Tết là dịp mọi người sum vầy, quây quần quanh mâm cơm để trò chuyện, tâm sự về một năm đã qua. Mỗi một người, một gia đình sẽ có những khẩu vị khác nhau song có những món ăn ngày Tết mà không thể thiếu trong bất kỳ mâm cơm nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Các món ăn ngày Tết ở miền Bắc
1. Bánh chưng
Đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Bắc cũng là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam vẫn còn được sử sách nhắc lại. Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở.
Nguyên liệu của bánh chưng gồm có lá dong xanh tươi, gạo nếp, thịt ba chỉ và đậu xanh bóc vỏ. Khi gói bánh người ta xếp lớp lá dong ở dưới sau đó cho gạo nếp lên, tiếp tục đổ đỗ xanh đã được nấu chín vào rồi đặt những miếng thịt đã được tẩm ướp gia vị lên trên, lại đổ thêm một lớp đỗ và gạo vào rồi lấy lạt tre gói lá vào là xong.
Với những người khéo léo thì người ta sẽ gói trực tiếp, tuy nhiên thường thì sẽ đóng một khuôn gỗ hình vuông để bánh có hình thù đẹp mắt. Bánh chưng sẽ được luộc liên tục trong khoảng từ 8 đến 10 tiếng để các nguyên liệu được thơm ngon và đậm đà nhất.
2. Xôi gấc
Đây cũng là một món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cơm của các gia đình miền Bắc. Xôi gấc là một loại xôi có màu đỏ đặc trưng của gấc và trong dân gian, người ta quan niệm rằng màu này đem đến may mắn cho mọi người nên khi cúng gia tiên hay đãi khách trong những ngày Tết, nhà ai cũng sẽ có 1 đĩa xôi gấc.
Để làm món này thì trước tiên bạn phải bỏ quả gấc để lấy ruột rồi cho rượu trắng vào đánh nhuyễn. Sau đó đem chúng trộn với gạo nếp đã được ngâm qua đêm và cho vào trong chõ đặt trên nồi hơi để hấp. Cứ đun đều lửa đến khi gấc đỏ thẫm là xôi đã chín.
Khi ăn xôi người ta có thể ăn kèm với đậu xanh bùi bùi, dừa nạo hoặc nước cốt dừa beo béo sẽ làm món ăn trở nên cực kỳ hút luôn đấy.
3. Gà luộc
Đây có thể là một món ăn quen thuộc, bất kỳ lúc nào thích người ta cũng có thể được thưởng thức. Song, dù có thích ăn hay không thì món này cũng không thể thiếu, vì nó sẽ được sử dụng để cúng gia tiên, cũng giao thừa trong những ngày Tết của người miền Bắc với ý nghĩa là cầu gì được nấy và phúc đức đủ đầy.
4. Giò
Nói đến các món ăn ngày Tết của người miền Bắc mà bỏ qua giò thì cũng thật là thiếu sót. Ý nghĩa của món ăn này là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, nên nó thường được đặt ở chính giữa bàn ăn.
Nếu giò lụa được làm thuần từ thịt nạc heo xay nhuyễn gói bằng lá chuối rồi đem đi luộc chín, thì giò xào lại được làm công phu hơn với tai heo, lưỡi heo, thịt chân giò, mộc nhĩ, nấm hương, tiêu cùng các gia vị khác…Chúng sẽ được xào cùng nhau đến khi chín thì cho vào khuôn và đóng thành khối hình trụ bắt mắt.
Những miếng giò giòn dai thơm ngọt chắc chắn không chỉ là một món ăn khoái khẩu ngày Tết mà còn làm quà để biếu tặng bạn bè hay người thân cũng rất tuyệt vời đấy nhé.
5. Nem rán
Vẫn là món ăn rất quen trong cuộc sống thường nhật, song với người dân miền Bắc đặc biệt là những người Hà Nội xưa, trong mâm cơm ngày Tết của họ không bao giờ thiếu được món nem rán bên ngoài vàng óng, giòn rụm, bên trong thì chứa đầy thịt, mộc nhĩ và giá, chỉ nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay rồi.
6. Dưa hành
Dưa hành hay hành muối cùng với bánh chưng và thịt mỡ chính là món ăn ngày Tết không thể thiếu trong bữa cơm của người miền Bắc. Chẳng thế, mà ông cha ta xưa đã có câu:” Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Món này sẽ được sử dụng nguyên liệu chính là hành củ (hành trắng hoặc hành hương) muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Khi muối hành, người ta có thể thêm ít mía để lót dưới đáy vại và ít cải bẹ để đặt lên trên hành. Cái vị chua chua, mằn mặn, giòn giòn của hành muối mà ăn cùng bánh chưng hay thịt mỡ thì đảm bảo là bao nhiêu ngấy cũng đều tan biến hết luôn cho mà xem.
Các món ăn ngày Tết ở miền Trung
1. Bánh tét
Thay vì ăn bánh chưng xanh như người miền Bắc, ở miền Trung người ta lại sử dụng bánh tét hay còn gọi là bánh đòn. Loại bánh này xuất phát từ ẩm thực của một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam.
Nguyên liệu cũng như cách nấu tương tự với cách làm bánh chưng, tuy nhiên thay vì gói bằng lá dong người ta sẽ sử dụng lá chuối và hình dáng sẽ là hình trụ chứ không phải hình vuông như ở Bắc.
2. Nem chua
Nghe thì có vẻ hơi kỳ lạ nhưng vì đây là một trong những đặc sản của miền Trung nên họ đem làm món ăn truyền thống trong ngày Tết cũng rất dễ hiểu. Món ăn này được làm từ thịt heo, sau khi đã được tẩm ướp gia vị thì được gói lại trong lá ổi hoặc lá chùm ruột, bọc bên ngoài là lá chuối rồi để vài ngày cho có vị chua chua, cay cay, giòn giòn là ăn được. Khi ăn món này mà được “nhâm nhi” thêm vài chén rượu nữa là tuyệt cú mèo luôn đấy nhé.
3. Tôm chua
Có thể nói, người miền Trung rất thích sử dụng các đặc sản của mình để làm món ăn ngày Tết. Tôm chua là một món như vậy. Cái vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi, ớt, vị chua của khế, chát của vả và sự thanh mát của các loại rau thơm,…tạo nên một món ăn hấp dẫn khiến bất kì ai ăn qua một lần cũng sẽ phải nhớ mãi luôn đấy.
4. Chả bò
Chả bò hay còn được gọi là giò bò cũng là một món ăn vào dịp Tết vô cùng quen thuộc trong bàn ăn của người dân miền Trung. Thịt bò sẽ được xay nhuyễn sau đó đem đi ướp với các gia vị cho đậm đà rồi bọc trong lá chuối và đem đi hấp chín.
Khoanh chả bò màu đỏ hồng với đủ vị mặn, ngọt, giòn, dai, cay cay hòa quyện với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu đen đã làm nức lòng bao người khi đến miền Trung trong những ngày Tết cổ truyền.
5. Dưa món
Cũng là một món ăn chống ngán trong ngày Tết, song nếu miền Bắc chỉ sử dụng dưa hành thì ở miền Trung, người ta lại sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau như cà rốt, củ cải, đu đủ,…
Cách làm của nó cũng công phu hơn, trước tiên bạn phải cắt các nguyên liệu thành từng lát mỏng sau đó đem đi làm chín bằng cách sấy khô rồi mới cho vào nước chua để ngâm, vì thế không phải ai cũng làm dưa món được ngon đâu đấy.
Các món ăn ngày Tết ở miền Nam
1. Bánh tét
Giống với người dân miền Trung, ở phía Nam người ta cũng ăn Tết với bánh tét. Song nếu miền Trung chỉ sử dụng bánh nhân mặn truyền thống thì ở đây, người ta đã sáng tạo ra nhiều loại hơn để phục vụ nhu cầu của mọi người.
Thường thì họ thích ăn bánh tét ngọt (nhân chuối, thường là chuối Xiêm) hay bánh tét chay (nhân đậu đen). Cá biệt có một số nhà còn làm bánh tét thập cẩm với nhân gồm trứng muối, tôm khô, lạp xưởng, thịt giò, hột sen, nấm đông cô, đậu xanh. Mỗi một loại lại có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều rất hấp dẫn.
2. Thịt kho nước dừa
Thịt kho nước dừa hay thịt kho tiêu, thịt kho hột vịt cũng chính là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người miền Nam bên cạnh bánh tét. Với ý nghĩa vạn sự vuông tròn, hạnh phúc ngọt ngào và giàu sang phú quý, nếu thiếu món ăn ngậy béo, đậm đà thú vị này thì mâm cơm ngày Tết của người miền Nam sẽ mất đi phong vị. Món này mà ăn kèm cơm là chạy cơm phải biết luôn đấy.
3. Canh khổ qua nhồi thịt
Là món ăn quen thuộc hằng ngày song với ý nghĩa là mong muốn mọi muộn phiền tiêu tan, vạn sự như ý nên nó trở thành món ăn ngày Tết không thể thiếu của người miền Nam.
Khổ qua (mướp đắng) sẽ được nạo ruột, rửa thật sạch rồi cho thịt băm đã tẩm ướp thơm ngon vào bên trong rồi đem đi hầm nhừ. Vì vị đắng của khổ qua nên món ăn này hơi kén người ăn song nó lại cực kỳ bổ dưỡng và giải nhiệt cơ thể rất tốt luôn đấy.
4. Lạp xưởng
Đây là một món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ. Cứ mỗi khi tết đến, nhu cầu tìm mua lạp xưởng ở đây lại tăng một cách đáng kể. Có rất nhiều các loại lạp xưởng: từ tươi, khô, nạc đến tôm, cá…và có thể chế biến bằng nhiều cách như luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Trong đó cách làm an toàn nhất cho sức khỏe được nhiều người sử dụng đó là hấp. Vị beo béo, ngọt ngọt, dai dai của lạp xưởng chắc chắn sẽ khiến bạn mê mệt cho mà xem.
5. Củ kiệu
Nếu miền Bắc có món dưa hành muối thì ở miền Nam cũng có món củ kiệu muối chua để chống ngán trong ngày Tết. Củ kiệu trắng, nhỏ và dài hơn củ hành một chút, thường được dùng trong mâm cỗ Tết với ý nghĩa sang năm mới sẽ được tiền bạc đầy nhà và thăng quan tiến chức.
Ngoài ra món ăn này khi kết hợp với tôm khô và trứng bắc thảo với vị vừa chua chua, cay cay, ngọt ngọt đặc biệt của củ kiệu kết hợp với vị đậm đà của tôm khô sẽ là một món nhắm lý tưởng cho các đấng mày râu đấy nhé.
Có thể nói, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, mỗi nhà sẽ có những món ăn riêng, song dù là nhiều hay ít mà không có các món ăn ngày Tết trên thì quả thật là vô cùng thiếu sót đấy nhé.
Leave a Reply
View Comments