Nếu đến phố biển Quy Nhơn (Bình Định), nếu không đến Ghềnh Ráng Tiên Sa thì xem như bạn chưa rành về thủ phủ này. Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng hai cây số về phía Đông, Ghềnh Ráng Tiên Sa là thiên đường du lịch của miền đất võ.
Đường vào khu ghềnh Ráng được xây dựng đẹp đẽ, dốc thoai thoải. Quần thể đá và các hang động với đủ các hình thù đa dạng chạy dài suốt dọc ven biển. Những cơn gió mang hơi mặn mòi biển cả thổi không ngừng. Không khí mát mẻ và dễ chịu dù cái nắng rát của vùng đất Bình Định càng lúc càng gay gắt. Trong bóng mát của hàng phi lao và những ghềnh đá, du khách sẽ được thả hồn mình về phía biển và lắng nghe huyền thoại hôm nào.
Ghềnh Ráng có diện tích gần 35 ha, là một quần thể sơn thạch thuộc dãy núi Xuân Vân. Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Từ Ghềnh Ráng, du khách có thể ngắm nhìn gần trọn hết vẻ đẹp đầy sức sống của phố biển Quy Nhơn.
Dưới chân ghềnh là bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ – Ảnh: Sưu tầm
Các bậc cao niên sinh sống gần khu vực Ghềnh Ráng kể rằng, ngày xưa có một cô gái “sắc nước, hương trời” ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện lúc trên bầu trời, lúc trong vách đá. Từ đó nơi đây được đặt tên là “Ghềnh Ráng Tiên Sa”.
Vào cổng, con đường nhựa sẽ đưa du khách lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ khá đẹp được xây trên một gò cao, lưng dựa vào đồi cỏ mịn như nhung, mặt quay ra biển. Mộ có tượng Đức Mẹ nhìn xuống. Nơi đây rất nhiều du khách, văn nhân thăm viếng thường xuyên. Những người yêu thơ Hàn Mặc Tử đều biết vào những năm tháng cuối đời, nhà thơ “tài danh bạc mệnh” Hàn Mặc Tử đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong trại phong Quy Hòa. Và thiên nhiên thơ mộng cùng “trăng sao” Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng dồi dào cho ông sáng tác những vần thơ bất hủ để lại cho đời.
Mộ Hàn Mặc Tử – Ảnh: Sưu tầm
Đối diện với khu mộ Hàn Mặc Tử là nhà thờ đá nằm sâu phía bên dưới, về hướng biển. Đứng trước cổng gỗ đơn sơ du khách khó tưởng tượng được quang cảnh thơ mộng bên trong. Bước qua cổng gỗ, một không gian xanh mát khiến bước chân du khách ngỡ ngàng.
Cách mộ thi sĩ một đoạn ngắn là nơi nghệ sĩ Dzũ Kha biểu diễn nghệ thuật thư pháp thơ Hàn Mặc Tử trên gỗ thông bằng bút lửa. Du khách sẽ được ngắm nhìn những vần thơ “chan chứa” của thi sĩ “bạc mệnh” trên mặt gỗ thoang thoảng mùi nhựa thông và du khách được xem nơi trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ đoản mệnh.
Xem thêm: Khách sạn tại Bình Định
Danh thắng Ghềnh Ráng Tiên Sa là sự hợp thành của những bãi đá, ghềnh đá nối tiếp nhau theo đường cong của eo biển trông rất kỳ vĩ, đẹp tuyệt vời với những hang hốc, hình thù cổ quái, sinh động. Hòn Chồng ở Ghềnh Ráng là một “tác phẩm” nghệ thuật thiên nhiên đặc sắc đứng trơ gan cùng phong ba, tuế nguyệt. Bãi Đá Trứng hay còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu (vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây để tắm) với những khối sơn thạch đa hình đa dạng cùng với bãi đá trứng mà mỗi viên có màu xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng đang nô đùa cùng sóng biển. Đá Vọng Phu được tạo hóa tạc, khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng. Hay “Thạch Kỳ Lân” dũng mãnh, ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”… Từ bãi tắm Hoàng Hậu, đi tiếp 1.000m nữa, du khách sẽ đặt chân đến bãi Tiên Sa.
Đường xuống bãi biển – Ảnh: Sưu tầm
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng những cảnh quan trời ban, Ghềnh Ráng Tiên Sa còn làm nặng lòng du khách yêu thơ bởi đây là điểm dừng chân cuối đời để ở ẩn và cho ra đời những áng thơ bất hủ. Con đường nhỏ dẫn lên nơi an nghỉ của nhà thơ ẩn dưới tán rừng dương xanh tốt, quanh năm xào xạc như tự hát những khúc tình ca. Để rồi những ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm Đồi Thi Nhân, để nhớ về một tâm hồn chan chứa yêu thương, khát khao sống đến bóng chảy của thi sỹ họ Hàn.
Leave a Reply
View Comments