Ngày xưa, nơi đây là một gò đất cao mọc đầy dây kén nên dân gian gọi là Gò Kén, tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay dẫu loại dây kén đã hoàn toàn biến mất từ lâu. Do đó, chùa Thiền Lâm còn được dân gian gọi là chùa Gò Kén cho đến bây giờ.
Chùa Thiền Lâm do hoà thượng Thích Trí Lượng khởi xây với hình thức ban đầu tre lá đơn sơ từ cuối thế kỷ XIX. Thiền Lâm là một trong những ngôi chùa cổ ra đời sớm nhất ở Tây Ninh.
Vào năm 1925, hoà thượng Thích Từ Phong (tên huý là Như Nhãn), đệ tử của hoà thượng Thích Trí Lượng cùng các tín đồ phật giáo đã xây dựng ngôi chùa lại kiên cố trên một khuôn viên rộng 20.000m2 (ngày nay diện tích này đã bị thu hẹp lại).
Quả thật, ngôi chùa mọc lên giữa một khung cảnh thiên nhiên rất nên thơ, con đường đất đỏ đi vào chùa quanh năm yên ả dưới những bóng cây xanh rợp mát. Hai bên đường còn có những thửa ruộng rì rào tiếng lúa reo trong gió và những ao sen rộ nở vào mùa.
Trên sân chùa, dưới bóng cây bồ đề toả rộng là tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni khá to đang tham thiền được chùa xây vào năm 2009. Bên cạnh đó là một tượng đài Đức Quan Thế Âm Bồ tát và các ngôi bảo tháp của các đời hoà thượng trụ trì.
Chùa được xây dựng (theo bản vẽ của kiến trúc sư Học Đình) có chiều dài 30m và rộng 15m, khác hẳn với các chùa cổ trong tỉnh. Quần thể cả ngôi chùa là một kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, nửa cổ kính, nửa hiện đại. Chùa gồm 6 gian và 2 chái. Chái phân bố theo mô hình Đông lang và Tây lang.
Vách xây gạch men màu xanh lam, mái ngói, cửa chính hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi. Nhà tổ của chùa lại nằm ngang so với chính điện giống như kiến trúc nhà chữ Đinh. Cách bài trí và thờ tự bên trong chánh điện cũng khác hẳn các chùa khác. Chùa còn giữ gìn chu đáo các dụng cụ thờ tự cổ như trống sấm và đại hồng chung có tuổi trên nửa thế kỷ bên cạnh nhiều tượng Phật bằng gỗ có giá trị cao. Hiện nay, chùa đã xây dựng thêm một số công trình phục vụ sinh hoạt khác.
Ngôi chùa với kiến trúc khác lạ – Ảnh: Sưu tầm
Là một chùa Phật nhưng tại nơi này ngày 18.11.1926 tức 15.10 Bính Dần đạo Cao Đài chính thức thành lập. Hoà Thượng Như Nhãn đã cho các vị chức sắc cao cấp của Cao Đài mượn chùa trong một thời gian để tiến hành lễ khai đạo vì trong thời gian đó Toà thánh Cao Đài Tây Ninh chưa được xây dựng.
Năm 1970, chùa đã được trùng tu khang trang hơn. Tháng 7.2007, Đại đức Thích Thiện Nghĩa, trụ trì chùa hiện nay đã cho tu bổ, xây dựng thêm các công trình mới tạo nên một diện mạo mới cho ngôi chùa, xứng đáng là một danh lam trong tỉnh.
Ngôi chùa xứng đáng là một danh lam trong tỉnh – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Tây Ninh
Bên cạnh các hoạt động phật sự, chùa Thiền Lâm thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện và đạt hiệu quả cao. Chùa đã tích cực tham gia cứu trợ người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm sóc người cao tuổi, đóng góp cho các hoạt động khuyến học của địa phương, kết hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc từ thiện cho đồng bào các vùng biên giới, nông thôn sâu. Mỗi năm, chùa đã vận động, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động kể trên, thể hiện cách sống tốt đời đẹp đạo theo phương châm “Dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Thiền Lâm thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện – Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Tây Ninh
Có dịp đến Tây Ninh, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Thiền Lâm, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
Leave a Reply
View Comments