Chùa Hội Linh tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ (nằm trong một con hẻm nhỏ cách đường 200m) có diện tích 6.500m2.
Chùa Hội Linh còn có tên gọi khác là Hội Linh Cổ Tự vì chùa đã tồn tại từ rất lâu nên có tên gọi như thế (từ lúc ra đời đến nay đã hơn một thế kỷ). Chùa thuộc dòng Lâm Tế Tông – một trong hai tông của Thiền tồn tại ở Nhật Bản, ngoài việc thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, còn thờ nhiều tượng Phật và Bồ Tát.
Mặt tiền Hội Linh Cổ Tự – Ảnh: wikipedia
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Cần Thơ
Chùa được thành lập vào năm Đinh Mùi – 1907 trên phần đất do ông Phạm Văn Bường và bà Nguyễn Thị Tám hiến tặng. Ban đầu Chùa được xây cất rất đơn sơ, vật liệu chỉ là tre lá và đặt tên là Hội Long Tự. Ngoài ra chùa còn có tên gọi khác là chùa Xẻo Cạn vì cạnh chùa trước đây có con rạch cạn nay đã bị bồi lắp. Sau nhiều năm chùa xuống cấp và được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, tại chùa còn lưu giữ hai bảng gỗ khắc công đức của 75 phật tử đóng góp xây dựng lại chùa. Và cái tên Hội Linh Cổ Tự ra đời từ đó.
Hội Linh Cổ Tự – Ảnh: wikipedia
Về mặt kiến trúc: chùa có đầy đủ cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường. Khi chúng ta đi từ ngoài vào sẽ đi qua Cổng tam quan nép mình dưới bóng cây bồ đề, một loại cây hay gặp ở nhà chùa, xung quanh là dãy tường rào hình cánh cung gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính vươn ra phía trước có hai lớp mái, các mái ngói của cổng chính và hai cổng phụ đều là mái cong được lợp bằng ngói âm dương màu xanh rất đẹp. Trên mái ngói cổng chính được điểm tô hình lưỡng long tranh châu, một loại hình trang trí rất thường gặp ở chùa, đình Nam Bộ. Hai bên cổng chính đôi câu đối bằng chữ Hán:
Hội thượng diên chân chùa tiếp dân thập phương quy giác lộ
Linh sơn khai nhãn tạng đề huế tứ chúng xuất mê tân.
Hai câu có nghĩa: Chùa là nơi hội tụ mọi người không phân biệt người sang hèn ai cũng có quyền đến để nghe phật pháp, được hướng dẫn lời Phật dạy, dạy bảo con người vào con đường hiền lành, hạnh phúc sáng sủa.
Ba bàn thờ Phật trong chính điện – Ảnh: wikipedia
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Cần Thơ
Sau cổng chính là ao sen hình bán nguyệt rộng 25m2. Giữa ao có tượng đài lộ thiên Quan Thế Âm Bồ Tát cao gần 3m xung quanh trồng những cây dương liễu rũ nhánh soi bóng dưới ao. Sở dĩ có hình ảnh cây dương liễu vì đây là một trong số hình ảnh biểu trưng cho phẩm hạnh của Bồ tát. Cành dương liễu yếu mềm dẻo dai khó gãy, gió chiều nào theo chiều đó nhưng không gãy tượng trưng cho sự nhẫn nhịn. Cổng trái là lối đi chính vào chùa. Bên trái có bảo tháp cao hơn 10m, là nơi yên nghỉ của các cố hòa thượng sáng lập chùa. Bên phải là miếu Thổ Thần, bên trái là miếu Ngũ Hành trong sân còn trồng rất nhiều cây kiểng đẹp tạo không khí bình yên chốn tu hành. Khi bước vào sân chùa ta thấy phòng thuốc từ thiện và bảo tháp là nơi chôn cất thể hiện quy luật sinh lão bệnh tử của đời người, qua đó cho ta thấy được kiến thức thâm sâu của các vị hòa thượng và trụ trì được thể hiện rất rõ qua cách bày trí đặc biệt này.
Một trong số tháp mộ cổ ở bên hông chùa vừa được trùng tu – Ảnh: wikipedia
Chánh điện rộng 288m2, nóc cao hơn 9m, có hai cửa chính đi vào, chia làm 3 gian. Ở mặt tiền phần trên là 3 gian cổ lầu, ở giữa là Phật A Di Đà hai bên là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát. Nóc được lợp bằng vật liệu xi măng đúc hình vảy cá, trên đỉnh là hình búp sen bên cạnh đó là cách trang trí bằng hình ảnh dây lá. Điện thờ chính có 3 gian nhỏ, bên trong thờ nhiều tượng phật rất uy nghi. Tại 3 gian thờ có treo các bức hoành phi được khắc bằng chữ Hán. Điện thờ chính giữa các khung bao lam được chạm khắc rất công phu hình ảnh cây, hoa, lá, rồng, phụng, hưu sơn son thếp vàng. Chùa được xây dựng bằng vật liệu gạch, xi măng, gỗ, mái lợp ngói, nền lót gạch tàu, hệ thống vòm mái được nâng đỡ bằng hàng cột gỗ lim đường kính 25 cm. Điểm đặc biệt là cột bằng gỗ, chân đế bằng đá tảng, trụ xi măng chạm trổ hình hoa sen nhìn rất đẹp mắt, trên mỗi cột đều có hàng liễn đối bằng chữ Hán. Các khung bao lam nơi chánh điện và điện thờ được chạm trổ rất công phu, trên mỗi cột đều có hàng liễn đối. Các hoa văn được chạm trổ đều theo nguyên tắc truyền thống long, quy, phụng, hưu, mai, lan, cúc, trúc, sen.
Ngoài lối kiến trúc độc đáo nhà chùa còn lưu giữ được những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc. Đó chính là hệ thống tượng thờ, có hơn 100 tượng thờ lớn nhỏ trong đó có những tượng bằng gỗ được chạm trổ rất công phu như tượng Chuẩn Đề 18 tay cưỡi khổng tước, Địa Tạng hay nhóm tượng Phật La Hán được xem là nhóm tượng quý, đẹp. Nhưng nổi bật hơn nữa là tượng ông Giám Trai ngồi trên bệ gỗ, tay cầm búa, ở trần lộ rõ bộ xương. Ông là người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp lửa, nấu cơm cho chúng tăng, ông là hiện thân của đức hi sinh. Và có thể nói tài hoa của các nghệ nhân lúc bấy giờ thể hiện rất rõ nét qua bức tượng này. Bên cạnh đó còn có bộ binh khí mười sáu món vũ khí chói chang. Ngoài lối kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Hội Linh Cổ Tự còn được biết đến với vai trò là một cơ sở cách mạng.
Bàn thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề trong giảng đường chùa – Ảnh: wikipedia
Xem thêm: Các tour du lịch Cần Thơ
Chùa đã gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân Cần Thơ. Chùa là cơ sở bí mật của cách mạng, các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng đã che chở, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng. Năm 1946 để bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây Hòa thượng Thích Pháp Thân đã đốt một phần ngôi chánh điện của chùa, điều này thể hiện sự hi sinh to lớn của nhà chùa và tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. Sau hiệp định Geneve, chùa Hội Linh tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ bám trụ hoạt động. Địch nghi chùa Hội Linh là cơ sở “Việt cộng nằm vùng” nên đã tiến hành vây bắt tra tấn dã man nhưng tất cả chư tăng, phật tử đều vững lòng kiên trung với cách mạng cho đến ngày giải phòng miền Nam thống nhất đất nước.
Với những đóng góp và công lao to lớn ấy, nhà nước đã trao tặng cho nhà chùa, các vị hòa thượng trụ trì, các phật tử chung quanh chùa nhiều bằng khen và huân chương. Đã công nhận liệt sĩ đối với ông Dương Văn Đề ( tức Hòa thượng Thích Pháp Thân) và tặng huy chương kháng chiến hạng Nhất cho chùa Hội Linh. Bộ Văn hóa Thông Tin đã công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/06/1993.
Kinhnghiemditour.vn – Nguồn: tổng hợp
Leave a Reply
View Comments