Tổ Sư Nguyên Thiều là người Triều Châu, ông qua Việt Nam hoằng Pháp vào năm 1665 và cho dựng chùa Thập Tháp Di Đà. Vào khoảng năm 1683-1684, thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) Tổ Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa dựng chùa Vĩnh Ân (nay là Quốc Ân) tại chân đồi Hòa Thiên phía trái núi Ngự Bình nay thuộc phường Trường An, Huế. Thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với Phật giáo xứ Đàng Trong…
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Thừa Thiên Huế
Qua nhiều lần trùng tu nên chùa mang phong cách của nhiều triều đại khác nhau vì thế chùa là một tổng hợp các dấu ấn văn hóa của các thời kỳ.
Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, người sáng lập là một vị Thiền sư Nguyên Thiều. Lối kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Hai bên phải trái của sân chùa có bia Quốc Ân, bên trái có một bia nhưng không có chữ. Cạnh bia là hai cái am ở hai bên để thờ Thánh Mẫu và Ngũ Hành. Trong chánh điện, có bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là Hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường), các tượng khí này đều do Tổ Nguyên Thiều mang đến từ Trung Hoa. Hậu liêu thờ chân dung Tổ Nguyên Thiều và nhiều long vị của chư tổ và chư vị trú trì kế thế… Phía đông của chùa là nhà ăn và phòng khách, phía tây làm tăng xá, sau là nhà thờ linh, quanh vườn có 9 tháp và nhiều ngôi mộ. Năm 2013 chùa còn được tôn tạo, sửa chữa lại khuôn viên khang trang, đẹp thêm.
Chùa Quốc Ân là một di tích Phật giáo quan trọng, là điểm dừng chân, nơi sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và tài đức. Chùa Quốc Ân với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô thêm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị.
Leave a Reply
View Comments