Đi du lịch Bắc Kinh Trung Quốc, chắc chắn bạn sẽ được check-in công trình vĩ đại Vạn Lý Trường Thành này. Đây là một trong những kỳ quan nhân tạo hùng vĩ và trường tồn lâu nhất cho đến ngày nay.
Cùng Lữ Hành Việt Nam, tìm hiểu về biểu tượng của nền văn minh Trung Quốc và giải mã điều phi thường làm nên kỳ tích Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành được ví như một con rồng dài 13,000 dặm làm hoàn toàn từ đất và đá, thân rồng trải dài suốt dọc đất nước Trung Hoa và tuổi đời của con rồng cũng dài và phức tạp như chính lịch sử và kết cấu của nó. Cụ thể Vạn Lý Trường Thành trải dài trên 15 tỉnh thành của Trung Quốc, uốn lượn, lắt léo đi qua hết ngọn núi này đến ngọn đồi khác.
Vạn Lý Trường Thành ban đầu chỉ là những bức tường đất nện được xây nên từ các nhà nước phong kiến trong giai đoạn Xuân Thu Chiến Quốc để bảo vệ khỏi sự xâm lược từ những đoàn binh du mục phương Bắc và các nước khác.
Đến thời Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, Cao nguyên Tây Tạng và Thái Bình Dương trở thành rào chắn bảo vệ cho đại lục nhưng quân Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Nô vẫn có thể dễ dàng xâm lược từ vùng núi phía Bắc. Để có thể bảo vệ được lãnh thổ, Tần Thủy Hoàng đã mở rộng phạm vi của những bức tường đất nện, đồng thời liên kết và gia cố chúng thật vững vàng.
Cũng từ đây một quần thể kiến trúc kéo dài từ Lintao ở phía tây, kéo dài tới Liêu Đông ở phía đông, dần được biết đến dưới tên gọi “Trường Thành” để hoàn thành nhiệm vụ chống giặc xâm lăng, Tần Thủy Hoàng chiêu mộ cả tướng sĩ lẫn thường dân góp công cho tường thành, ước tính số lượng lao động góp công cho Vạn Lý Trường Thành lên tới 800.000 người. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó bị cưỡng ép, chính vì vậy công trình thế kỷ này đã lấy đi rất nhiều mồ hôi và máu của con dân Trung Hoa thời bấy giờ.
Trong hàng vạn người xây thành được ghi chép lại dưới thời Tần, rất nhiều trong số đó là nông dân nghèo bị ép buộc khổ sai và các tù nhân bị lưu đày. Dưới thời Hán, Tường Thành được kéo dài lên đến 3700 dặm mở rộng từ Đôn Hoàng cho đến biển Bột Hải.
Thơ ca và truyện đã kể rằng, vô số xác người đã được chôn trong những ngôi mộ tập thể gần đó, và thậm chí lẫn trong những bức tường hay móng tường thành. Mặc dù không tìm được xác người trong tường thành, thì những nấm mồ cũng đủ chứng minh có rất nhiều người đã chết vì tai nạn, vì đói và vì kiệt sức.
Tuy nhiên, Trường Thành vẫn được kiên cố và là công trình đáng ngưỡng mộ. Thành Cát Tư Hãn và con trai là Hốt Tất Liệt đã đoạt được thành trong cuộc xâm lược ở thế kỷ 13. Sau khi nhà Minh lên nắm quyền năm 1368, Thành được gia cố lại và làm cho chắc chắn hơn bằng gạch và đá từ các lò nung lân cận.
Dọc theo chiều dài của Thành là những tháp canh. Khi phát giác quân xâm lược, tín hiệu lửa và khói sẽ truyền từ tháp này qua tháp khác cho đến khi quân tiếp viện có mặt. Những lỗ nhỏ trên tường thành dùng để bắn tên lửa vào địch còn những lỗ lớn hơn dùng để thả đá và các trang bị khác xuống kẻ thù.
Nhưng cho dù đã được cải tiến, sức phòng vệ của Thành vẫn chưa đủ. Năm 1644, quân Mãn Châu tiêu diệt nhà Minh và thành lập triều Thanh, đồng thời hợp tác với người Mãn (Mông Cổ). Vậy là lần thứ hai, Trung Quốc bị cai trì bởi quân xâm lược. Dần dần, Thành trở thành đống đổ nát đất nện bị xói mòn, gạch và đá thì bị cướp để làm vật liệu xây dựng. Song, Vạn Lý Trường Thành vẫn phải tiếp tục tồn tại.
Trong Thế chiến thứ 2, Trung Quốc đã sử dụng nhiều đoạn làm phòng tuyến chống Nhật, nhiều người còn cho rằng một số phần của Thành được dùng để huấn luyện quân đội.
Và để tồn tại được cho đến ngày nay, Vạn Lý Trường Thành đã mang giá trị về văn hóa, về nền văn minh xây dựng của người Trung cổ đại. Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình nhân tạo lớn nhất thế giới được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1987.
Được xây dựng để bảo vệ đất nước Trung Quốc khỏi ách xâm lược, Vạn Lý Trường Thành hiện nay đón hơn 1 triệu lượt tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, việc quá tải lượng du khách ghé thăm đã khiến Thành có hiện tượng hư hại nên chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu các biện pháp bảo tồn.
Người ta cho rằng Vạn Lý Trường Thành là công trình duy nhất trên Trái Đất nhìn thấy được từ không gian và có thể nhìn được bằng mắt thường. Cứ vài năm, một đoạn thành mới tách khỏi phần Thành chính lại được phát hiện và mở rộng thêm công trình vĩ đại này của loài người.
Lưu ý khi tham quan Vạn Lý Trường Thành
Ngày nay, những điểm dừng nổi tiếng nhất của bức tường thành vạn dặm này là Bát Đạt Lĩnh (Badaling), Mộ Điền Dục (Mutianyu), Kim Sơn Lĩnh (Jinshangling), Tư Mã Đài (Simatai), Cửa ải Gia Dục Quan, Cư Dung Quan, Sơn Hải Quan. Trong đó, Kim Sơn Lĩnh và Tư Mã Đài thích hợp cho du khách muốn trải nghiệm đi bộ chinh phục.
Phần nổi tiếng nhất của Vạn Lý Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh được hơn 300 nguyên thủ quốc gia và nhân vật VIP từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan. Và bạn cũng có thể đến đây để check-in nếu có dịp nhé!
Bạn nên đến thăm Vạn Lý Trường Thành vào những ngày mùa thu, khung cảnh núi rừng thay áo, từ màu xanh chuyển vàng đỏ rợp trời. Vừa hùng vĩ vừa thơ mộng!
Lưu ý: Bạn sẽ bị phạt khoảng 5000 tệ (17 triệu đồng) nếu bị bắt quả tang lấy gạch từ di tích Vạn Lý Trường Thành. Chính vì vậy đi du lịch Bắc Kinh, thăm quan điểm trạm dừng của Vạn Lý Trường Thành nhớ là chỉ nên chụp ảnh lưu niệm ở đây chứ đừng thấy gạch hay các phần có vương bên ngoài tường thành mang về hay viết vẽ lên tường thành nhé. Nếu không bạn sẽ vô tình vướng vào những rắc rối không đáng có đấy.
Vạn Lý Trường Thành là bản trường ca oai hùng gắn liền với ý chí bền bỉ và lịch sử hào vang của Trung Hoa, chính vì vậy, đi du lịch Trung Quốc, không ghé thăm công trình này thực sự là một thiếu sót lớn!
Leave a Reply
View Comments