Đây vốn là vùng đất trũng có nhiều đầm lầy, ao hồ, rừng rậm. Do vậy mà xa xưa vùng đất này được gọi là “Lâm Thao” (rừng và nước). Cũng chính ở vùng sông nước ấy từ lâu đã thu hút dân cư các vùng về sinh cơ lập nghiệp bằng nhiều nghề như: trồng lúa, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản, buôn bán, làm thợ… tạo nên các làng xóm trong vùng Lâm Thao trù phú với nền văn hiến lâu đời. Vào thời vua Gia Long, vùng đất Lâm Thao được chọn là lỵ sở của huyện Lang Tài và đã được sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Lỵ sở huyện Lang Tài ở xã Kim Thao, luỹ tre, chu vi 92 trượng”.
Kim Thao là vùng đất trũng và cổ của tỉnh Bắc Ninh. Từ rất sớm nơi đây đã có con người đến sinh cơ lập nghiệp. Lâu dần tạo thành những cộng đồng làng xóm đông vui, các công trình kiến trúc văn hóa ra đời để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hiện nay thôn Kim Thao có các dòng họ lớn sinh sống lâu đời ở đây gồm: Phạm, Nguyễn, Ngô, Đặng, Trần, Đỗ, Hà, Vũ, Hoàng, Đào và họ Khúc. Tất cả các họ trong làng cùng nhau chung lưng đấu cật để tạo dựng làng xóm quê hương, vun trồng lên những thành quả văn hóa vật chất được thể hiện ở những thiết chế văn hóa (đình, chùa, miếu…) và văn hóa tinh thần được thể hiện ở phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo…
Hội họp trước đình
Xem thêm: Các khách sạn giá tốt ở Bắc Ninh
Cũng như nhiều làng xã khác của tỉnh Bắc Ninh, hình ảnh ngôi đình, cây đa, bến nước là biểu tượng của văn hóa làng quê. Đình làng không chỉ là nơi thờ Bản cảnh thành hoàng-người có công lập làng, đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước, mà còn là trụ sở hội họp của cả làng mỗi khi có việc nước, việc làng, đồng thời cũng là nơi diễn ra hội hè để dân làng vui chơi giải trí sau những vụ mùa lao động vất vả. Trải qua nhiều thế kỷ, những biến đổi của thời gian và chiến tranh, nhưng nhân dân vẫn giữ nguyên được các công trình văn hóa, tín ngưỡng của địa phương.
Hiện nay ngôi đình nằm ở trung tâm làng, quay theo hướng Nam, trong khuôn viên rộng 1.102m2, phía trước có ao làng rộng rãi, phía sau và hai bên đình là đường làng. Bình đồ kiến trúc của di tích gồm: Ao làng, Tam môn, Sân đình, Đại đình và Hậu cung.
Khuôn viên trong đình
Ngôi đình có bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh, gồm tòa Đại đình 3 gian 2 chái, nối phía sau là 3 gian Hậu cung. Tòa Đại đình xây dựng khá lớn với hệ thống 24 cột trụ, 4 bộ vì theo lối kẻ trường con chồng, tiền bẩy hậu bẩy. Mặt trước mở cửa bức bàn, ba gian giữa theo kiểu thượng song hạ bản, hai gian chái hồi để cửa chữ nhật cân xứng. Mái đình lợp ngói mũi trên nóc và bờ dải trang trí hoa chanh chạy xuống bốn góc đao tạo dáng thanh thoát nhẹ nhàng, hai bên nóc đình đắp hình hai con kìm mạnh mẽ chầu nhau. Trang trí kiến trúc của toà Đại đình tập trung ở những đầu bẩy trang trí rồng mây chạm nổi, con chồng vì nóc trang trí rồng chầu, hổ phù. Những bức cốn trang trí tứ linh: long, ly, quy, phượng với nhiều họa tiết, hoa văn sinh động. Ở đầu dư chạm thủng hình rồng có những hoa văn nét mác rất đẹp. Nghệ thuật chạm khắc trong đình Kim Thao rất tinh tế theo lối chạm nổi thể hiện những chủ đề tứ linh, hoa lá mang đặc trưng nghệ thuật của hai thời Lê-Nguyễn.
Tòa Đại đình có kích thước dài 20,50m, rộng 10,35 gồm 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc, khung gỗ lim chắc khoẻ. Các cột gian giữa đều được đặt trên một chân cột bằng đá nguyên khối, được các nghệ nhân xưa gọt đẽo công phu theo kiểu hình bầu, có các tràng hạt xung quanh. Gian giữa là nơi tôn nghiêm được trang trí bức cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ, chạm thủng với đề tài tứ linh tứ quý. Ở giữa phía trên có chữ “Thánh cung vạn tuế”, phía bên trong là bức hoành phi lớn đề 4 chữ “Bảo quốc hộ dân”, “Cao minh”, “Phú quý họ khang ninh”, phía dưới là hương án, trên bài trí các đồ thờ như đỉnh đồng, hạc đồng, nến đồng, bát hương, song bình…
Sảnh chính của đình
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bắc Ninh
Các cột ở gian giữa treo các bộ câu đối, trong đình còn có bài “Thông mục lục” được viết bằng chữ Nôm khá đẹp có niên đại khoảng thời Lê thế kỷ XVIII trong một bảng gỗ, xung quanh được bó viền, sơn son, có kích thước dài 1,80m, rộng 0,60m, xưa được treo ở gian giữa của đình. Bài Thông mục lục này thường được đọc trong những ngày làng vào đám.
Phía trước gian giữa là hệ thống cửa bức bàn, được đặt trên một ngưỡng cửa bằng đá liền khối chạy dọc hết gian giữa ở phía trước, ngưỡng cửa này có mộng gắn liền với 2 chân tảng của cột hiên.
Phía sau Đại đình là Hậu cung được nối tiếp bằng hệ thống kẻ góc và ngăn cách bằng hệ thống cửa ván ghép. Hậu cung gồm 3 gian kiến trúc vì theo kiểu kẻ chuyền giá chiêng rộng 7,8m, sâu 9m, hiện trên câu đầu phía trước Hậu cung còn ghi rõ dòng niên đại trùng tu: (Hoàng triều Thành Thái Quý Mão niên quý đông cát nhật trùng tu) “Nghĩa là đình được trùng tu vào ngày đẹp cuối mùa đông năm Quý Mão thời vua Thành Thái-1903”.
Bên trong Hậu cung được bài trí 3 ngai thờ đặt trên bệ gạch, phía trước là 3 mâm bồng, đài, nến, long đình… tất cả các hiện vật này đều có niên đại thời Lê-Nguyễn.
Phía trước sân đình có kích thước rộng rãi được lát bằng gạch, phía ngoài là hệ thống cửa tam quan được xây dựng bằng các cột trụ lồng đèn, bên ngoài và bên trong được trang trí các con vật linh khá đẹp, tạo cho không gian đình thêm uy nghi và bề thế.
Cuộc họp ở làng
Xem thêm: Các tour giá tốt ở Bắc Ninh
Đình làng Kim Thao hiện còn khá vững chắc, các công trình kiến trúc thường xuyên được tu bổ, các tài liệu, hiện vật và đồ thờ bảo quản tốt, nhân dân có ý thức bảo tồn và tôn tạo di sản của quê hương. Công trình này mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân địa phương, trung tâm tín ngưỡng văn hóa, nơi bảo tồn các tài liệu, hiện vật và duy trì những phong tục tập quán của quê hương.
Với những giá trị cơ bản trên, đình làng Kim Thao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định và cấp bằng xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Quyết định số: 310/QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 1 năm 2011.
Leave a Reply
View Comments