Một thoáng Việt Nam không chỉ được xem là vùng đất hội tụ những tinh hoa văn hóa, những nét đẹp thuần Việt mà còn là một kho tàng hiện vật cổ, tái hiện những di tích lịch sử ấn tượng.
Rời chiến trường, bà Trần Thị Tuyết Nga ấp ủ kế hoạch lưu lại lịch sử hào khí của đất nước, và những giá trị đặc sắc để quản bá hình ảnh Việt Nam cho bạn bè thế giới.
Khu vực cổng chào của “Một Thoáng Việt Nam” – Ảnh: Sưu tầm
Từ một đầm lầy chi chít hố bom do chiến tranh để lại, sau 20 năm bồi đắp cải tạo, vùng đất thép Củ Chi giờ trở thành vùng đất màu mỡ, hội tụ đủ các loại cây trồng và làng nghề truyền thống. Để hoàn thiện khu Làng nghề Một Thoáng Việt Nam, bà Nga và những người cộng sự đã phải “trực chiến” và từng “sống chết” tại công trình.
Nét thôn quê được tái hiện lại rất rõ thông qua các mô hình tại đây – Ảnh: Sưu tầm
“Một Thoáng Việt Nam” được khởi công từ năm 1991, theo ý tưởng về một khu bảo tồn làng nghề và văn hóa Việt, giới thiệu lịch sử và hoạt động của gần 20 nghề phân bố theo các vùng miền đất nước. Với số tiền đầu tư hơn 20 triệu USD (gần 400 tỉ đồng), bà Nga và những người trong ê-kíp phải cầm cố nhà cửa, tài sản hoặc đi vay mượn…
Hoa sen – loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của Việt Nam – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh
Bà Trần Thị Tuyết Nga, người khởi xướng ý tưởng phát triển khu du lịch tâm sự: “Để có hình hài của Một thoáng Việt Nam, những người trong ê-kíp đã có một khoảng thời gian khá dài với cuộc sống trầy trật. Có tiền đến đâu chúng tôi làm đến đó, một thời gian không còn gạo để nấu cơm cho công nhân, khi đó nhiều người dân xung quanh mang gạo, nước mắm đến ủng hộ. Dù khó khăn nhưng mọi người quyết không bỏ cuộc. Rất may, nhiều người cũng có tâm huyết nên tình nguyện làm không lương trong suốt gần 5 năm, một số thợ xây chấp nhận hợp tác và vài tháng đến một năm lãnh lương một lần. Khi đó, chúng tôi tuyển được một đội ngũ thợ làm mỹ nghệ và tất cả lợi nhuận từ việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đều đổ hết vào công trình”.
Ấn tượng Việt Nam thu nhỏ – Ảnh: Sưu tầm
Với rất nhiều “kỷ lục” trong quá trình hình thành, những ai từng biết về dự án đều cảm nhận được tấm lòng nhiệt huyết, tình yêu văn hóa Việt Nam của những người sáng lập. Chị Nguyễn Thị Thanh Trà, người phụ trách quản lý nhân sự cho biết thêm: Nhiều người không chịu được cuộc sống kham khổ nên bỏ về, nhưng một số khác thì khá nhiệt huyết, họ tình nguyện về đây làm và quyết tâm bám trụ đến cùng.
Những hình ảnh mộc mạc, bình dị cùng với cái tên “Một Thoáng Việt Nam” như muốn mọi người nhớ đến những gì tinh túy nhất.- Ảnh: Sưu tầm
“Một Thoáng Việt Nam” thuộc ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, Làng nghề được chia thành 5 khu chính: Khu không gian đất nước; Khu ca múa và đờn ca tài tử; Khu nhà 3 miền; Khu các làng nghề truyền thống; Khu nhà hàng và ẩm thực ven sông. Lấy ý tưởng từ bọc Âu Cơ trăm trứng, kết hợp sự tích Mai An Tiêm – bánh chưng bánh giầy, để tạo nên cổng chào hình quả trứng khá ấn tượng trong lòng du khách. “Một Thoáng Việt Nam” đã tái hiện sinh động quê hương Việt Nam một cách sâu sắc và rõ nét.
Cổng chào hình quả trứng lấy ý tưởng từ bọc Âu Cơ trăm trứng, kết hợp sự tích Mai An Tiêm – bánh chưng bánh giầy – Ảnh: Sưu tầm
Với tổng diện tích hơn 22,5 ha, nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn, “Một Thoáng Việt Nam” gồm quần thể làng nghề thủ công truyền thống với 30 hạng mục: Đền thờ đất nước, sa bàn nước Việt Nam, lầu vọng, ba khu nhà Bắc – Trung – Nam, cùng với khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái…
Giàn bầu đơm hoa kết trái – Ảnh: Sưu tầm
Bên cạnh đó, để đi sâu hơn về đời sống vật chất cũng như tinh thần người Việt, “Một Thoáng Việt Nam” còn có các khu không gian như khu nhà Ba gian (đặc trưng vùng nông thôn), nhà Rông (biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc Tây Nguyên), nhà rường Huế, nhà mái lá Bình Định, hình ảnh bản đồ Việt Nam nằm trên nền trống đồng Đông Sơn, một không gian Xã Tắc được xây dựng bằng Đất và Nước thiêng từ 64 tỉnh thành của Tổ quốc, từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau tạo nên hình ảnh một đất nước Việt thân quen, gần gũi…
Nhà Rông Tây Nguyên – Ảnh: Sưu tầm
Cùng với hình ảnh lũy tre làng, bát nước chè xanh, giọng hát Quan họ hội Lim ngọt ngào hay cải lương, đờn ca tài tử… giúp cho mọi người có thể cảm nhận những tinh hoa của đất nước Việt ở mọi giác quan.
Khách du lịch thích thú với điệu múa sạp – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh
Những người thợ thủ công, nghệ nhân của một số nghề truyền thống tiêu biểu như đan lát mây tre, dệt tơ lụa và thổ cẩm, gốm sứ, chằm nón, thêu ren, làm giấy dó, in khắc tranh, điêu khắc đá, điêu khắc mộc, canh tác lúa nước… dù đến từ những vùng miền khác nhau, nhưng họ điều có chung “tâm huyết” là lưu giữ những nét đặc trưng của nghề thuyền thống mà mình may mắn được sở hữu. Họ cùng nhau sản xuất, đoàn kết như một đại gia đình. Du khách đến thăm “Một Thoáng Việt Nam” sẽ được tận mắt nhìn thấy những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân tạo ra sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc.
Cô gái đang dệt thổ cẩm – Ảnh: Sưu tầm
Các nghệ nhân đang dệt chiếu – Ảnh: Sưu tầm
Bà Trần Thị Tuyết Nga – Ảnh: Sưu tầm
Không có những điểm vui chơi giải trí hiện đại, không náo nhiệt, sầm uất, “Một thoáng Việt Nam” như một làng quê yên tĩnh, bình dị, mộc mạc, gợi nên lịch sử hào hùng, những hình ảnh thân quen… Hình ảnh đại gia đình các dân tộc Việt Nam được thiết kế theo kiểu hình xoắn ốc, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần che chở cho nhau sẽ là động lực giúp đất nước không ngừng lớn mạnh.
Với tên gọi “Một thoáng Việt Nam”, những người sáng lập khu du lịch hy vọng khi rời khỏi nơi đây, trong trí nhớ mỗi người sẽ là những bức phác thảo rõ nét nhất một Việt Nam thu nhỏ gần gũi và đẹp đẽ. Điều này không chỉ góp phần khôi phục những làng nghề truyền thống đã và đang bị mai một theo thời gian mà còn giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn.
Leave a Reply
View Comments