Hội chơi hang của người Thái, Tày

Nếu ai đã một lần đến Lào Cai, vùng đất biên cương Tây Bắc của Tổ quốc, hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân gian, tham gia các lễ hội truyền thống diễn ra trong mùa xuân đều thích thú trước vẻ đẹp vừa thuần khiết, vừa rực rỡ của một vùng văn hóa đậm bản sắc…
 
Hội chơi hang của người Thái, Tày ở Lào Cai
Thiếu nữ Mông du xuân – Ảnh: Hồng Hà
 
Trong mùa xuân, lễ hội bao giờ cũng là tâm điểm, là nơi tạo niềm hứng khởi cho con người để tìm về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Là tỉnh miền núi đa sắc tộc, Lào Cai có nền văn hóa đa dạng, phong phú, là nơi tập hợp nhiều quần thể di tích văn hóa tín ngưỡng, cùng với ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc… Đây chính là mục tiêu để du khách trong nước và quốc tế tìm đến vùng đất này thưởng thức và khám phá những điều kỳ diệu diễn ra trong mùa xuân.
 
Cứ mỗi mùa xuân sang, các dân tộc Lào Cai lại tưng bừng mở hội, các lễ hội thường diễn ra vào những ngày tháng Giêng sôi động. Hội xuân là hội mở đầu một chu kỳ sản xuất. Mở đầu là Lễ hội Gầu tào (có nơi còn gọi là hội Say sán) của người Mông, tổ chức từ ngày 1 – 3 tết. Hội mở ra với mục đích cầu phúc, cầu mệnh, cầu con, cầu mùa màng bội thu. Giữa khu đất bằng, chủ hội trồng một cây nêu cầu phúc, miếng vải màu đỏ và đen buộc trên ngọn cây nêu tượng trưng cho trời và đất, cây mai để nguyên lá, ngọn cuộn lại thành vòng tròn biểu trưng cho vầng nhật – nguyệt. Đúng ngày khai hội, khắp bản trên, xóm dưới, từng đoàn người trong trang phục rực rỡ sắc màu đổ về trẩy hội đông nghịt. Sau nghi lễ cúng xin cầu bình yên hạnh phúc cho dân bản là phần hội, giữa không gian bao la, tiếng khèn của chàng trai Mông vút lên réo rắt… Tiếng khèn đánh thức vạn vật, hòa quyện tình người trong những âm thanh trầm bổng. Dưới bóng cây nêu, nắng xuân trải vàng lóng lánh càng điểm tô khuôn mặt rạng ngời của các chàng trai, cô gái đang xoay tròn trong điệu khèn rộn rã… Hội càng tưng bừng khi các cô gái Mông thể hiện lòng mình qua chiếc đàn môi phỏng điệu dân ca, tạo ra những âm thanh rất riêng và độc đáo làm đắm say lòng người. Người Mông khi mở hội bao giờ cũng thi tài năng, sức dẻo dai và sự khéo léo. Nhóm đánh quay, đẩy gậy, chạy vượt đồi thi sức bền và sự nhanh nhẹn; nhóm đua ngựa lại thi lòng dũng cảm; nhóm ném pao, bốc nước vào chai thi sự khéo léo, uyển chuyển…Đêm sương giăng trắng trên những tán cây sa mộc, gió lạnh luồn vào da thịt, dưới ánh điện, Lễ hội Gầu Tào vẫn đông vui, những lời ca trong trẻo vang xa: Yêu nàng anh yêu lắm, lòng anh yêu nàng/ Say đắm lắm cô nàng ơi/ Ra về thương nhớ vô cùng/ Hẹn đến ngày này năm sau…
 
Hội chơi hang của người Thái, Tày ở Lào Cai

Hội xuân Bản Dao Sa Pa – Ảnh: Hồng Hà

Xem thêm: Các khách sạn tại Lào Cai

 

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, dân tộc Giáy, Tày, Nùng… trong cuộc sống luôn cầu mong những điều tốt lành vào mùa xuân. Đến với Lễ hội Roóng poọc của người Giáy diễn ra vào ngày Thìn (ngày con Rồng) tháng Giêng, du khách lại được hòa mình với các tập tục giàu bản sắc của người Giáy. Dân tộc Giáy quan niệm: Trời cao nhất, trời sinh ra tất cả; “Tiên” cũng ở trên trời ban điều tốt lành cho con người; “Thần” ở dưới trần gian, giúp con người nhận biết điều lành, dữ, tốt, xấu. Do đó, cúng “Thần” trong Lễ hội Roóng poọc là cúng cả “Trời, Đất, Tiên”. Mục đích của Lễ hội Roóng poọc vừa là ngày hội vui, vừa cầu trời, đất, thánh thần phù hộ cho năm mới người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, con người khoẻ mạnh… Ngoài các nghi lễ, phần hội rất sôi động bởi nhiều trò chơi, trò diễn, thi thố tài năng, sự mưu trí, tính cộng đồng mang dấu ấn cổ truyền dân tộc.
 
Hội chơi hang của người Thái, Tày ở Lào Cai

Rộn rã hội xuân – Ảnh: Hồng Hà


Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lào Cai

 

Người Tày lại tưng bừng trong Lễ hội Xuống đồng hay còn gọi là Lồng tồng. Hội Xuống đồng là hình thức sinh hoạt cộng đồng, các tín ngưỡng nhân văn, nghệ thuật đặc sắc nhất của người Tày. Mục đích chính của lễ hội là cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Lễ hội còn là động lực thúc đẩy sự phát triển văn hoá truyền thống. Nếu hội của người Mông vui nhộn trong điệu múa khèn, tiếng đàn môi và trò ném pao… thì hội của người Tày, người Giáy lại tưng bừng trong các trò chơi tung còn, ném vòng cổ chai, đi cà kheo, thi trâu khỏe, đường cày đẹp…
 
Từ cuối tháng Giêng sang đầu tháng Hai (âm lịch) là lễ hội của người Xa Phó diễn ra vào ngày Ngọ, ngày Mùi, với mục đích cầu năm mới cầu mưa rơi, cầu mọi điều tốt lành, hoa màu tốt tươi, gia súc phát triển…
 
Hội chơi hang của người Thái, Tày ở Lào Cai
Trò chơi đi cầu thăng bằng trong hội xuân – Ảnh: Hồng Hà
 

Cùng với những lễ hội hướng về cội nguồn, gắn với vùng văn hóa từng tộc người như Lễ hội Cúng rừng cấm bang của người Nùng, Lễ Tết nhảy người Dao đỏ. Đặc biệt là Lễ hội Đền Thượng (thành phố Lào Cai), nơi đời đời tôn vinh công ơn Đức Thánh Trần, cũng là nơi tâm linh con cháu báo công, cầu mong được phù hộ cho đất nước, quê hương muôn đời bền vững, cho mọi người bình an, thịnh vượng. Ngay từ giờ phút giao thừa cho đến hết tháng Giêng, Đền Thượng lúc nào cũng nườm nượp du khách thập phương đến tham quan. Cùng với Đền Thượng, các quần thể di tích lịch sử, như Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Quan, Chùa Tân Bảo, Chùa Cam Lộ, Đền Bảo Hà… thu hút hàng vạn du khách từ mọi miền đất nước…
 
Hội chơi hang của người Thái, Tày ở Lào Cai

Lễ hội Say sán của người Mông Bắc Hà – Ảnh: Hồng Hà

Xem thêm: Các tour du lịch Sapa – Lào Cai

 
Tất cả các lễ hội cổ truyền của các dân tộc ở Lào Cai đều có chung một đặc điểm nổi bật là lưu giữ và phản ánh khá đậm nét các tín ngưỡng dân gian truyền thống. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, mỗi dân tộc diễn ra về hình thức có những khác biệt, song về nội dung vẫn có chung mục đích dạy con người làm những việc thiện, những điều tốt lành. Vì vậy, lễ hội truyền thống các dân tộc Lào Cai diễn ra hằng năm không chỉ giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hoá độc đáo trong cộng đồng mỗi dân tộc mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
 
Du xuân về miền lễ hội, không chỉ làm náo nức lòng người mà còn tạo nên sự gắn kết cộng đồng, gắn kết với bạn bè quốc tế. Mùa xuân, mùa lễ hội khởi nguồn sẽ mãi mãi làm thỏa mãn khát vọng tâm linh của du khách du xuân đến Lào Cai.
 
Kinhnghiemditour.vn – Bài & ảnh: Hồng Hà

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.