Khu mộ cổ Phú Yên

Tại một ngọn đồi trên dãy núi A Mang đã từ lâu có một khu nghĩa địa cổ lớn nhất ở Phú Yên, ước chừng đã tồn tại khoảng 300 năm. 

 

Những bí ẩn về khu nghĩa địa này chưa có lời giải thích nào từ các nhà khảo cổ, dân sống quanh vùng thường gọi là khu mộ Hời, hàm ý nói đây là khu mộ của người Chăm. Ngọn đồi chi chít các loài cây dại mọc thấp. Từ lưng chừng đồi, lác đác những ngôi mộ và càng lên cao, mộ càng dày đặc. Số mộ cả ngọn đồi khoảng 500. Từng ngôi mộ được xây phủ kín bằng đá, kết dính bởi thứ vữa như vôi xây (thuật ngữ chuyên ngành khảo cổ gọi là mộ hợp chất). Những ngôi mộ được tuân thủ một cách nghiêm ngặt khi đều hướng mặt về phía Đông hoặc Đông Nam.

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Phú Yên

 

Về hình dáng, cũng gói gọn trong bốn kiểu: Hình mu rùa, hình mái nhà, hình yên ngựa (dân địa phương gọi là kiều ngựa), hình búp hoa sen. Có thể thấy, kiểu dáng “yên ngựa” khá phổ biến và mặt trước của các mộ được trang trí nhiều dạng hoa văn. Một số mộ được xây có tường bao và bình phong phía trước. Kiểu dáng mái nhà tuy không phổ biến, nhưng được trang trí khá công phu bằng hoa văn. Tuyệt nhiên, không hề có ngôi mộ nào lưu lại tên người mất bằng việc ghi hoặc khắc chữ.

Sát dưới chân đồi, hiện có bốn gia đình sinh sống. Ông Võ Thanh Tùng cũng là người trong xã, chuyển đến đây ở đã hơn 13 năm, cho biết: từ ngày ông biết chuyện đời đến bây giờ, không thấy người đến viếng hoặc tảo mộ. Trong xã, cũng không ai cho đấy là mộ của tổ tiên mình. Ông nhớ, những năm 1982 – 1983, có lời đồn rằng dưới các ngôi mộ còn chôn cả vàng, nên rộ lên tình trạng đào trộm mộ. Sau đó, có lẽ không phải vậy, nên các ngôi mộ này được bình yên đến giờ… Điều lạ nữa là kể cả các xã quanh vùng, vốn là những khu dân cư có mặt từ rất lâu đời, tất cả cũng cho đó là khu mộ của người Chăm xưa kia, là những lớp cư dân đầu tiên tại đây.

 

Khu mộ cổ Phú Yên

 Xem thêm: Khách sạn ở Phú Yên

 

Vùng đất này nằm trong hạ lưu sông Cái – một trong ba con sông lớn nhất ở Phú Yên. Theo các tài liệu lịch sử, kết quả khảo cổ và nghiên cứu, dưới thời phong kiến, đã có hai thành cổ được xây dựng trong khu vực này, khi trước đây Tuy An là thủ phủ của Phú Yên, gồm thành Hội Phú, thuộc xã An Ninh Đông ngày nay, được xây dựng năm 1629 và thành An Thổ (1820 – 1840) thuộc xã An Dân. Hai thành này cách nhau không xa và đều nằm trong chu vi chưa đầy 10km cùng với khu mộ cổ. Có ý kiến cho rằng, có thể đây là khu mộ dành các quan lại hoặc những gia đình dân khá giả sống trong thành, vì sự chắc chắn và bề thế của phần lớn ngôi mộ. Một số kết quả khảo cổ lâu nay tại vùng hạ lưu sông Cái cho thấy đây còn là cửa ngõ về kinh tế và hình thành nhiều khu dân cư sầm uất, với lợi thế giao lưu, buôn bán và sản xuất. Theo đó, không ít người Hoa đã tìm đến và an cư lạc nghiệp tại đây.

 

Giả thuyết của một số nhà nghiên cứu lịch sử Phú Yên, đây có thể là hình thức xây mộ của người Hoa khi họ qua đời ?  Biện pháp tốt nhất là phải tiến hành khai quật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc để có thể tổ chức việc này: như thiếu kỹ thuật, ảnh hưởng vấn đề tâm linh, thủ tục hành chính, môi trường… Có thể khẳng định, đây là một di tích vật chất khá quan trọng ở Phú Yên, có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử, văn hoá, dân tộc học… không chỉ về vùng đất Phú Yên, mà có thể tìm hiểu lối kiến trúc mộ táng khá đặc biệt này khi mà chúng có mặt rải rác tại nhiều tỉnh khu vực miền Trung. Trong khi những nghiên cứu án binh bất động, thì khu mộ cổ vẫn im lặng mang theo những bí ẩn cùng thời gian.

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.