Sài Gòn ngày nay đã khác khi xưa rất nhiều, bởi Sài Gòn ngày càng đô thị hóa – văn minh – hiện đại, trở thành đô thị lớn của đất nước. Dù vậy, Sài Gòn xưa vẫn luôn hiện diện đẹp đẽ trong lòng những ai yêu mến mảnh đất tươi đẹp này. Sài Gòn lại càng được quan tâm nhiều hơn nữa, yêu thương nhiều hơn nữa khi được ngắm nhìn qua bộ ảnh táo bạo và sáng tạo dự kiến xuất bản đầu năm 2015 của chàng kiến trúc sư trẻ Lê Hưng Trọng.
Sài Gòn, nay đã được mang tên là thành phố Hồ Chí Minh, là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Về diện tích, thành phố Hồ Chí Minh lớn thứ nhì, chỉ sau Hà Nội và cùng với thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt của Việt Nam.
Một góc Sài Gòn yên bình đón chào ngày mới – Ảnh: Trần Hải Hậu
Mảnh đất trù phú này ban đầu còn có tên là Prey Nokor, sau đó được nhà Nguyễn khai phá. Cuối thế kỉ XVII, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời của thành phố mới này. Trong công cuộc khai thác thuộc địa, người Pháp gọi Gia Định là Sài Gòn, trở thành đô thị quan trọng của Đông Dương và nhanh chóng phát triển. Rồi khi đất nước được độc lập và thống nhất, Quốc hội đã chính thức đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua bao năm Sài Gòn vẫn là tên khá phổ biến mà người dân địa phương và du khách quốc tế gợi nhớ về.
Sài Gòn khi xưa – Ảnh: Sưu tầm
Sài Gòn đã hơn 300 tuổi, Sài Gòn chứa đựng nhiều tình cảm của bao thế hệ. Mảnh đất này thương yêu bao đồng bào, từ người miền Tây sông nước dân dã hay miền Trung sương muối,… Chính vì lẽ đó, người từ khắp mọi miền đất nước thường chọn Sài Gòn là nơi di cư đến để bắt đầu cuộc sống mới, là nơi sinh viên các tỉnh đổ về để học tập…
Có biết bao bài thơ, bài ca, những bức ảnh, đoạn phim ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của Sài Gòn. Trong đó, cuốn sách ảnh vẽ Sài Gòn xưa của kiến trúc sư trẻ Lê Hưng Trọng đã mang đến những rung động cảm xúc vừa lạ lại vừa quen cho bao người. Chàng trai đầy tài năng này từng đoạt giải nhất cho phương án đường hoa Nguyễn Huệ vào năm 2011, đồng thời anh cũng là tác giả của biểu tượng nàng tiên cá hai đuôi của Starbucks.
Trọng Lee (nickname của Lê Hưng Trọng) đầy tâm huyết với cuốn sách ảnh “Sài Gòn xưa”- Ảnh: NVCC
Sài Gòn xưa – cuốn sách ảnh đang “sốt” từng ngày – Ảnh: Lê Hưng Trọng
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hồ Chí Minh
Cuốn sách ảnh nghệ thuật bằng màu nước theo phong cách thần tiên rất riêng sẽ được anh xuất bản đầu năm 2015. Cuốn sách này như một món quà đặc biệt anh dành tặng mảnh đất Sài Gòn – nơi anh gắn bó phần lớn quãng đời tuổi trẻ của chính mình.
Bảng phác thảo màu nước của những tranh vẽ đầu tiên – Ảnh: Lê Hưng Trọng
Vẫn nét cọ thần tiên, uyển chuyển, chàng kiến trúc sư trẻ đã biến hóa Sài Gòn trở nên cổ tích theo lối nghệ thuật Artlines hiện đại nhưng mang đầy hoài niệm. Sài Gòn vốn dĩ đã đẹp, rất đẹp nhưng trong ảnh của kiến trúc sư trẻ này, Sài Gòn lại đẹp thêm một cách huyền ảo, đầy cá tính và đầy sức quyến rũ.
Ảnh bìa đặc sắc của Sài Gòn xưa – Ảnh: Lê Hưng Trọng
Nhiều công trình kiến trúc độc đáo, những biểu tượng đặc sắc của Sài Gòn cũng được tái hiện trong cuốn sách ảnh như: nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, thương xá Tax, UBND thành phố, chợ Bến Thành…
1. NHÀ THỜ ĐỨC BÀ
Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình kiến trúc của người Pháp xây dựng tại Sài Gòn. Kiến trúc của nhà thờ đồ sộ, sừng sững, cao to nhưng đồng thời mang vẻ đẹp lộng lẫy, hoài cổ của thời gian. Nhà thờ Đức Bà là nơi bồi đắp, dung dưỡng niềm tin yêu của những người theo đạo Công giáo, đồng thời, Vương cung thánh đường này là biểu tượng đặc trưng, và cũng là niềm tự hào của những con chiên ngoan đạo nói riêng và người dân Sài thành nói chung.
Vào mỗi cuối tuần – ngày Chủ Nhật – và những dịp lễ lớn của tôn giáo Thiên Chúa, những tiếng chuông nhà thờ lại ngân vang, những bài hát thánh ca được cất lên tạo nên cả không gian thanh bình, dịu êm. Nhà thờ Lớn này còn là nơi du khách trong và ngoài nước đến để tham quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm và cầu nguyện.
Kiến trúc cổ kính nhưng không kém phần nguy nga, lộng lẫy của Nhà thờ Đức Bà Chánh Tòa – Ảnh: daihocsi
Tượng Đức Mẹ mang một vẻ đẹp dịu dàng tinh khôi – Ảnh: Người Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà lung linh giữa Sài Thành – Ảnh: Doan Tran Hoang Vu
Nhà thờ Đức Bà cổ kính là thế, nhưng qua bức vẽ của Lê Hưng Trọng, nhà thờ mang vẻ đẹp rất khác. Đó chính nét vẽ mang phong cách thần tiên. Bức vẽ màu nước này như được thổi vào một sức sống mới, sức sống của chàng nghệ sĩ trẻ đầy tài năng. Nét vẽ uốn lượn, cong cong không theo một nguyên tắc nào, càng tô điểm thêm nét phá cách, rất ngông của tâm hồn chàng họa sĩ.
Bản phác thảo Nhà thờ Đức Bà – Ảnh: Lê Hưng Trọng
Nhà thờ Đức Bà là bức vẽ anh tâm đắc nhất – Ảnh: Lê Hưng Trọng
2. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh. Công trình kiến trúc của Ủy ban nhân dân thành phố mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Ủy ban nhân dân thành phố nằm cạnh đường Lê Thánh Tôn, là một trong những vị trí trung tâm của Sài thành.
Toàn cảnh kiến trúc bên ngoài của bưu điện ngày nay – Ảnh: Dong Le
Ủy ban nhân dân là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quận 1
Sài Gòn không thể thiếu Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, cũng như tác giả bộ ảnh vẫn tràn đầy tâm huyết với lọ mực, cọ vẽ để hoàn thành bức vẽ Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh trong bộ sưu tập chuẩn bị xuất bản. Nét vẽ có phần sáng tạo với những chi tiết được vẽ tỉ mỉ, trang trí thêm những họa tiết góp phần thu hút những ánh nhìn của người xem.
Bức ảnh màu của Ủy ban nhân dân thành phố những năm 1960 – Ảnh: Sưu tầm
Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh uy nghi lộng lẫy – Ảnh: Lê Trọng Hưng
3. THƯƠNG XÁ TAX
Thương xá Tax có lịch sử lâu đời, là một phần quan trọng của Sài Gòn xưa hoa lệ. Thương xá này đã từng là trung tâm thương mại lớn, là địa điểm mua sắm của giới thượng lưu Sài Gòn và điền chủ Lục tỉnh Nam Kỳ. Trước kia, thương xá Tax mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC), tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất của Sài Gòn, kinh doanh chủ yếu các mặt hàng nhập khẩu từ các nước phương Tây.
Trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng, Thương xá Tax cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc là biểu tượng của Sài Thành.
GMC trên báo Pháp năm 1925 – Ảnh: Les Potins De Paris
Thương xá Tax tọa lạc tại vị trí giao nhau đắc địa giữa phố Sài Gòn – Ảnh: Sưu tầm
Tuy nhiên, vào khoảng đầu tháng 10.2014, thương xá Tax đã bàn giao mặt bằng phục vụ cho công trình tháp thông gió của nhà ga Metro. Chia tay thương xá Tax khiến người dân địa phương và du khách quốc tế không khỏi ngỡ ngàng, tiếc nuối cho một di tích kiến trúc lâu đời. Nét đô thị xưa của Sài Gòn dần được thay thế, nhường chỗ cho những công trình quy mô và hiện đại hơn.
Thương xá Tax rực rỡ ánh đèn đón năm mới cuối cùng (năm 2014) – Ảnh: Vital Photography
Dẫu thế, những tình cảm của người dân dành cho thương xá Tax vẫn luôn vững bền cùng thời gian. Thương xá Tax đã từng là niềm tự hào của Sài thành, và sẽ luôn như thế. Trong bộ ảnh Sài Gòn xưa, Trọng Lee đã vẽ lại thương xá Tax ngộ nghĩnh, bo tròn như vòng giao nhau giữa các con đường. Chính sự xuất hiện của thương xá Tax trong bộ ảnh ấy như một lời gợi nhắc về những ngày tháng sầm uất, tấp nập của trung tâm thương mại này.
Thương xá Tax ngày nào giờ chỉ còn là hoài niệm – Ảnh: Lê Hưng Trọng
Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh
Mời bạn đón xem Độc đáo Sài Gòn xưa qua nét vẽ cổ tích của kiến trúc sư trẻ – Phần 2
Mỹ Phượng – Kinhnghiemditour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Kinhnghiemditour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Kinhnghiemditour..
Leave a Reply
View Comments