Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm nằm tại ấp Phum Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang, nổi tiếng với tên gọi “Thổ cẩm Phum Xoài”. Ngoài nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, phần lớn người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề thổ cẩm với nhiều loại sản phẩm cẩm đa dạng: Sàrông, khăn choàng, nón, áo khoác và các mặt hàng ví, túi xách, dép… mang đậm nét đặc trưng của người Chăm Nam Bộ.
Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi được 10- 12 tuổi, những thiếu nữ người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Đồng bào Chăm cũng khéo léo, sản phẩm họ làm ra là những chiếc khăn choàng tắm, sà rông đầy màu sắc, thổ cẩm tinh xảo, túi đeo và đặc biệt là những chiếc khăn bịt tóc đẹp mắt.
Sử lược về dân cư cho biết dân tộc Chăm xuất hiện ở vùng đất An Giang từ thế kỷ 19. Khoảng năm 1840, Khâm Sai đại thần nhà Nguyễn là Lê Văn Đức cùng với Trương Minh Giảng từ trấn Tây Thành (Campuchia) lui về Châu Đốc, hàng binh lính có một số đông người Chăm Hồi Giáo và thân binh theo cùng. Dân binh về đây chọn nơi cư trú dọc theo sông Bình Di và cặp triền sông Hậu.
Cộng đồng dân cư Chăm lúc đầu chọn phương kế sống bằng nhiều nghề như: đánh bắt thủy sản, dệt vải… Nghề dệt thổ cẩm Chăm ở xã Châu Phong hình thành rất sớm. Trước là phục vụ cho nhu cầu ăn mặc của gia đình, sau là để trao đổi hàng hoá với các dân tộc khác.
Có một thời gian, nghề dệt ở Châu Phong bị “chựng” lại do khó khăn trong khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Một số bỏ nghề dệt sang làm nghề khác. Làng dệt đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Năm 1997, sau khi tìm hiểu nguyện vọng của bà con, Sở Công nghiệp tỉnh An Giang quyết định hỗ trợ nguồn vốn vay từ chương trình khuyến nông của tỉnh, tạo điều kiện cho nơi đây phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề. Đây là quyết định không những tạo điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế địa phương, kinh tế gia đình mà ý nghĩa hơn, đó sẽ là việc làm thiết thực góp phần giúp đồng bào dân tộc Chăm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình.
Ở Châu Phong hiện nay có gần 500 hộ đồng bào Chăm, trong đó ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ và phân nửa trong số này làm nghề dệt thổ cẩm. Ở Châu Phong còn có cả một hợp tác xã mang tên Châu Giang tập trung nhiều xã viên dệt thổ cẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Sở dĩ nghề dệt thổ cẩm Chăm ở đây còn lưu giữ đến hôm nay là do tục “cấm cung”, tức con gái lớn lên không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà dệt vải hay thêu thùa. Mặc dù tục “cấm cung” hiện nay không còn nữa nhưng sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Chăm Châu Phong vẫn không mất đi. Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo ấy nên làng Châu Phong được ngành du lịch An Giang chọn làm làng du lịch cộng đồng. Ở đây đã thành lập Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong có nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm.
Đặc biệt, trung tâm này còn tổ chức nhiều tour cho du khách trong và ngoài nước tham quan Châu Phong, trong đó có tour homestay với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, tập vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Đặc biệt, khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: Cà ri bò, lạp xưởng bò, gỏi sầu đâu, bánh Chăm…
Đến Châu Phong bây giờ du khách như lạc vào một thế giới khác. Những thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi, nhà cửa có nét kiến trúc riêng với các hoa văn trang trí và nội thất mang nét đặc trưng của dân tộc Chăm. Thấp thoáng bên song cửa sổ là những cô gái đang ngồi quay tơ, dệt thổ cẩm. Phụ nữ Chăm rất đẹp, trong bộ trang phục truyền thống họ càng trở nên duyên dáng hơn.
Chị Mariya, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly, cho biết: “Có một thời gian thổ cẩm Chăm ở đây tưởng chừng như mai một do thiếu nguyên vật liệu và gặp khó trong khâu tiêu thụ, nhưng đây là nghề do ông cha truyền lại nên chúng tôi đã rất cố gắng gìn giữ”. Thời gian qua, chị Mariya đã tổ chức dạy nghề cho gần 30 học viên là con em đồng bào dân tộc Chăm và hiện tại ngoài công việc đồng áng, mỗi người thu được khoảng 30.000 đồng/ngày từ việc dệt thổ cẩm, đây là khoản thu nhập không cao nhưng đã giúp phụ nữ đồng bào dân tộc Chăm cải thiện đời sống gia đình.
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại An Giang
Năm 2008, thực hiện Dự án du lịch phát triển tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ với nguồn vốn ưu đãi, An Giang đầu tư xây dựng loại hình du lịch cộng đồng (dự án hỗ trợ Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng Chăm tại xã Châu Phong) với kinh phí 60.000 USD, kết thúc vào cuối năm 2009. Trung tâm sẽ phục vụ công tác quảng bá hình ảnh làng thổ cẩm người Chăm, giới thiệu, trao đổi, giao lưu văn hóa dân tộc, gắn kết du lịch Homestay với khẩu hiệu “Một ngày làm người Chăm”, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Chăm An Giang có cơ hội làm du lịch, nâng cao đời sống và phát triển nghề đan thêu, dệt thổ cẩm truyền thống.
Leave a Reply
View Comments