Nét độc đáo của Quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hoà quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị.
Trang phục Quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người Quan họ – Bắc Ninh.
Độc đáo trang phục Quan họ
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Bắc Ninh
DUYÊN DÁNG VỚI “ÁO MỚ BA MỚ BẢY”
Trang phục liền chị thường được gọi là “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau, gọi là mớ ba hoặc bảy áo dài lồng vào nhau gọi là mớ bảy. Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba.
Trang phục của liền chị
Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ. Loại này thường dùng cho trung niên. Riêng yếm cổ viền thì dùng cho lứa tuổi trẻ. Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn.
Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v.
Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà. Yếm thường nhuộm màu đỏ, các cụ gọi là yếm thắm, vàng thư, xanh da trời, hồng nhạt, hồ thủy… Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng.
Bao của các cô gái Quan họ xưa thường sử dụng chất liệu sồi se, màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng.
Thắt lưng thường là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Cũng tương tự yếm, thắt lưng làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thủy. Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái.
Nón quai thao và dải yếm trắng không thể thiếu trong trang phục hát quan họ
Liền chị mặc váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép với váy trong bằng lụa, vải màu, lương, the, đoạn. Váy ngoài bằng the, lụa, màu đen. Người biết mặc váy khéo là không để váy hớt trước, không để váy quây trũn lấy người như mặc quần mà phải thu xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm đôi con khoai phía gót chân.
Liền chị mang dép cong làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công, có một vòng tròn bằng da trâu mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai khiến khi đi lại, không rơi được dép. Mũi dép uốn cong và người thợ làm dép phải biết nện, thuộc cho mũi dép cứng, như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân. Ngoài áo, quần, thắt lưng, dép, người liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao và thắt lưng đeo dây xà tích.
ĐỘC ĐÁO ÁO DÀI 5 THÂN
Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài quá gối. Thường bên trong, các liền anh mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the hoặc đối với người khá giả hơn thế áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh…gọi là áo kép.
Trang phục của liền anh
Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần.
Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Trước kia, đàn ông cũng nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu, nay không còn. Cùng với quần, áo, khăn xếp, dép… các liền anh dùng ô đen. Các phụ kiện khác là khăn tay, lược, những “xa xỉ phẩm” theo quan niệm thời xưa. Khăn tay bằng lụa hoặc bằng vải trắng rộng, gấp nếp và gài trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong.
Trang phục Quan họ ở đây được hiểu một cách tổng thể những gì mà các liền anh, liền chị sử dụng và hoá trang trong khi sinh hoạt và biểu diễn Quan họ. Như vậy, ngoài quần, váy và áo, còn có khăn, thắt lưng, nón, dây xà tích. Cho tới nay, mặc dù dưới những tác động của những xu hướng hiện đại hóa trong trang phục nói chung, trang phục của người Quan họ cũng đã có những biến đổi ít nhiều, đặc biệt là chất liệu vải, màu sắc và cả sự giản lược một vài thứ khác nữa.
Quan họ Bắc Ninh – làn điệu dân ca tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam
Xem thêm: Các tour du lịch Bắc Ninh
Văn hóa Quan họ không chỉ được biểu hiện trên phương diện âm nhạc và các hình thức ca hát mà nó còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục, bao gồm cả trang phục nam (liền anh) và trang phục nữ (liền chị) bên cạnh nhiều yếu tố khác như lời ca, dáng điệu, thái độ ứng xử .v.v. Đó là sự tổng hoà các quan hệ giữa các yếu tố, những đặc trưng trong văn hóa vùng miền với nét độc đáo riêng trong âm nhạc, vừa tạo nên sự thống nhất lại vừa tạo ra sắc thái độc đáo riêng không có nhiều trong các loại hình âm nhạc khác.
Leave a Reply
View Comments