Miền Bắc những ngày cuối thu, khi cái nắng bắt đầu nhạt dần, nhường chỗ cho làn gió mát mẻ và cảm xúc bất chợt ùa về. Đi qua những ngày thu ấy, bất chợt nhớ tới một nơi khá gần thủ đô Hà Nội phồn hoa, nhưng lại mang đậm nét làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi bạn có thể tìm thấy chút hương đồng gió nội còn lưu giữ đến ngày nay, đó là làng cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm – Ảnh: Le Thang
Chỉ cách Hà Nội khoảng 44km, làng cổ Đường Lâm thuộc huyện Sơn Tây, nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh.
Bức tranh xưa cũ – Ảnh: Đại Đại
Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc QL32 đi Nhổn – Sơn Tây. Nếu bạn đi xe Bus thì có thể đi ra bến xe Mỹ Đình, tiếp đó bắt xe bus số 71 đi thành phố Sơn Tây. Sau đó bắt xe ôm hoặc taxi đi tiếp tới làng cổ Đường Lâm. Nói chung việc đi tới Đường Lâm rất thuận lợi, thích hợp cho 1 chuyến dã ngoại ngắn trong ngày.
Khung cảnh bình dị – Ảnh: Đại Đại
Tới Đường Lâm, các phương tiện xe máy, ô tô đều để bên ngoài, du khách sẽ mua vé rồi đi bộ vào thăm quan toàn bộ di tích. Để bắt đầu chuyến thăm quan, trước tiên, bạn có thể dừng chân tại quán chè của bà cụ đối diện đình làng Mông Phụ, uống nước chè xanh và ăn kẹo dồi, kẹo lạc. Đây là một thói quen khá lâu đời, như chén nước chè thì cần có thêm thứ kẹo kia để tăng thêm hương vị đậm đà.
Khoảng sân rộng trước đình làng Mông Phụ – Ảnh: Đại Đại
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Mua một tờ hướng dẫn thăm quan sẽ cần thiết, bởi với gần 1000 ngôi nhà cổ mái ngói đỏ xưa cũ, bạn sẽ khó khăn chọn lựa những điểm tiêu biểu để thăm quan. Du lịch làng cổ Đường Lâm sẽ khá nhiều người thấy làm bất ngờ khi biết có những ngôi nhà đã hơn 300 năm tuổi. Ngôi làng hấp dẫn du khách bởi những con đường gạch, những bức tường đá ong độc đáo, cây đa, giếng nước, sân đình, những ngôi chùa uy nghi. Hơn thế nữa, đây còn là mảnh đất hai vua, với 2 ngôi đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Bức tường đá ong – Ảnh: dulichvtv
Nếu để ý, bạn sẽ thấy Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Và cũng ở làng Mông Phụ, ngôi đình Mông Phụ được xây dựng từ năm 1684 là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống, đây cũng là nơi tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch hàng năm với các trò chơi như thu lợn thờ, thi gà thờ…
Đình làng Mông Phụ – Ảnh: Đại Đại
Dạo quanh các ngôi nhà ở đây, nét cổ kính hiện lên từ cổng vào đến những bức tường cổ, lối đi lát gạch nghiêng. Cổng vào nhà hình quai giỏ với đá ong lỗ chỗ mà chắc nịch, bền bỉ với thời gian nhưng vẫn giữ được đường nét mềm mại. Trước cửa các nhà quan thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên có đắp hình long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt. Tất cả tạo nên một lối kiến trúc xưa cũ nhưng không kém phần tinh tế.
Cổng nhà hình quai giỏ – Ảnh: Đại Đại
Trong một ngôi nhà cổ thường thấy là những vât dụng đã nhuốm màu thời gian, là bàn thờ tổ tiên đồ sộ trang nghiêm, là những bức hoành phi chữ Nho bằng mực tàu giấy đỏ, là những cánh cửa gỗ kẽo kẹt, bộ trường kỉ, phản nằm, hay những chiếc lu lớn nhỏ bày ngoài hiên… Không gian như tái hiện lại một bức tranh toàn cảnh chân thực về cuộc sống của cha ông ta xưa.
Những vật dụng nhuốm màu thời gian – Ảnh: Đại Đại
Có thể bạn sẽ thấy hơi lạ, là tại sao làng khá nhiều ngõ cụt. Theo quan niệm thời xưa, đây là phương thức đề phòng trộm cắp hữu hiệu, nhờ những ngả đường hình xương cá tụ hội về trục đường chính với nhiều con ngõ nhỏ thông nhau. Đường làng lát gạch đỏ, trông xa những ngõ hẻm sâu hun hút giữa hai bên tường đá ong của các ngôi nhà, vắng vẻ, nhưng lại vô cùng bình dị, thân thuộc.
Ngõ sâu hun hút – Ảnh: Đại Đại
Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 77% tại Hà Nội
Lịch trình thăm quan có cho một ngày ở Đường Lâm khá đơn giản. Buổi sáng, bạn nên đi loanh quanh các điểm như đình Mông Phụ, vài ngôi nhà cổ, nhà thờ Thiên Chúa, đền thờ Giang Văn Minh, chùa Mía. Dùng một bữa trưa thật ngon miệng với các món dân dã ngay tại nhà dân trong làng. Sau đó nghỉ ngơi, đi thăm quan tiếp hai ngôi đền thờ hai vua là đền Phùng Hưng và đền Ngô Quyền. Để đỡ mệt, hãy thuê xe đạp đi thăm quan các điểm, bởi xe đạp khá tiện lợi và mang lại cho bạn cảm giác gần gũi như thuở bé.
Những công trình cổ xưa – Ảnh: Đại Đại
Đặc sản ở đây là chè lam và các loại kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng. Đừng ngại mua chút ít về làm quà để người thân, bạn bè ở nhà thưởng thức những lúc quây quần bên nhau. Trên đường về, bạn có thể ghé thăm Đền Và, thành cổ Sơn Tây và có mặt tại Hà Nội trước 6h chiều. Kết thúc một chuyến đi khá rẻ mà đầy ý nghĩa.
Đặc sản chè lam và chén chè xanh – Ảnh: Đại Đại
Vẻ cổ kính bình dị – Ảnh: Đại Đại
Dạo chơi làng cổ Đường Lâm
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ
Mùa thu tới, Đường Lâm lại thoảng hương đồng gió nội trong cái nắng hanh hao, với gió đưa xào xạc lá cành, chim hót líu lo, hay vẻ yên tĩnh trầm mặc của những ngôi chùa. Người nông dân có lúc tất bật lao động, có lúc nhẩn nha uống chén chè xanh và đôi ba câu chuyện làm quà gắn kết tình làng nghĩa xóm. Bỗng nhận ra rằng, giữa cuộc sống tấp nập, xô bồ, vẫn còn những chốn yên bình, nhẹ nhàng đến lạ, như cách gọi Đường Lâm, là “làng”.
Hoa Cát – Kinhnghiemditour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour.vn.
Leave a Reply
View Comments