Làng nghề Bắc Giang – Hợp tác xã mây tre đan Tăng Tiến

Trải qua hơn 300 năm với những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian trôi đi dường như cái làng nghề ấy cũng đã bị lãng quên dần theo thời gian và nhịp đập của xã hội. Nhưng những người con yêu thương làng nghề, coi làng nghề hơn cả những vật chất xa hoa kia nên họ vẫn giữ được nét đẹp của làng nghề ấy.
 
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, xã Tăng Tiến, Việt Yên (Bắc Giang) là nơi có nghề đan lát truyền thống nổi tiếng từ rất lâu đời. Làng có lịch sử hình thành nghề đến nay đã hơn 300 năm, khoảng vào thời nhà Hậu Lê và ngày một phát triển lớn mạnh.
 
làng mây tre đan Tăng Tiến

Mây tre đan là nghề có truyền thống lâu đời tại Tăng Tiến

 
Làng mây tre đan Tăng Tiến nằm kề bên Quốc lộ 1A. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, hơn 300 năm nay, người dân nơi đây vẫn một lòng gắn bó, chung thủy với nghề. Vốn là một xã thuần nông, trước đây, người dân Tăng Tiến chủ yếu gắn bó với đồng ruộng. Khi đó, nghề mây tre đan vẫn chỉ được coi là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn để kiếm đồng ra đồng vào. Gia đình nào cũng duy trì nghề đan lát mà cha ông để lại nhưng đơn giản chỉ là vài ba chiếc rổ, chiếc rá hay mấy cái quạt nan… mang đi bán trong mỗi phiên chợ.

Mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng nằm kề bên Quốc lộ 1A, cách Tp Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất Việt Yên văn hiến của Bắc Giang, không chỉ có ngôi danh lam cổ tự Bổ Đà là trung tâm phật giáo lớn đất Bắc Giang mà còn là nơi khai sinh ra nghề đan lát truyền thống. Từ bao đời nay, người dân Tăng Tiến vẫn say mê với nghề đan lát. Đến với Tăng Tiến, thấy nhà nhà, ai ai cũng làm nghề, ai ai cũng tay mành, tay nan lướt nhanh tạo ra những chiếc rá, chiếc rổ, chiếc mành… mới thấy hết được nghệ thuật đan lát, bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Làng Tăng Tiến
Bàn tay khéo léo của những người dân làng Tăng Tiến
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Bắc Giang

Đã từ lâu làng quê yên bình là điểm đến của nhiều thương lái cùng những du khách nước ngoài có sự quan tâm, yêu thích cây tre, cây mây cùng những sản phẩm làm ra từ mây tre, hình ảnh biểu trưng của người Việt. Chính vì thế mà sản phẩm mây tre đan nơi đây không ngừng vươn xa ra khắp các Châu như Á, Âu, Mỹ và châu Phi. Không chỉ có nghề truyền thống lâu đời, mặt hàng đẹp mà mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm ngày càng đa dạng đã chắp cánh cho mây tre đến được tay những người yêu thích sản phẩm mây tre.

 
làng mây tre đan Tăng Tiến
Mẫu mã sản phẩm mây tre đan ngày càng đa dạng
 
Người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi nghề mây tre đan Tăng Tiến từ vị trí là một nghề phụ lên nghề chính là anh Đinh Văn Tỉnh, hiện là chủ nhiệm HTX mây tre đan Tăng Tiến. Là người tâm huyết với nghề, nhận thấy bà con trong xã quanh năm vất vả, có nghề truyền thống nhưng thu nhập lại chẳng đáng bao nhiêu, trong khi nhiều địa phương khác như: Hà Nội (Hà Tây cũ), Nam Định, Hà Nam… cũng làm nghề mây tre đan nhưng lại rất phát triển. Biết bao đêm băn khoăn, trằn trọc để tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống của quê hương, Tỉnh đã đến một số tỉnh, như: Hà Nội, Nam Định. Thanh Hóa, Hưng Yên… để tìm hiểu thực tế các làng nghề. Qua quá trình tìm tòi và học hỏi, Tỉnh nhận thấy làng nghề của quê hương mình rất có tiềm năng. Vì thế, ngay khi học được nghề dệt tăm lụa, Tỉnh đã hạ quyết tâm mang nghề dệt tăm lụa về xã để phát triển nghề đan lát truyền thống.

sản phẩm mây tre đan
Sản phẩm mây tre rất hấp dẫn du khách nước ngoài
 

Một nghệ nhân tiêu biểu của làng là anh Tỉnh, anh đặc biệt say mê với nghề đan mây tre của Phúc Tằng và không ngừng học hỏi thêm, đưa ra ngày càng nhiều những sản phẩm đa dạng. Anh lưu giữ những bí quyết mà không ai có được, gia truyền qua từng thế hệ là nhuộm mành, nan tre để tạo ra nhiều màu đồng thời bảo quản cho nan không bị mối mọt, giữ sản phẩm được lâu hơn, bền đẹp cùng thời gian. Anh thành lập Hợp tác xã sản xuất mây tre cùng những sản phẩm mây tre như: mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, mành tre cửa… xuất khẩu ra nước ngoài mành tăm cùng các sản phẩm từ mành tăm. Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng vì ngoài nan, anh làm thêm mành tăm, sản phẩm từ mành tăm xuất khẩu.

Để làm nên một sản phẩm đối với người thợ đó là một nghệ thuật, sản phẩm mây tre Tăng Tiến càng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn của người thợ mới tạo nên được. Những cây tre đem về phải mang cắt thành những đoạn nhỏ rồi đến tay người thợ. Họ mang chẻ ra thành những chiếc nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40 cm, đặc biệt khó khi họ chẻ thủ công bằng tay. Thế nhưng, họ chẻ rất nhanh, điêu luyện và những chiếc tăm đều tăm tắp. Sau đó, từng bó tăm được đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm tăm, chỉ có anh Tỉnh, nghệ nhân duy nhất nhuộm được với những bí quyết gia truyền, “không ai có thể làm thay” để tạo màu, độ bền cho mành tăm, chống mối mọt, đặc trưng của Tăng Tiến. Để tạo ra những sản phẩm bền đẹp, người thợ đem dệt từng chiếc tăm nhỏ thành mành, với những màu chỉ khác nhau kết hợp với màu của tăm mà tạo nên những sản phẩm đa màu sắc, mẫu mã, vừa đẹp mà vừa bền.

Một làng nghề nổi tiếng, có lịch sử lâu đời nay hương nghề đã bay xa, sản phẩm có mặt gần như khắp thế giới, tương lai sẽ thu hút được nhiều du khách yêu mến và muốn khám phá đến với đất Bắc Giang.

 
mây tre đan Tăng TiếnLàng nghề Tăng Tiến đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn
 
 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bắc Giang

 

Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến giờ đây đã có tiếng trên thị trường trong nước và các nước trên thế giới. Rá tre và mành rèm chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu… Dù đó đều là thị trường khó tính nhưng đã được người tiêu dùng chấp nhận và yêu thích. Với thu nhập bình quân của các cơ sở từ 400.000 -500.000 USD/năm, đây là nguồn đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển nông thôn.
 
Cây tre và các sản phẩm làm bằng tre từ lâu đã ăn sâu vào đời sống của người dân Việt. Hầu hết các tỉnh trong cả nước đều có nguồn cung cấp mây, tre hết sức dồi dào. Nghề mây tre đan Tăng Tiến đang trở thành gương điển hình cho các làng quê Việt nói chung và các làng nghề khác nói riêng cùng tham khảo, học tập. Trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp thì mô hình làng nghề truyền thống ở xã Tăng Tiến đang thực sự mở ra hướng phát triển bền vững cho kinh tế nông thôn.
 
 
Sưu tầm

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.