Chợt nghe đâu đó trên khắp những con đường, hương Tết đã đủng đỉnh ghé thăm. Những ngày ấy trong tâm khảm của mỗi người có bản nhạc xuân tươi vui, rộn rã, có mâm cơm đoàn viên ấm cúng sau những cách xa, có chiếc bánh chưng xanh, có câu đối đỏ. Dường như, cứ nhắc đến Tết là bao cảm xúc lại đong đầy, là nghe vẩn vương những mùi hương thật thân quen, thấy phảng phất những sắc màu mang cái hồn dân tộc. Ấy thế nhưng không phải nơi đâu, Tết cũng giống nhau. Dạo một vòng từ Bắc – Trung – Nam mới thấy được phong tục tập quán của từng miền mang những sắc màu riêng biệt. Nào, bạn hãy cùng tôi chu du dọc theo đất nước để khám phá trọn vẹn phong vị Tết đặc trưng của mỗi vùng miền.
Nhắc đến Tết là nhớ ngay đến những sắc hương mang cái hồn dân tộc – Ảnh: Sưu tầm
Nhưng ở mỗi miền là một phong vị rất riêng – Ảnh: Sưu tầm
SẮC HOA XUÂN TRÊN KHẮP BA MIỀN
Ghé miền Bắc những ngày giáp Tết, nghe trong không khí hơi lạnh của ngày đông còn vương vấn, để rồi đôi khi chợt thấy những cơn mưa lất phất như bụi ảo sương mờ. Những lúc ấy, đào lại khoe sắc thắm khắp một vùng trời. Nhành đào hồng tươi trải dài trên những con phố thân quen, sắc hoa nhẹ nhàng theo bước chân người người về ngôi nhà nhỏ. Vậy nên, cứ mỗi khi Tết đến xuân về, người ta lại rủ nhau xuống phố, hòa vào một trời hoa mênh mang, chọn cho mình một nhành đào thật đẹp, đón mùa xuân rộn rã, tươi vui.
Miền Bắc những ngày tết, hoa đào khoe sắc thắm một vùng trời – Ảnh: lucy_nguyen1912
Theo bước chân người về ngôi nhà nhỏ – Ảnh: m.i.a.ngo
Cùng mọi người đón mùa xuân rộn rã, tươi vui – Ảnh: trieuman2012
Nhưng khi đặt chân tới mảnh đất miền Trung và Nam những ngày này, ta lại lạc trong sắc mai rực rỡ. Loài hoa mang sắc màu của nắng, loài hoa báo Tết đang đến thật gần. Vào ngày Tết, nhà nào cũng có một cây mai, để trong bức tranh xuân chốn phương Nam ấy bỗng điểm xuyết một sắc vàng tươi khiến cả không gian bỗng sáng bừng lên một cách diệu kỳ.
Những nhành mai rực rỡ là sắc màu Tết ở miền Trung – Nam – Ảnh: flatroomstudio
Mỗi khi Tết đến, nhà nào cũng phải có một cây mai – Ảnh: denny.tran
Điểm xuyết cho không gian bừng sáng lạ kỳ – Ảnh: rubyyennguyen
Không chỉ có đào, có mai, mùa xuân về còn mang theo bao sắc hoa rực rỡ. Kìa sắc ly nhẹ nhàng nhưng hương thơm ngát, kìa nhành hướng dương mang bao ước nguyện tới mặt trời, rồi hoa cẩm chướng, lay ơn, cúc, đồng tiền…. mỗi hoa một vẻ vẻ tô điểm cho bức tranh xuân thêm sắc thêm hương.
Mùa xuân về còn mang theo bao sắc hoa rực rỡ – Ảnh: xle0nx
Tô điểm cho bức tranh xuân thêm sắc thêm hương – Ảnh: cecilianinh
NÉT ẨM THỰC ĐẶC TRƯNG Ở BA MIỀN
Đi khắp ba miền đất nước trong ngày Tết cổ truyền, ta lại được cảm nhận những phong vị rất riêng trong ẩm thực.Người miền Bắc chú trọng mâm cỗ Tết, bất cứ khi nào cũng phải đủ đầy bánh chưng xanh, đĩa dưa hành, thịt đông, canh măng, giò, thịt gà. Trong mâm cơm của họ luôn có 4 bát 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn phương bốn mùa và mâm ngũ quả luôn có 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành. Tất cả đều được bày biện tinh tươm và đẹp đẽ như cầu mong một năm mới đủ đầy, thịnh vượng.
Người miền Bắc rất chú trọng mâm cỗ tết – Ảnh: Sưu tầm
Mọi thứ đều được bày biên cầu kỳ, cầu mong một năm mới đủ đầy, thịnh vượng – Ảnh: Sưu tầm
Ẩm thực ngày tết của người miền Trung đa dạng và phong phú hơn. Bạn có thể bắt gặp bánh tét ăn kèm dưa món chua, các món cuốn, xào, gà, giò, miến nấu…. Ngày tết miền Trung cũng không thể thiếu bánh in, bánh tổ, bánh lá răng dừa… Tuy không quá cầu kỳ nhưng luôn đủ đầy mặn ngọt như chính cuộc sống của người dân nơi đây vậy.
Mâm cỗ tết miền Trung đủ đầy mặn ngọt – Ảnh: Sưu tầm
Xuôi về phương Nam ngày Tết, mâm cỗ đầu năm không thể thiếu món bánh tét dẻo thơm, rồi củ kiệu, tôm khô, thịt kho tàu, canh khổ qua như quan niệm ăn cho qua hết khổ, để nguyện cầu ấm no, hạnh phúc.
Mâm cơm tết miền Nam phóng khoáng và trù phú như chính mảnh đất này – Ảnh: Sưu tầm
NHỮNG PHONG TỤC TẾT RIÊNG Ở BA MIỀN
Những ngày giáp tết, ai ai cũng rộn ràng chuẩn bị, nào mua sắm, rồi quét dọn, tân trang nhà cửa, chỉ mong mọi thứ được trọn vẹn, tinh tươm nhất đón chào một năm mới đầy hạnh phúc ghé qua.
Hòa trong không khí chung đầy háo hức và vui tươi ấy, ở mỗi vùng miền ta lại bắt gặp những phong tục đón tết riêng không thể lẫn.
Mỗi vùng miền có một phong tục đón tết rất riêng – Ảnh: Sưu tầm
Với người miền Bắc, dù đi đâu về đâu, họ cũng đều có mặt ở nhà trước giao thừa. Giao thừa là khoảng thời gian mà mọi người quây quần bên nhau đón chờ thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, cùng chuyện trò về những câu chuyện trong năm và chúc nhau những điều tốt đẹp. Những ngày tết là khoảng thời gian gia đình đoàn viên, mọi người cùng nhau hàn huyên, nói chuyện, nhâm nhi chút mứt thơm lừng cùng ly trà nóng ấm để cảm nhận những hạnh phúc giản đơn, đón chào một năm mới đầy niềm an lành, vui vẻ.
Miền Bắc thích không khí quây quần bên nhau những ngày năm mới – Ảnh: Sưu tầm
Với người miền Trung, tết là khoảng thời gian những người con xa xứ trở về, để tận hưởng khoảnh khắc thảnh thơi, cùng quây quần bên những người thân yêu, chia sẻ những niềm vui và hạnh phúc. Vậy nên, trong ngày đầu tiên năm mới, người miền Trung thường rủ nhau đến thăm và chúc tết họ hàng, để sang mồng 2 và mồng 3 là đón chào những người láng giềng ghé thăm chúc tết nhà mình.
Ở miền Trung, tết là khoảng thời gian những người con xa xứ trở về – Ảnh: Sưu tầm
Đối với người miền Nam, họ không quá câu nệ trong lễ nghi đón tết. Bên cạnh việc sum họp, đoàn viên, người miền Nam thường thích đi chơi, đến nhà bạn bè chúc tết, cùng nhau trò chuyện, sẻ chia. Những ngày tết ở miền Nam rộn ràng và đông vui lắm, họ tổ chức rất nhiều trò chơi như đua ghe, lô tô, xóc đĩa, đá gà…. để tận hưởng những phút giây vui vẻ.
Ở miền Nam, mọi người lại thích đi chơi, đến nhà bạn bè chúc tết – Ảnh: Sưu tầm
Mỗi miền một vẻ – Ảnh: Sưu tầm
Nhưng đều mang cái hồn chung dân tộc đong đầy – Ảnh: Sưu tầm
Mỗi miền có một phong vị tết rất riêng, nhưng dù đi đâu về đâu đi nữa ta vẫn cảm nhận được cái hồn chung dân tộc đong đầy. Tết là khoảng thời gian cho yêu thương, sum họp, tết là lúc hạnh phúc chứa chan, cùng ngồi bên nhau sẻ chia khoảnh khắc đón chào một năm mới tươi sáng và rực rỡ hơn.
Dandelion – Kinhnghiemditour.vn
Leave a Reply
View Comments