Chùa Giác Viên

Nơi đây, tại bến Hố Đất vào năm 1798 khi trùng tu lần thứ nhất ngôi chùa Giác Lâm, Hoà thượng Viên Quang đã cho ông Hương Đăng đến dựng lều ở tạm, trông coi gỗ trước khi kéo lên đồi, dùng làm cột trùng tu chùa. Từ đấy, khi dưới bến lên, mọi người thấy có nơi thờ tự bèn vào thắp nhang, lạy Phật và cúng dường. Mãi đến khi việc chuyển gỗ trùng tu chùa đã xong, làm lễ lạc thành năm Giáp Tý 1804, am nhỏ thờ Quan Am tại đây được sửa chữa lại khang trang hơn, mang tên Quan Am các. Khi ông Hương Đăng đã qui tịch, Hoà thượng Hải Tịnh cử một đệ tử của mình là Minh Vi sang trông coi Quan Am các. Năm 1850, Hoà thượng Hải Tịnh đổi Quan Am các thành chùa Giác Viên.

Cho đến nay, chùa trải qua hai lần trùng tu lớn vào những năm 1899 – 1902 dưới thời Hoà thượng Như Nhu trụ trì và 1908 – 1910 dưới thời Hòa thượng Như Phòng.

 

Chùa Giác Viên còn giữ được sau chùa một cây Bạch mai cành lá sum suê, một ngôi miếu Ngũ hành và mấy ngôi tháp tổ. Với dạng kiến trúc mang tính tổng hợp của nhiều chất liệu, nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó ảnh hưởng Tây phương khá rõ qua mặt tiền xây gạch với nữa vòng cung, với trụ vuông cửa hàng rào trước chùa, nhưng nhìn chung, chùa Giác Viên vẫn còn giữ được đường nét cổ kính trong cấu trúc mặt bằng, kết cấu mái nhà, sườn nhà …

Tại chùa Giác Viên các bàn thờ được làm bằng gỗ quý, đen bóng, gờ mặt và chân không có chạm trổ, chỉ có rèm phía trước là được chạm lộng khá công phu. Chùa có 153 pho tượng, chủ yếu là tượng gỗ, tập trung tại chánh điện. Đặc biệt, tại nhà tổ, ngoài các chân dung của tổ, chùa còn đặc thờ tượng ba vị tổ khai sáng chùa. Tượng chùa Giác Viên đa số được tạo vào cuối thế kỷ XIX nên phong cách nghệ thuật khác khác biệt so với chùa Giác Lâm. Anh hưởng Hán đã nhạt dần, người xem chỉ thấy phảng phất nơi đây khuôn mặt của người dân Nam Bộ.

Đặc biệt qua các tượng thờ, ta còn bắt gặp nét đặc sắc trong nghệ thuật chạm khắc gỗ, thể hiện qua bộ sám bài. Đây là hình ảnh riêng biệt, độc đáo, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt buổi đầu của các thiền sư tại vùng đất mới.

 

Ở các chùa cổ, chùa nào cũng có một số bao lam ở chánh điện nhưng đặc biệt tại chùa Giác Viên có 60 bao lam lớn nhỏ, với những chủ đề như Thập bát La Hán, Bá điểu, Tô Vũ chăn dê, Ngư tiều canh độc … đã mang lại cho chùa Giác Viên một giá trị về nghệ thuật chạm khắc gỗ. Bao lam ở nhà tổ được chạm lộng hai mặt cho thấy cùng một hình ảnh của các con vật, của hoa lá … được khắc ở mặt trước, thì mặt sau của bao lam cũng thể hiện đúng như vậy. Đây là công trình quý, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ của Gia Định – Sài Gòn thế kỷ XIX.

Bao lam Thập bát La Hán là bao lam chạm lộng nhưng có kết hợp với tượng, La Hán với tư thế ngồi, chân co, chân duỗi, tay cầm vật tượng trưng cho tính cách của mình, các La Hán trên bao lam chùa Giác Viên đã mang lại nét tươi vui, sinh động cho người xem qua gương mặt hiền hòa, phúc hậu. Ta không tìm thấy nết ưu tư, phiền não, khắc khổ trong tác phẩm … những điều ấy góp phần nói lên tính chất no đủ, sung túc của cư dân vùng đất mới. Với những con vật dùng để cuỡi như con bò, dê, heo, trâu, thậm chí là những chú chó tinh nghịch… đã mang lại cho Phật giáo một tính cách dân dã, đã được bình dân hóa.

 

Đặc biệt là bao lam Bá điểu : cùng trên một bao lam có chiều dài 3m và ngang 2,2m mà 94 con chim lớn nhỏ đã được chạm khắc. Trong thế giới chim muông ấy, không hiếm những con thường thấy xuất hiện trên họa tiết điêu khắc như : Loan, Phụng, Công, Trĩ … nhưng đặc biệt qua bao lam, người xem như gần gũi hơn với ruộng đồng Nam Bộ, qua hình ảnh của chim sẻ, chim bói cá, chào mào, họa mi, le le … Mỗi con một tư thế : con bay, con đậu, con ngủ, con rỉa mồi, chim mẹ mớm con, thậm chí có những đôi chim đang âu yếm bên nhau…

Chùa Giác Viên còn là một trung tâm ứng phú của vùng Gia Định, cuối thế kỷ XIX. Thiền sư Hải Tịnh đã đứng ra tổ chức trung tâm này. Thiền sư được triều đình Huế mời ra kinh đô dạy đạo cho nội cung hoàng gia, được phong Tăng cang, ban cho võng, lọng, trang phục… những di vật này một phần vẫn còn lưu giữ tại chùa. Tăng cang Hải Tịnh đã tổ chức tại chùa nhiều khóa ứng phú, thu hút tăng sĩ các nơi về tu học, kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh trung tâm đào tạo tăng sĩ chuyên sâu vào kinh điển và giới luật là chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên cũng góp vào sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo Nam Bộ thế kỷ XIX, XX một nét độc đáo.

Dưới thời tổ Minh Khiêm, chùa Giác Viên, còn là nơi in ấn, trùng khắc những kinh sách quý hiếm. Bộ luật Trường Hàng đã được diễn Nôm và in ấn tại đây. Hiện các bản khắc gỗ của bộ luật Trường Hàng vẫn còn lưu giữ tại chùa. Vào những năm sau này, chùa Giác Viên còn là nơi khai mở trường Phật học Lục Hòa ( 1952 ), một trường thuộc Giáo Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Sau nhiều năm từ 1968, trường đã góp phần đào tạo nhiều tăng tài, được bổ về trụ trì các chùa ở Nam Bộ. Một phần công lao đó là của Thượng tọa Huệ Chí, nhiều năm đã phụ trách ngôi trường này.

Là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu giữ được giác trị nghệ thuật độc đáo về điêu khắc tượng thờ, chạm lộng trên bao lam … chùa Giác Viên với những hiện vật này đã góp phần minh chứng cho một nền Phật giáo nhập thế, mang tính thực tiễn cao, đi vào cuộc đời, một đạo Phật đã được dân gian hóa, trở về gần gũi hơn với cuộc sống con người.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.