội An của mình. Trong phạm vi diện tích không lớn, những điểm tham quan nằm khiêm tốn trong nội thành, nhưng Hội An vẫn đủ làm mê đắm lòng du khách thập phương. Những điểm tham quan nổi tiếng của Hội An phải kể đến:
Chùa Cầu
Sở dĩ có cái tên chùa Cầu vì đó là ngôi chùa nằm trên một cây cầu bắc qua con lạch nhỏ giữa phố cổ Hội An. Cây cầu này được người Nhật xây vào thế kỷ thứ 17, nên nhiều người dân địa phương còn gọi là chùa Nhật Bản.
Chùa Cầu là niềm kiêu hãnh của người dân Hội An – Ảnh: sưu tầm
Được che chắn bởi mái ngói âm dương huyền bí, mặt chính của chùa Cầu hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng, chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ những hoạ tiết rất công phu, tinh xảo, hài hoà giữa kiến trúc Việt, Hoa và Nhật. Với kiến trúc độc đáo như vậy, chùa Cầu được nhiều cặp đôi, tất nhiên không phải vào dịp lễ 30/4 và 1/ 5 này, chọn làm nơi chụp ảnh cưới, ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người.
Nhiều cặp đôi chọn Chùa Cầu làm địa điểm chụp ảnh cưới – Ảnh: minhchaupham
Các Hội Quán
Người Hoa có mặt ở Hội An từ rất sớm và đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc có giá trị như nhà ở, đền đài và đặc biệt là các hội quán. Trong phố cổ vẫn còn rất nhiều Hội quán nổi tiếng như Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông, Hội quán Triều Châu, chủ yếu được xây dựng để thờ phượng thần thánh hoặc các vị quan tướng có công trạng.
Hội quán Phúc Kiến – Ảnh: wikimedia
Ngày nay, vào các dịp lễ hay rằm các Hội quán này thường có các lễ hội được tổ chức linh đình thu hút đông đảo người dân và khách tham quan đến dự. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/ 5 này đi cùng với ngày giổ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, nếu may mắn bạn cũng có thể được tham dự một trong các lễ hội ấy.
Hội quán Quảng Đông – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Nam
Nhà cổ Tấn Ký
Đây là ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 200 năm, toạ lạc trên con đường Nguyễn Thái Học của phố cổ Hội An. Ngôi nhà có kiến trúc hình ống đặc trưng như hầu hết các ngôi nhà cổ khác ở Hội An, rất thông thoáng ở mặt tiền và mặt hậu nhờ có giếng trời. Mặt tiền là để làm cửa hiệu buôn bán, còn mặt hậu mở ra sông, tiện cho việc nhập hàng hoá, nguyên vật liệu về bán.
Nhà cổ Tấn Ký – Ảnh:yatlat
Hầu hết nội thất trong nhà đều làm bằng gỗ quý, được chạm trổ khá tinh xảo, thể hiện sự vương giả của gia đình trong thời đại cũ. Tấn Ký vẫn được nhiều người xem là ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn nhất, có kiến trúc đẹp nhất của Việt Nam.
Nội thất bằng gỗ quý giá – Ảnh: songkhoetoday
Nhà thờ tộc Trần
Sau khi tham quan các điểm nêu trên, và cũng không quá mệt mỏi vì phải chen lấn trong dòng người đông đúc đi du lịch ngày lễ 30/4 và 1/ 5 thì bạn có thể tiếp tục đến tham quan nhà thờ tộc Trần.
Nhà thờ tộc Trần – Ảnh: sưu tầm
Không khác những ngôi nhà cổ khác ở Hội An là mấy, nhà thờ tộc Trần cũng được lợp mái ngói âm dương, hệ thống rường kèo là sự pha trộn giữa kiến trúc Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhà thờ là nơi để các thành viên trong gia tộc tụ tập, thờ cúng tổ tiên, thắt chặt tình thân dòng họ.
Sắc màu lung linh của lồng đèn Hội An
Hội An về đêm là một bức tranh cực lung linh và huyền ảo. Những con phố cổ im lìm được chiếu sáng bởi những ngọn nến thắp trong đèn lồng kiểu Trung Hoa, đèn hình quả nhót, quả bí bằng tre phủ những vuông lụa tơ tằm đủ sắc màu treo ở đầu hiên mỗi nhà.
Hội An nổi tiếng nhất với lồng đèn – Ảnh: Sưu tầm
Chính điều này khiến cho Hội An trở thành một điểm đến hoàn toàn khác biệt với những nơi khác, thu hút rất đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng lễ hội ánh sáng này.
Hội An về đêm rực rỡ đèn hoa – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Quảng Nam giá rẻ
Mời bạn xem Lễ 30-4 phượt dọc miền đất biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam – Kỳ 3
Quảng Nam là vùng đất đẹp, con người ôn hoà, văn hoá độc đáo. Đợt 30/4 và 1/ 5 được nghỉ dài ngày nên thời gian thong thả. Nếu có thể bạn nên ghé những điểm đến khác ở Quảng Nam như Tam Kỳ, Đông Giang, Tây Giang để khám phá hết các vẻ đẹp đất và người nơi đây.
Daisy – Kinhnghiemditour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour..
Leave a Reply
View Comments