Nhắc tới biển miền Trung, hẳn người ta sẽ nghĩ ngay tới những đường bờ biển dài chạy dọc theo dải đất hình chữ S, những bãi biển cát trắng mênh mông, những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp được xây dựng kì công đang ngày ngày mọc lên, hay những món ăn ngon từ biển cả. Thế nhưng, ở đâu cũng vậy, đằng sau sự nhộn nhịp vui tươi như những ô màu sặc sỡ của miền Trung, thì ở đâu đó còn những nốt trầm xao xuyến là cuộc sống đơn sơ, bình dị của những đứa con sinh ra từ biển.
Biển miền Trung đơn sơ, bình dị – Ảnh: Le Hong Ha
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Ngãi
Những người dân biển, họ sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất này, chứng kiến biết bao chuyến ra khơi của người thân, anh em, bạn bè trong vùng; chứng kiến cả những người đã bỏ xứ đi xa vì ước muốn đổi đời, còn họ vẫn ngày ngày bám biển. Họ ở lại, có lẽ chính vì tình yêu với biển khơi, hay bởi họ đâu dám chắc, ở nơi phồn hoa đô thị họ lại không đau đáu nhớ về biển, về quê nhà. Với họ, biển cả là Mẹ hiền, là nguồn sống của những gia đình ngư dân ở đó.
Biển cả là Mẹ hiền – Ảnh: Đỗ Văn Minh
Dáng tảo tần của người phụ nữ vùng biền – Ảnh: Đỗ Văn Minh
Tình yêu với biển đã khiến họ thêm vững tin, tin vào cái lẽ “Ông Trời có phụ ai bao giờ”. Họ hiền lành, chất phác như sự mặn mòi giản dị của biển. Trẻ con, là gái thì ở nhà phụ mẹ việc cơm nước, chợ búa, là trai thì theo cha ra khơi từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên, chúng sẽ là trợ thủ đắc lực cho cha, sát cánh bên cha trong những ngày đánh bắt xa bờ.
Trẻ con ở đây biết phụ việc gia đình từ rất sớm – Ảnh: Le Hong Ha
Lớn lên chúng sẽ là trợ thủ đắc lực nối nghiệp cha – Ảnh: Le Hong Ha
Công việc hàng ngày của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – Ảnh: Le Hong Ha
Trẻ con vùng biển, đứa nào đứa nấy mặt mũi đen nhẻm vì nắng gió. Đứa may mắn thì được cho đi học biết cái chữ, rồi học cao hơn thực hiện ước mơ đổi đời, còn không thì chỉ học “đủ biết tính toán” rồi về phụ cha mẹ. Chúng lớn lên, vững chãi, chai sạn như hàng phi lao chắn sóng, không thể yếu đuối trước biển cả bao la, vì cần mạnh mẽ để thu phục những ngọn sóng dữ, mang về cho gia đình sự hạnh phúc, ấm no.
Ánh mắt hồn nhiên, thơ ngây của trẻ con vùng biển – Ảnh: Le Hong Ha
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Thanh Hóa
Khởi đầu cho ngày mới của dân biển là từ tờ mờ sáng, những con thuyền rời bến ra khơi đi giăng lưới, đi chài, đánh bắt cá… tới khi trời sáng hẳn, những con thuyền trở về sẽ đầy ắp tôm cá. Những người phụ nữ, tay thoăn thoắt lựa những con cá, con tôm ngon mang ra chợ bán, trẻ con thì lượm những con bé hơn, thay mẹ dọn dẹp. Hôm ấy sẽ là một ngày vui với tiếng cười rộn rã trong bữa cơm canh đạm bạc, những câu chuyện bi bô của đứa trẻ và dự định của cha mẹ chúng.
Một buổi thu hoạch sau khi tàu cá về – Ảnh: Tran Bao Cam
Và có lẽ, hình ảnh gần gũi và thân thương nhất đối với bất kì ai có dịp đến với biển miền Trung là những người phụ nữ cần cù chịu thương chịu khó. Những con người ấy vẫn hằng ngày lam lũ với công việc đồng áng, lo cho gia đình mình từng bữa cơm. Khát khao, niềm vui và nghị lực để giúp họ vượt qua những khó khăn chính là nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình được cắp sách đến trường để sau này có được cuộc sống tốt hơn ba mẹ chúng. Và có thể chúng sẽ làm cho miền quê nghèo ngày càng phát triển.
Dáng tảo tần của người phụ nữ – Ảnh: Tran Bao Cam
Thế nhưng, cuộc sống đâu phải chỉ có nụ cười. Biển còn chứng kiến sự ra đi mãi mãi của con người, của những trụ cột gia đình, lấy đi máu và nước mắt của những người ở lại; chứng kiến nét mặt buồn bã của ngư dân những khi thuyền đánh bắt trở về thu hoạch không đáng kể, hay những khi dù thuyền về nặng trĩu, nhưng bữa cơm hôm ấy gia đình chỉ lặng lẽ nhìn nhau, nuốt miếng cơm một cách khó nhọc bởi mâm cơm toàn những món từ cá tôm – những món mà ban sáng không bán được.
Phút lặng lẽ của người đàn ông trụ cột gia đình – Ảnh: Đỗ Văn Minh
Không chỉ thế, mỗi năm, dù đã đóng cọc tre, bạch đàn và bao cát chắn sóng nhưng cứ đến mùa bão lũ, hàng trăm ha đất các tỉnh dọc dài ven biển miền Trung lại bị cuốn phăng ra biển, làm hàng ngàn hộ dân mất đất, mất nhà. Để giữ đất, giữ làng, giữ nhà cửa, vườn tược… hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư xây kè chắn sóng, xây khu dân cư. Những cố gắng, nỗ lực đã được ghi nhận, nhưng vẫn còn đó hàng ngàn hộ dân nơm nớp vì cuộc sống vẫn “treo” trên đầu con sóng.
Những con đê chắn sóng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – Ảnh: Le Hong Ha
Nhưng dù sao, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Người dân vẫn phải tiếp tục bám biển kiếm sống như một lẽ tự nhiên. Bỏ qua những bãi biển nổi tiếng như Lăng Cô, Mỹ Khê, Nha Trang… mà vào tận cùng nơi có những hộ dân quây quần thành vùng, kiếm sống chủ yếu nhờ biển cả của vùng biển miền Trung, người ta sẽ bắt gặp những hàng phi lao xanh mướt, rì rào sóng vỗ bờ với bãi cát trải dài vắng lặng hoang sơ. Sẽ chẳng có hàng quán ăn uống nào, không có nhà nghỉ, khách sạn xa hoa và những khu vui chơi giải trí, chỉ có con người và mảnh đất ấy đón chào bạn bằng tất cả sự nhiệt thành đối với khách phương xa.
Khu tập trung ngư dân ở bãi biển Hải Hòa, Thanh Hóa – Ảnh: Đỗ Văn Minh
Sáng sớm đón bình minh có vẻ là một việc thú vị chắc chắn phải làm nếu như đi du lịch biển, nhưng hãy thử cảm giác cùng kéo lưới lúc mặt trời lên với người dân ở đấy, chiêm ngưỡng những chú cá tươi còn nhảy tanh tách vui tai như bản nhạc thiên nhiên, họ – những người dân hồn hậu sẽ tặng bạn vài chiến lợi phẩm của buổi hôm ấy, hay chính tay họ sẽ chế biến và mời bạn thưởng thức, nhấp chút rượu và nghe họ kể những câu chuyện đặc biệt của dân biển, mới thấy ấm lòng biết bao tình cảm người dân biển miền Trung.
Kéo thuyền về lúc sáng sớm – Ảnh: Tran Bao Cam
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Khánh Hòa
Miền Trung quê hương đó, người dân quanh năm chỉ biết có ruộng đồng, con tôm con cá nhưng sức sống mãnh liệt tưởng như không bao giờ cạn. Những dáng hình lam lũ, nhưng tiếng cười, những ánh mắt trong veo, những con thuyền vẫn ngày ngày ra khơi… tất cả như tiếp thêm sức mạnh cho con người cùng đoàn kết vươn lên.
Thương lắm biển miền Trung – Ảnh: Đỗ Văn Minh
Xem thêm: Các khách sạn tại Quảng Ngãi
Dải đất hình chữ S thương lắm khúc ruột miền Trung. Rừng vàng, biển bạc đó, nhưng sao vẫn không thôi nghèo, thôi khổ miền Trung ơi! Có lẽ hơn hết là mong muốn miền Trung sẽ không còn thiên tai, miền Trung sẽ phát triển, tự vươn lên với những tài sản quý giá thiên nhiên ban tặng.
Hoa Cát – Kinhnghiemditour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour..
Leave a Reply
View Comments