Hợp tác xã mây tre Tăng Tiến

Nhìn từ xa, Tăng Tiến nằm ẩn hiện dưới những lũy tre, thấp thoáng trong màu xanh của những cánh đồng lúa ngát hương trải dài trong nắng. Những con đường làng mang dáng dấp cổ xưa đã đưa du khách đến những những ngôi nhà mái ngói nhuốm màu rêu phong, đến với những người thợ đan lát nổi danh bên kia dòng sông Cầu thơ mộng.
Ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, quả thật giang nứa rất thân thuộc đối với cuộc sống đời thường của người dân quê. Chẳng có gì lại dẻo và mềm như lạt giang, chẳng có gì thân thuộc đối với người dân quê hơn những chiếc rá, rổ, dần, sàng… Nhưng chẻ sợi giang, sợi lạt như thế nào để đan được những sản phẩm trên đẹp, lại là cả một nghệ thuật mà không có một nơi nào có thể sánh được với Tăng Tiến, một xã thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Không như các làng nghề khác, nét đặc trưng của Tăng Tiến chính là sự tập trung hoàn thiện không ngừng các sản phẩm truyền thống của quê hương như các loại rổ, các loại rá, dần, sàng… từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lớp cháu con đã tích luỹ những tinh túy nhất do thế hệ cha ông để lại, đồng thời đến lượt mình lại tiếp tục sáng tạo để sản phẩm càng ngày càng đẹp hơn. Có lẽ cũng chính vì truyền thống đó, nên điều khách hàng dễ nhận ra khi đến Tăng Tiến hôm nay là sự nổi trội về chất lượng của các loại rổ, rá…. , dù nhỏ hay lớn, dù chỉ là một sản phẩm đơn giản thôi nhưng luôn có một sức cuốn hút đến kỳ lạ. Cũng là cây nứa, cây giang nhưng dưới đôi bàn tay của người thợ Tăng Tiến, nan nào cũng trau chuốt đến tuyệt vời. Dù là nan cật hay nan thịt, dù nan to hay nan bé… ở bất kỳ một hộ sản xuất nào cũng đều như nhau để rồi tạo nên những chiếc rổ, chiếc rá xinh xinh với màu xanh sáng thoảng mùi thơm tre nứa tự nhiên.

làng tăng tiến
 
Xem thêm: Các khách sạn tại Bắc Giang

Khi bức tranh làng nghề đang hiện hữu rất sống động với những cụ già, những em nhỏ hay những nam nữ thanh niên thoăn thoắt tay đan trước mái hiên nhà, nơi có mảnh sân nhỏ phơi đầy các loại rổ rá, thì dường như đâu đây đang vang lên những tiếng lách cách nhịp nhàng. Đó chính là âm thanh phát ra từ những khung dệt thủ công do người Tăng Tiến chế tác. Họ, không chỉ giỏi đan lát mà còn rất giỏi dệt nên những tấm mành lụa bằng tre mềm mại với những nan tre chỉ bé như sợi tóc. Đây là một sản phẩm rất độc đáo, là sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật dệt thủ công truyền thống và sự khéo tay đến không tưởng trong việc tạo nan của người Tăng Tiến.

 
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bắc Giang
Một khách hàng Nhật Bản đã từng giám sát sản xuất trực tiếp tại Tăng Tiến trong khoảng thời gian dài tỏ rõ sự hài lòng về các sản phẩm đan lát nơi đây “ Thật tuyệt vời, chúng tôi đã nhập khẩu các loại rổ rá và mành của Tăng Tiến trong gần 3 năm nay và được người tiêu dùng Nhật Bản hết sức ưa chuộng”. Không chỉ chinh phục thị trường Nhật Bản, các sản phẩm đan lát và sản phẩm mành của Tăng Tiến cũng đang có mặt tại thị trường Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Toàn xã có 5 thôn, thì cả năm thôn đều làm nghề đan lát, trong đó có những thôn lớn như Phúc Long với gần 100% số hộ sống bằng nghề đan, tạo ra khoảng 2 triệu sản phẩm các loại mỗi tháng với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên 1 triệu đô la Mỹ.

Từ tre nứa tự nhiên, người thợ thủ công Tăng Tiến đang thực sự đan dệt cho mình những ước mơ về một ngày mai tươi sáng./.

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.