Ghé Sa Pa một ngày nắng vội – Kỳ 2

Sương mù là “thương hiệu” mỗi khi nghĩ đến Sa Pa nhưng có thể bạn không biết rằng Sa Pa những ngày nắng cũng có một sức hấp dẫn khó cưỡng khiến cho bao du khách tình cờ qua miền sơn cước này phải lỡ bước, nhịp chân nhẹ dần mà lưỡng lự, dùng dằng, lưu luyến nửa muốn nửa không.

 

Chốn bồng lai tiên cảnh

Chốn bồng lai tiên cảnh – Ảnh: Ân Bảo Hảo Nguyễn

 

Mời bạn xem Ghé Sa Pa một ngày nắng vội – Kỳ 1

 

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Mường Hum là diện tích khá nhỏ và dân cư thì thưa thớt hơn ở thị trấn Sa Pa nhiều. Ở đây không chỉ có người dân tộc mà còn có cả người Kinh sinh sống. Đối với những bạn nào thích tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau và tò mò về sự giao thoa văn hóa thì cuộc sống ngày thường ở Mường Hum sẽ cho bạn nhiều câu trả lời thú vị và mới mẻ.

 

Vội vàng

Nắng sớm – Ảnh: sưu tầm

 

Trên đường đi thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những người đàn ông dắt theo những chú ngựa thồ hàng, hoặc những người phụ nữ mang trên mình những chiếc gùi chở đầy lương thực, thực phẩm hay những em bé đôi mắt trong veo đang hồn nhiên chơi đùa vô tư không nhuốm bụi trần, mặc kệ cái nghèo khó đang len lỏi từng ngày vào bản các em vậy.

 

Những người dân bản thân thiện và dễ mến

Những người dân bản thân thiện và dễ mến – Ảnh: sưu tầm

 

Vào thăm một số gia đình người dân trong bản, người dân tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, thân thiện như những vị khách quý mặc dù chúng tôi chỉ tiện đường ghé ngang thôi. Trong những vách nhà sàn giản dị đến đơn sơ, những vật dụng mộc mạc, cuộc sống thiếu thốn và nghèo khó. Nhưng tình người của họ lại quá giàu có, sưởi ấm chúng tôi sau một quãng đường dài.

 

Những người dân bản thân thiện và dễ mến

Sương khói mờ nhân ảnh – Ảnh: sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Sapa

 

Đốm nắng

Đốm nắng – Ảnh: Weerapong Chaipuck

 

Sau khi rời bản, xa các em nhỏ hồn nhiên, xa các cụ ông bà lão ở bản chúng tôi quay trở lại thị trấn Sa Pa, trên đường về chúng tôi ghé qua núi Hàm Rồng để chiêm ngưỡng một địa danh rất nổi tiếng nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 3 km.

 

Cung đường vàng nắng

Cung đường vàng nắng – Ảnh: Thang Nguyen Van

 

Núi Hàm Rồng là dãy núi có hình 3 con rồng đang há miệng hùng dũng. Để có thể ngắm được cảnh đẹp của toàn thị trấn Sa Pa, bãi đá cổ từ trên cao thì bạn phải leo một đoạn đường núi khá xa lên đến đỉnh núi. Được sự tu tạo và chăm sóc chu đáo của con người, núi Hàm Rồng là một vườn tiên sặc sỡ hoa lá, mây núi lững lờ bay khiến du khách đắm chìm trong không gian thơ mộng quên cả lối về.

 

Nắng xuyên qua những kẽ lá trên đường lên núi Hàm Rồng

Nắng xuyên qua những kẽ lá trên đường lên núi Hàm Rồng – Ảnh: Ngong Hankang

 

Sau khi hít khí trời ở đỉnh Hàm Rồng mê mải chán chê thì trời cũng đã về chiều chúng tôi tiếp tục ghé thăm bãi đá cổ ở Sa Pa, địa chỉ rất nổi tiếng đối với du khách và lần này chúng tôi cũng muốn xem thử địa danh này nó thú vị đến đâu.

 

Ngày mới về trên bản

Ngày mới về trên bản – Ảnh: Weerapong Chaipuck

 

Bãi đá được phát hiện vào năm 1925 bởi một nhà khoa học người Pháp gốc Nga. Bãi đá rộng hơn 8 km2  với hơn 200 phiến đá có hình dạng và kích thước độc đáo. Bãi đá cổ được cho là dấu tích lịch sử của người Việt Cổ, chúng tôi đã nhìn thấy những hình vẽ trên các phiến đá là hoa văn trang trí, hình người, hình cây cối hoa lá, hình bậc thang, hình mặt trời hay hình các vật dụng hàng ngày…

 

Ngày mới về trên bản

Bãi đá cổ ở Sa Pa là một danh thắng thu hút khách du lịch – Ảnh: sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Lào Cai

 

Điểm cuối cùng cho hành trình khám phá Sa Pa trong một ngày nắng vội cũng chính là điểm đầu tiên – thị trấn Sa Pa. Trời đã xế chiều, ánh hoàng hôn như dẫn lối chúng tôi đến với nhà thờ đá của Sa Pa. Trong ánh chiều tà, nhà thờ cổ hiện lên như một góc lâu đài cổ trong truyện cổ tích. Đẹp ma mị.

 

Hoàng hôn buông xuống trên thị trấn Sa Pa

Hoàng hôn buông xuống trên thị trấn Sa Pa – Ảnh: sưu tầm

 

Nhà thờ đá Sa Pa là một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa. Tọa lạc tại trung tâm của thị trấn Sa Pa, phía trước có một khoảng trống rộng, là nơi mà mỗi sáng bà con dân tộc tụ tập buôn bán các nhu yếu phẩm hàng ngày. Đây cũng là nơi mà mỗi thứ 7 hàng tuần lại vang lên tiếng khèn réo rắt, những điệu múa duyên dáng mang âm hưởng núi rừng của những cô gái chàng trai bản trong phiên chợ tình.

 

Nhà thờ đá mang phong cách gothic La Mã ấn tượng đặc trưng bởi mái nhà, tháp chuông và vòm cuốn, được xây dựng vào giữa thế kỷ XX, nhà thờ đá là một công trình kiến trúc được kiến trúc sư tài ba người Pháp đặt rất nhiều tâm huyết vào đó, lựa chọn rất kĩ từng nguyên vật liệu để hình thành. Tuy chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thời gian nhưng nhà thờ đá Sa Pa vẫn đứng vững thách thức sự tàn phá của thiên nhiên và là niềm tự hào của người dân Sa Pa.

 

Một góc của nhà thờ đá

Một góc của nhà thờ đá – Ảnh: Khoi Tran Duc

 

Một ngày đọng lại cảm xúc với hình ảnh hoàng hôn giăng đầy trên nóc nhà thờ đá, từng mảng mây chiều vội vã trôi để níu kịp ráng chiều. Khoảnh khắc ấy khiến cho tâm hồn chúng tôi rung động lạ lùng, chỉ muốn chìm đắm trong khung cảnh nửa thực nửa hư này để quên đi hết mọi ưu phiền trong cuộc sống mà tận hưởng tiên cảnh mà tạo hóa ưu ái phù phép.

 

Một góc của nhà thờ đá

Níu thời gian – Ảnh: sưu tầm

 

Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Lào Cai

 

Lối về

Lối về – Ảnh: Vinh2b

 

Xem thêm: Các tour du lịch Sapa – Lào Cai

 

Khép lại một ngày nắng ở Sa Pa với bao niềm vui và sự nuối tiếc. Vui vì chúng tôi đã trải nghiệm được rất nhiều điều thú vị. Còn nuối tiếc vì thời gian một ngày sao ngắn quá, ánh dương tắt vội quá. Tự hứa với lòng mình vào một ngày không xa sẽ trở lại với Sa Pa vẹn nguyên hơn!

 

Lọ Lem – Kinhnghiemditour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.