Thường niên, cứ vào ngày 6 tháng 1 âm lịch, nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung lại nô nức đi trẩy hội đền Gióng.
Tượng Thánh Gióng uy nghiêm – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch tại Hà Nội
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tượng Thánh Giống được người xưa khắc họa – Ảnh: sưu tầm
Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị nhà nước hóa, thương mại hóa.
Đền thờ Thánh Gióng đông đúc người đến viếng hương – Ảnh: sưu tầm
Con ngựa mô tả theo con ngựa sắt mà Thánh Gióng đã cởi – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn gần hội Gióng
Ngoài ra còn hơn 10 hội gióng cũng thuộc địa bàn Hà Nội (gọi là vùng lan tỏa vì chưa được Unesco công nhận) như: hội Gióng Bộ Đầu xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín; lễ hội thờ Thánh Gióng ở các làng Đặng Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm); các làng Phù Lỗ Đoài, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn); Sơn Du, Cán Khê, Đống Đồ (huyện Đông Anh); Xuân Tảo (huyện Từ Liêm); làng Hội Xá (Quận Long Biên).
Du khách đông đúc từ các miền ngược xuôi – Ảnh: sưu tầm
Khu di tích thờ Thánh Gióng gồm sáu công trình: đền Thượng, chùa Đại Bi, đền Hạ, miếu thánh Mẫu, nhà bia, khu hành lễ. Tương truyền nơi đây là điểm cuối cùng Thánh Gióng ngồi nghỉ, ngắm lại trời đất, xóm làm, quê hương rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Chen chúc nhau đến đền Thượng – Ảnh: sưu tầm
Núi Sóc nằm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là nơi Gióng ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất nước lần cuối rồi cởi áo bỏ lại và cưỡi ngựa về trời. Tại khu vực này có một quần thể di tích gồm đền Thượng, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, đền Hạ, miếu Thánh Mẫu và nhà Bia.
Hội Gióng Sóc Sơn diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/1 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh Gióng – người đã có công dẹp giặc Ân. Trong cụm di tích Thánh Gióng thì đền Thượng là nơi thờ Gióng và cũng là nơi cử hành lễ hội.
Rước Thánh về đình – Ảnh: sưu tầm
Kiệu rước cũng nguy nga không kém – Ảnh: sưu tầm
Dâng cỗ lên đình – Ảnh: sưu tầm
Lễ phẩm cúng tiến trong lễ hội – Ảnh: sưu tầm
Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hình nộm voi khổng lồ – Ảnh: sưu tầm
Chật cứng không còn chỗ đứng chân – Ảnh: sưu tầm
Đoàn người nối tiếp bước nhau đi – Ảnh: sưu tầm
“Binh lính” trang nghiêm cầm chắc cờ hiệu – Ảnh: sưu tầm
Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang – tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.
Hoa tre – Ảnh: sưu tầm
Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).
Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: “Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ”.
Ngoài phần lễ cướp hoa tre, phần hội còn có các trò chơi dân gian như: chọi gà, đánh cờ tướng, đánh đu, hát ca trù thờ thần. Các trò chơi được người dân tham gia rất sôi nổi.
Voi chiến khổng lồ – Ảnh: sưu tầm
Hội Gióng đền Sóc vừa kết thúc vào ngày 8 tháng Giêng để bắt đầu cho một mùa thăm viếng quanh năm của du khách hướng về Đức Thánh Gióng. Cùng với những nghi lễ đã trở thành truyền thống tại hội Gióng đền Sóc như làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc… một nghi lễ đặc biệt quan trọng và độc đáo của hội Gióng đền Sóc được nhân dân địa phương kính cẩn thực hiện: lễ hóa voi, ngựa nan dâng đến đức Thánh Gióng.
Có rất nhiều người dự lễ Rước voi giấy – Ảnh: sưu tầm
Theo quan niệm, những mảnh tro của “ông voi, ông ngựa” bay càng cao, càng xa thì lễ hóa thành công – Ảnh: sưu tầm
Hai linh vật được hóa về trời… – Ảnh: sưu tầm
Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Các trận đấu vật diễn ra sôi nổi – Ảnh: sưu tầm
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.
Đền thờ Thánh Gióng – Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn tại Hà Nội
Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do đó, hằng năm lễ hội sẽ diễn ra trang trọng hơn, hoành tráng hơn, thu hút nhiều khách thập phương tới.
Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: Tổng hợp
Leave a Reply
View Comments