Tây Nguyên sứ sở đại ngàn. Mỗi điểm đến là mỗi minh chứng cho vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Khám phá Tây Nguyên qua con sông, con suối là khám phá những câu chuyện tình trong sử thi Tây Nguyên. Thác Dray Nur – Ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên – cũng có một chuyện tình cảm động như thế.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km theo hướng quốc lộ 14, băng qua những con đường uốn lượn quanh co, theo sườn núi ghé ngang thủy điện Buôn Kuôp đến chân thác Dray Nur. Quan cảnh bạt ngàn bao la trên đường đến chinh phục Dray Nur, một bên là núi, bên là thảm rừng xanh mướt vô cùng thích hợp cho các bạn trẻ mê phượt thích ngao du thưởng ngoạn.
Khu du lịch sinh thái Dray Nur đón khách du lịch bằng cổng chào được làm từ những cột đá thô sơ dựng thẳng đứng. Từ đây du khách đã nghe tiếng ầm ầm thác đổ, làm tâm trạng thêm phần háo hức được nhìn ngắm con thác Dray Nur cuốn gầm gừ.
Đi hết con đường lát đá, du khách bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên lên những bậc thang đá có phần trơn tuột bởi rong rêu bám phủ. Không khí từ những bậc thang đầu tiên đã nhuốm đều hơi nước từ thác bắn lên làm không khí thêm phần mát mẻ.
Đường rêu xuống thác Dray Nur – Ảnh: Fletcha
Cảnh sắc hùng vĩ, hoang sơ của thác Dray Nur – Ảnh: Artem Volchkov
Tới chân thác Dray Nur, chứng kiến dòng nước xô nhau gieo mình xuống đá làm bọt tung trắng xóa. Âm thanh như xé tan mọi sự tĩnh mịch của núi rừng.
Dòng thác bạc nước tung trắng xóa – Ảnh: Pham Van Huong
Dray Nur là một ngọn thác đặc biệt của Tây Nguyên gắn liền với hai sử thi cảm động giải thích cho tên thác vợ này. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái ở hai buôn yêu nhau, vì hai buôn có thù hằn mâu thuẫn nên dân làng ra sức ngăn cấm tình yêu của đôi trai gái. Không nhận được sự ủng hộ của dân làng, không thể nào xóa bỏ được mâu thuẫn của hai buôn. Vào đêm trăng sáng, đôi trai gái đã cùng gieo mình xuống dòng sô Sêrêpok để được ở bên nhau trọn đời. Tức giận trước ứng xử ích kỉ của dân làng, Giàng (ông trời) đã nổi giông sấm chớp, tách đôi dòng sông thành hai nhánh ngăn cách đường đi lối lại của hai buôn. Tạo thành hai nhánh thác Dray Nur (thác vợ) và Drap Sap (thác chồng).
Thác chồng Dray Sap khi chiều về, có phần hiền dịu hơn thác vợ Dray Nur – Ảnh: Jump
Cùng đó là một truyền thuyết hoàn toàn khác nói về chàng Nur, con của vua thủy tề. Chàng là người khôi ngô tuấn tú thích ngao du thiên hạ ngắm cảnh vật đó đây. Một hôm chàng gặp hai nàng từng là công chúa con vua vùng đất này. Vì vua cha mất sớm nên cuộc sống của hai nàng lâm vào cảnh nghèo khổ, cơ cực đến mức phải đào củ mài mà ăn. Thương nàng có phận đời cơ cực, chàng theo nàng về nhà, lén dùng phép thuật mà biến cho thóc lúa đầy rương. Cùng hai nàng sống cuộc sống hạnh phúc. Một thời gian sau, chàng Nur muốn về thăm cha vì thương nhớ nhưng vợ chàng không muốn vì sợ chàng sẽ đi lâu có khi đi mãi không về. Nàng theo sát chân chàng không rời nữa bước. Chàng Nur vì quá thương nhớ cha mà lén biến thành con chũi vàng vượt qua màn nước lớn và động thăm cha. Nàng cứ đứng bên ngoài động mà đợi chàng, đợi mãi, đợi mãi mà không thấy chàng Nur quay trở lại. Từ đó người ta gọi dòng thác này là thác Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.
Dòng thác Dray Nur hùng vĩ – Ảnh: Sơn photography
Những khóm lục bình trôi lãng đãng dưới chân thác – Ảnh: Tan Nguyen Minh
Một bên hông thác Dray Nur đã bị tảng đá lớn chặn lối – Ảnh: Đỗ Văn Đại
Xung quanh thác Dray Nur là những con suối nhỏ chảy róc rách uốn lượn qua những mỏm đá lô nhô. Thấp thoáng là những bông hoa lục bình tím rung rinh đưa mình theo gió. Du khách có thể thăm thú cảnh vật xung quanh thác rồi ghé nghỉ ăn trưa ngay tại các mỏm đá lớn bên cạnh thác hoặc ghé qua nghỉ chân tại các lán/chòi được dựng rải rác dọc đường đi.
Những mỏm đá hình thù độc đáo của thác Dray Nur – Ảnh: Huyền Vịt
Nếu là một khách du lịch thích trải nghiệm cảm giác mạnh, du khách có thể mặc áo phao và chèo thuyền vượt thác vào sâu hang động phía trong dòng thác Dray Nur đang chảy xiết. Bạn nên chuẩn bị sẵn đèn pin vì phía trong hang rất tối và khá nhiều dơi. Tự mình vượt qua được dòng thác chảy xiết để vào trong hang, cảm giác này sẽ khiến bạn không bao giờ quên.
Hang động phía sau thác – Ảnh: Tuấn Trung
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Đắc Nông
Thác Dray Nur là nơi cho tụi nhỏ tắm táp mỗi dịp hè về – Ảnh: Quan Ngo
Bắc ngang những dòng suối nối liền hai thác Dray Nur (Krông Ana, Đak Lak) , Dray Sap (Krông Nô, Đak Nông) ở hai địa bàn khác nhau là những nhịp cầu treo chênh vênh đầy mạo hiểm rất đặc trưng Tây Nguyên.
Cầu treo nối giữa hai ngọn thác, xa xa thấp thoáng bóng nhà sàn dựng giữa núi để dừng chân – Ảnh: David Brewer
Kết thúc chuyến khám phá cụm thác, du khách còn thời gian có thể dừng chân tại thùy điện Buôn Kuôp trên đường về để thăm quan và chụp ảnh lưu niệm với nhà máy thủy điện lớn thứ hai Tây Nguyên.
Toàn cảnh nhà máy thủy điện Buôn Kuôp – Ảnh: Huyền Vịt
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Đak Nông
Quang cảnh ở đây cũng vô cùng đặc sắc. Ngay dưới chân cầu bắc qua con đường chạy thẳng vào cánh rừng nguyên sinh là dòng suối xanh trong trên nền đá nhỏ nhấp nhô lấp ló.
Cảnh đẹp như tranh ở nhà máy thủy điện Buôn Kuôp – Ảnh: Huyền Vịt
Không ồn ào như dòng thác Dray Nur hùng vĩ, đứng trên thủy điện nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh của cây và nước, tiếng chảy róc rách như thì thầm của con suối đang đổ ra sông Sêrêpok mà thôi.
Suối nhỏ xanh trong, nước chảy róc rách – Ảnh: Huyền Vịt
Xem thêm: Các tour du lịch Đắk Lắk
Đến Đắk Lắk – trung tâm của năm tỉnh Tây Nguyên – để khám phá hết vẻ đẹp âm vang đại ngàn, nghe chuyện cái cày cái cuốc cũng có tên, đêm đêm bên bếp lửa hồng nghe già làng kể Khan, xa xa là tiếng thác đổ. Cảnh sắc Tây Nguyên vẫn còn nguyên hình vạn trạng, chưa được nhân tạo hóa quá nhiều dễ gợi cho ta về một thuở hồng hoang, nơi những con người sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Nơi vẫn còn mãi những truyền thuyết về những chuyện tình đẹp mà lắm bi thương.
Kinhnghiemditour.vn – Huyền Vịt
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour..
Leave a Reply
View Comments