Chợ phiên Bắc Kan

Cứ mỗi độ xuân về, tại vùng cao Bắc Kạn, đồng bào người Tày, Nùng, Dao, Mông… lại náo nức xuống chợ. Khác với những phiên chợ ngày thường, chợ tết nơi đây đông vui như ngày hội. Đến chợ phiên mới thấy: Tết đã về.

 

Tại Bắc Kạn, ngoài thị xã Bắc Kạn, tất cả các huyện đều họp chợ theo phiên. Chợ phiên tại Bắc Kạn thường họp 5 ngày một lần. Chợ họp trong một ngày, thường chỉ vào buổi sáng. Đối với phiên những ngày gần Tết, chợ có thể họp sang chiều.  

 

Chợ phiên tại Bắc Kạn

Chợ phiên được họp từ sáng sớm tinh mơ đến trưa – Ảnh: Sưu tầm

 

Ngày từ chiều hôm trước, người dân đã chuẩn bị sát thóc, nào gà, nào lá dong, nào quả bưởi, quả chuối, nào rượu ngô… để ngày hôm sau, những loại nông sản của gia đình sẽ được mang đi chợ bán. Những người bán hàng ở xa đã lỉnh kỉnh trên xe với đủ thứ hàng hóa mang đến gần chợ phiên. Công việc chuẩn bị cho phiên chợ cũng không kém phần náo nhiệt, vì vậy, người dân gọi chiều trước phiên chợ là “chợ chiều”. Bác Hoàng Thị Nhình (huyện Bạch Thông) đang sắp xếp mấy cuộn lá dong cho biết: Từ hôm qua, bác và con dâu vừa đi lấy được mấy trăm lá dong, chặt được vài ống giang đem bán lấy tiền mua sắm tết.

 

Chợ phiên tại Bắc KạnMột chú chó con bị nhốt để đem ra chợ bán, chú chó khác đang đồng cảm với người bạn của mình – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Khách sạn tại Bắc Kạn 

 

Sáng hôm sau, từ sớm tinh mơ, mọi người đã gọi nhau đi chợ. Người có xe máy, ô tô thì việc mang hàng hóa đến chợ đỡ nặng nhọc hơn, người thồ bằng xe ngựa, người gùi, người tay xách, nách mang. Tiền bán những thứ nông sản của núi rừng hay do gia đình tự làm ra để trao đổi, mua sắm quần áo, vải vóc hay những mặt hàng cần sử dụng trong ngày tết như hoa, quả, bánh kẹo, đường, lạc, muối, dầu hỏa … Nếu như ở những thành phố lớn, người dân mua hoa tươi về cắm trong ngày Tết thì ở nơi đây, hoa vải, hoa nhựa được ưa chuộng. Ở Bắc Kạn, người dân còn nghèo lắm, với họ, hoa này làm đẹp trong ngày tết rồi có thể dùng được quanh năm.  

 

Chợ phiên tại Bắc KạnPhương tiện đến chợ cùng hàng hóa – Ảnh: Sưu  tầm

 

Phiên chợ tết vùng cao Bắc Kạn chỉ họp một ngày. Người đến chợ phiên có khi chỉ là đi chơi chứ không mua sắm gì. Ai nấy đều mặc váy áo đẹp nhất đi chợ tết. Những chàng trai, cô gái Mông, Dao gọi nhau í ới “pây chợ thôi” (xuống chợ thôi). Đến đây mới biết, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa nữa mà còn là nơi hẹn hò. Tại đây, họ mua tặng nhau những món quà làm kỷ niệm để nhớ mãi không quên, dù chỉ là chiếc cặp tóc, chiếc vòng hay đôi dép nhựa … Chợ tết đã thực sự gắn kết con người với con người.  

 

Chợ phiên tại Bắc KạnNhững chú lợn mán – Ảnh: Sưu tầm

 

Chợ phiên tại Bắc KạnCon dúi chỉ trên miền núi mới có – Ảnh: Sưu tầm

 

Chị Sằm Thị Núi, tại xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn cho biết: Vợ chồng chị quen nhau từ phiên chợ tết năm 2008. Đến nay, vợ chồng chị đã có con nhỏ. Từ đó đến nay, năm nào cả nhà cũng cùng đi chợ tết.

 

Háo hức hơn cả là những đứa trẻ được theo mẹ đi chợ. Đến chợ tết, con trẻ được mua đồ ăn, được mua sắm quần áo mới, vì thế, đây luôn là điều mong ước nhất của con trẻ.

 

Chợ phiên tại Bắc KạnGà con đem bán – Ảnh: Sưu tầm

 

Chợ phiên tại Bắc KạnĐều là cây nhà trồng được – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Tour du lịch Bắc Kạn  

 

Ở chợ phiên, người ta dường như quên đi thời gian. Đến trưa, mọi hoạt động mua bán chưa hết náo nhiệt. Những ngày này, việc ruộng đồng đã gác lại, bà con không vội vã. Đây là dịp để mỗi người gặp nhau, chia sẻ đủ thứ chuyện, nào chuyện sắm tết, nào gói bánh chưng, chuyện đụng lợn… Những quán rượu mở chỉ trong một ngày thêm đông. Ở đó, người ta cùng ăn bát phở, uống rượu ngô. Mùi rượu ngô đặc trưng khó người đàn ông nào có thể từ chối. Họ có thể uống đến say mèm, quên cả vợ con, quên cả đường về. Chỉ phiên chợ tết thôi mới có dịp như vậy. Bà con người Tày, Nùng có câu “Chợ nhì hả, bố hăn nả lè thai” (chợ ngày 25 (Tết), không thấy mặt nhau thì chết) nên ai cũng phải xuống chợ phiên cuối cùng của năm này.

 

Chợ phiên tại Bắc KạnBất cứ thứ gì có thể bán – Ảnh: Sưu tầm

 

Kết thúc chợ phiên, mọi người ra về với đầy làn, đầy túi những thứ cần dùng. Người bán hàng hối hả dọn hàng và hẹn khách ở phiên chợ Tết năm sau, đôi bạn tâm tình quyến luyến chưa muốn về, lũ trẻ hớn hở khoe đôi dép mới, quần áo mới vừa được mẹ mua… trong lòng mỗi người đều đọng lại những kỷ niệm khó phai về chợ phiên ngày Tết.

Đam mêm du lịch và trải nghiệm khám phá cuộc sống.